24/03/2014 - 20:03

KINH TẾ NĂM 2014

“Chữa bệnh” thay vì chỉ “uống thuốc bổ”

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa tổ chức họp mặt hội viên năm 2014 với chủ đề: “Tình hình kinh tế 2014, những thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp (DN) ĐBSCL”. Tại đây, các chuyên gia kinh tế, các DN đã cùng nhau tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế ĐBSCL năm 2013 và đưa ra những nhận định “đón đầu” trong năm 2014.

Một năm đầy thách thức

 Theo các chuyên gia kinh tế, DN cần tái cấu trúc để thích ứng với tình hình mới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Lương thực Sông Hậu, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Theo Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL, năm 2013, tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt 9,06% (so với chỉ tiêu là 12,3%). Lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp tuy có mức tăng trưởng so với năm 2012 nhưng vẫn ở mức thấp và chưa đạt mục tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Tổng thư ký Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL, đánh giá: “Điều kiện sản xuất kinh doanh của DN năm qua được cải thiện tương đối tốt. Trong đó đáng chú ý là các điều kiện về tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ, cơ sở hạ tầng giao thông, giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, các yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là tiếp cận vốn ngày một khó khăn. Ngoài ra, DN còn phải đối đầu với rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu, thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng tồn kho…”.

Ông Trần Văn Hài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Vùng ĐBSCL với thế mạnh về cây lúa và con cá. Tuy nhiên, những năm qua 2 sản phẩm chủ lực này luôn phải đối mặt với khó khăn. Điệp khúc “được mùa mất giá” liên tục diễn ra. Có những thời điểm người nông dân không còn thiết tha với công việc mà họ buộc phải gắn bó. Nói như thế để thấy rằng, nếu có lựa chọn khác thì rất nhiều nông dân đã chuyển đổi nghề. Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản thì cực kỳ bấp bênh, đặc biệt là con cá tra”. Theo ông Trần Văn Hài, hiện vẫn chưa có bất cứ quy hoạch nào cho ngành được coi là mũi nhọn của vùng; DN chế biến và người nuôi chưa có sự gắn kết bền vững. Hậu quả của việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch của các nhà máy chế biến và diện tích nuôi dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu nguyên liệu, người nuôi “treo ao”, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế ĐBSCL vẫn đang trì trệ và tăng trưởng ở mức thấp hơn tiềm năng. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố là: TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Các địa phương này chiếm 36% dân số, 43% GDP của vùng nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt toàn vùng. Một số địa phương như Cà Mau, An Giang tỷ lệ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cao cấp, kinh tế ĐBSCL phải đối mặt với các trở ngại ngắn hạn và dài hạn ảnh hưởng tới tăng trưởng. Trong đó, trở ngại ngắn hạn là sự sụt giảm niềm tin đối với khu vực tư nhân, nợ xấu, đổ vỡ bất động sản, dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp; đầu tư công kém hiệu quả. Trở ngại dài hạn là các thể chế nhà nước trong nền kinh tế thị trường; giảm sút sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp; kết cấu hạ tầng kém; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao…

Làm thế nào để thích ứng?

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014 sẽ tiếp nối những khó khăn của năm 2013. Ngoài vấn đề về vốn, kinh tế ĐBSCL còn đối mặt với thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất sản xuất nông nghiệp làm giá tăng, chất lượng nguyên liệu giảm. Thị trường xuất khẩu ngày càng cạnh tranh gay gắt và sản phẩm xuất khẩu phải đương đầu với nhiều rào cản kỹ thuật do các quốc gia nhập khẩu đưa ra. Ông Trần Văn Hài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến, cho biết: “Khó khăn của ngành cá năm 2014 là cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc…) luôn tăng trong khi đầu ra bất ổn. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường EU có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa khả quan do tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn. Xuất khẩu vào thị trường Trung Đông cũng giảm do ảnh hưởng từ các cuộc nội chiến. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam những năm gần đây có dịch chuyển sang một số thị trường khác nhưng tỷ trọng còn thấp”.

Theo khảo sát của Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL, có 59,4% DN cho rằng doanh thu tăng trong năm 2014, trong khi chỉ số này năm 2013 là 62,3%. Khoảng 29% DN dự báo lợi nhuận sẽ cải thiện trong năm 2014, năm 2013 tỷ lệ này là 31,8%; có 29% dự báo giá bán bình quân sẽ tăng lên trong năm 2014, trong khi chỉ số này trong năm 2013 là 33,3%. Trước tình hình này, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, đề xuất: “Bên cạnh nông nghiệp, các địa phương và DN nên chú ý khai thác thế mạnh về vị trí địa lý, kinh tế biển, năng lượng (nhiệt điện, điện gió…). Song song đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư; tích cực hỗ trợ DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể…”. Một số DN kiến nghị Chính phủ cần có chính sách vĩ mô ổn định, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những bất cập về chính sách theo hướng có lợi cho DN. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, rà soát phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, duy trì và mở rộng kinh doanh; đặc biệt có chính sách tín dụng ưu tiên đối với DN họat động trong lĩnh vực nông, thủy sản…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông-lâm-thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; các dịch vụ công nghệ thông tin, giáo dục, y tế; công nghệ xử lý môi trường, rác thải; dịch vụ trợ giúp các nhà đầu tư nước ngoài; liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và thế giới… Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhấn mạnh: “Để vượt qua khủng hoảng, DN phải nhanh chóng tái cấu trúc, phải đổi mới. Tái cấu trúc bao gồm: tái cấu trúc tài chính, thị trường, quản trị DN, khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết, hợp tác… Bản thân DN phải đánh giá thị trường trong nước và khu vực, cụ thể là phân khúc thị trường mà DN đang tham gia. Đồng thời phân tích SWOT (phân tích điểm mạnh-yếu-cơ hội-thách thức) của DN mình về tài chính, thị phần, thương hiệu, năng lực cạnh tranh, khả năng xử lý rủi ro... và có chiến lược phù hợp. Đã đến lúc DN cần được “chữa bệnh” thay vì chỉ cho “uống thuốc bổ”...”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết