09/01/2008 - 22:22

Xuất khẩu trái cây với tư duy mới

Đóng rổ nhãn xuất khẩu tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Một năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành xuất khẩu trái cây đã bắt đầu hướng đến hình thành những vùng sản xuất an toàn và tổ chức những chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy những thành tựu đạt được chưa nhiều, nhưng điều đáng mừng là cả nhà sản xuất và cung ứng đã quan tâm nhiều đến nhu cầu của thị trường và tổ chức sản xuất, cung ứng trái cây xuất khẩu với tư duy mới.

Hội nhập quốc tế

Hiện nay ở nước ta, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tươi “kỳ cựu” không nhiều. Một năm là khoảng thời gian quá ngắn cho các doanh nghiệp “hướng ngoại”, nếu không có những nền móng quan hệ mua bán từ trước. Hàng chục hội thảo tầm cỡ quốc gia, quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; Hàng trăm hội thảo cấp tỉnh, thành phố chuyên đề thực thi hội nhập, về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được tổ chức. Các hoạt động khảo sát, tiếp thị thị trường ngoài nước được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đóng vai trò giải pháp hàng đầu. Năm qua, đã có hàng trăm lượt doanh nhân ngành rau quả tham gia các chuyến công du giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong tầm tổ chức của Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) cơ quan Thương mại tỉnh hoặc tự doanh nghiệp tổ chức. Có doanh nghiệp trong 1 năm tổ chức gần mười chuyến “xuất ngoại” tìm đối tác, tìm cơ hội thị trường. Nhiều Hội chợ nông nghiệp quốc tế và trong nước đã được mở ra với sự tham gia ngày càng đông của các doanh nghiệp, các HTX trái cây. Nhờ đó, các doanh nghiệp trái cây, rau quả đã định hướng phát triển thị trường nội địa hay xuất khẩu theo ngành hàng, theo năng lực của doanh nghiệp. Đã có nhiều đoàn thương mại và doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam thăm dò địa bàn, tìm đối tác cung ứng trái cây và nông sản xuất khẩu như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hồng Công, Mỹ và hàng chục nước khác...

Chọn ngành hàng và thị trường để phát triển

Thanh long là ngành hàng có sức phát triển mạnh nhất so với các ngành hàng trái cây xuất khẩu trong nhiều năm gần đây cả về phạm vi thị trường và sản lượng. Từ buổi sơ khai, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận đã lấy thị trường mậu biên Việt Trung làm bài học “vỡ lòng”. Thanh long đóng thùng gỗ đến biên giới bằng “xe tải nóng”, chuyển tải bằng xe thô sơ sang Hà Khẩu, Pò Chài, Đông Hưng (Trung Quốc) bán. Nay thị trường Trung Quốc khước từ thùng gỗ vì có thể mang theo nấm bệnh, sâu hại... Hiện tại, thanh long Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đã được đóng bằng thùng giấy, vận chuyển bằng xe tải lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra thanh long còn được đóng container kẹp chì xuống tàu biển chuyên dùng chở nông sản đúng “phong cách quốc tế” để xuất sang các thị trường trong khu vực gồm Hồng Công, Đài Loan, Singapore, Thái Lan... và sang các nước châu Âu như: Pháp, Đức, Hà Lan...

Khả năng cung cấp thanh long quanh năm của nhà vườn tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường. Mấy năm qua, sản lượng thanh long Việt Nam xuất khẩu tăng ngoạn mục. Năm 2003, kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt hơn 5,8 triệu USD, năm 2004 tăng lên gần 6,6 triệu USD, năm 2005 hơn 10 triệu USD, năm 2006 đạt gần 13,3 triệu USD (chưa tính sản lượng mậu biên Việt Nam-Campuchia- Lào). Riêng trong 10 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt gần bằng năm 2006.

Hàng chục loại trái cây đặc sản khác đã ra mắt thị trường thế giới. Những năm gần đây, bưởi Năm Roi (Namroi.com) đã được nhiều nước trên thế giới biết đến do có chất lượng vượt trội so với bưởi Trung Quốc. Bưởi Năm Roi có vùng sản xuất tập trung ở Vĩnh Long, Cần Thơ, sản lượng hàng hóa cao và ổn định nên sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể, được thị trường Hồng Công, Trung Quốc và một số nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển... chào đón. Một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hoàng Gia đang xây dựng chiến lược đưa bưởi Năm Roi đi giới thiệu ở Pháp, Mỹ...

Nhãn cũng là mặt hàng truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan quanh năm. Các mặt hàng chôm chôm, chanh, chuối đang gây chú ý mạnh ở nước ngoài bởi khả năng cung cấp trái vụ. Mãng cầu (na), xoài và các loại trái cây khác cũng đã ra mắt thị trường Trung Quốc, Hồng Công, Pháp, Hà Lan..., Tuy mới chào bán số lượng nhỏ, hàng gởi máy bay nhưng đã được thị trường chấp nhận về mẫu mã, chất lượng.

Thay đổi tư duy trong xu hướng mới

Đối với trái cây, thị trường xuất khẩu là một lợi thế để giải phóng sức sản xuất và mang về ngoại tệ giá trị cao hơn, nhất là giải quyết tình trạng cung vượt cầu nếu chỉ tiêu dùng nội địa. Một cán bộ làm việc ở cửa khẩu cho biết, trái vải chở xe thùng lên TX Lào Cai được chia sang xe thồ (kiểu xe đạp thồ súng đạn thời kháng chiến chống Pháp) phải ba người đẩy mới nổi. Nhưng sang tới bên Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ còn 30% trái nguyên, 70% trái dập móp phải chuyển sang sấy khô, thì làm sao bán được giá cao.

Để xuất khẩu rau quả, trước hết phải có sản lượng lớn cho xứng với việc nhà nhập khẩu làm thủ tục, vận chuyển và hợp đồng giao hàng cho người bán lẻ. Kinh nghiệm cho thấy, việc đảm bảo chất lượng từ quá trình sản xuất, thu hái, đóng gói, bảo quản thích hợp cho từng chủng loại rau quả là vô cùng cần thiết. Sự liên kết để cạnh tranh hạ giá bán và tăng tiện ích trở nên phổ biến. Tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm trái cây GAP (thực hành nông nghiệp tốt) đề xuất đầu tiên từ châu Âu nhanh chóng được nhiều thị trường hưởng ứng. Nhu cầu rau quả của người tiêu dùng không còn chấp nhận cảm quan đơn thuần về trọng lượng, màu vỏ, khuyết tật trên trái cây. Họ đòi hỏi trái cây phải được sản xuất chuẩn mực như các mặt hàng công nghiệp thực thụ.

Muốn vậy, trước hết phải đổi mới tư duy về xuất nhập khẩu mặt hàng trái cây. Nông dân cần phải được huấn luyện, cập nhật kiến thức thường xuyên để có hiểu biết và kinh nghiệm sản xuất hàng trái cây xuất khẩu nắm bắt được nhu cầu của từng loại thị trường. Nếu không thực hiện quy hoạch vùng sản xuất đáp ứng các điều kiện làm ra sản phẩm trái cây an toàn và không tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt thì không thể có nhà cung cấp trái cây hàng hóa. Nếu nhà đóng gói không thực hiện đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thì không thể giữ được rau quả tươi ngon trong quá trình vận chuyển và chờ bán...

Hàng loạt tỉnh từ Đồng Nai đến Sóc Trăng đã tổ chức Hội thi trái ngon, Hội thi cây giống tốt để tìm ra cây đầu dòng giống tốt cho việc cải thiện giống hoặc làm giống mới. Có địa phương như thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đưa chuyên đề hội nhập quốc tế, nhận dạng thị trường xuất khẩu rau quả đến tận bà con nông dân, tổ chức triển khai công tác cải thiện giống cây và quy trình canh tác. Hàng loạt mô hình “Thực hành nông nghiệp tốt” cho xoài, bưởi, nhãn, măng cụt, sầu riêng... được triển khai ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Do yêu cầu của thị trường châu Âu, Bình Thuận đã tập trung làm 5 mô hình thanh long EUREP GAP (2 mô hình đã nhận Văn bằng chứng nhận). Đây là những việc làm rất thiết thực, giúp nông dân có những hiểu biết đúng đắn về quy trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Minh Tuấn

Chia sẻ bài viết