17/10/2017 - 22:17

Xác định 7 liên kết trọng tâm cho vùng Tứ giác Long Xuyên 

Các địa phương thuộc Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ đang hoàn chỉnh nội dung Tầm nhìn chiến lược của Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để các địa phương xác định lĩnh vực ưu tiên liên kết, đưa Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên ngày càng phát triển phồn thịnh.

Nhiều thách thức

Nằm ở hữu ngạn sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên (TGLX) là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của vùng ĐBSCL, tổng diện tích khoảng hơn 500.000 ha. Vùng chủ yếu sản xuất lúa gạo và thủy sản; riêng tổng sản lượng lúa gạo khoảng 5 triệu tấn/năm. Cùng với tiểu vùng Đồng Tháp Mười phía tả ngạn sông Tiền, TGLX có chức năng điều tiết thủy văn quan trọng cho toàn ĐBSCL. Vào mùa lũ, vùng TGLX ngập tự nhiên đến 3m, hấp thu một khối lượng lớn nước lũ, phù sa, tài nguyên thủy sản, giúp giảm ngập lụt cho các vùng phía hạ lưu. Đến mùa khô, nước lũ trong vùng trũng này bổ sung cho dòng chảy, giúp cân bằng ranh giới mặn-ngọt cho các tỉnh ven biển.

Lãnh đạo TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang tại cuộc họp bàn nội dung liên kết trọng tâm của Tiểu vùng TGLX.

Sự phát triển của TGLX nhiều thuận lợi, nhưng cũng nhiều thách thức. Các hiện tượng cực đoan về thời tiết, hiện tượng El Nino cực đoan năm 2015 - 2016 diễn ra trên toàn lưu vực Mekong dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn, mưa trái mùa vào mùa khô gây thiệt hại cho hoa màu...; nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao vào mùa khô ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng.

Theo ước tính của các địa phương tiểu vùng TGLX, diện tích canh tác lúa 3 vụ hằng năm trong đê bao khép kín ở vùng tăng nhanh từ sau năm 2000 đến nay. Nhưng việc canh tác 3 vụ lúa trong đê bao khép kín làm hệ thống canh tác chưa thật sự bền vững về lâu dài, do phù sa không vào được trong đê bao, dẫn đến đất đai có khả năng bị cạn kiệt dinh dưỡng nếu canh tác liên tục 20 - 25 năm, gia tăng chi phí canh tác và giảm lợi nhuận. Hệ thống đê bao khép kín cũng ảnh hưởng đến hệ thống thủy văn của ĐBSCL, ảnh hưởng đến không gian hấp thu và trữ lũ của vùng TGLX trong mùa lũ. Ngoài ra, môi trường, nguồn nước mặt trong tiểu vùng TGLX nói riêng và ĐBSCL nói chung có thể gây ô nhiễm từ việc thâm canh lúa; việc sử dụng nước ngầm quá mức, gây sụt lún đất. Nguồn tài nguyên thủy sản tự nhiên ở tiểu vùng và ĐBSCL bị suy giảm đáng kể, các khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước còn lại diện tích nhỏ, thiếu những hành lang kết nối với nhau...

Thêm vào đó, thời gian qua từng địa phương trong tiểu vùng theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng, dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn về cơ sở hạ tầng, không phát huy được sức mạnh chung của tiểu vùng; trùng lặp về sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau không cần thiết. Thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hóa; việc bố trí không gian phát triển chưa hài hòa với lợi thế giữa các địa phương... Cơ sở hạ tầng và logistics cho sản phẩm nông nghiệp tiểu vùng, nhất là phục vụ cho ngành hàng lúa gạo còn bị chặt khúc, vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ. Những hạn chế này cần sự đồng thuận của các địa phương để cùng tháo gỡ.

Liên kết cùng phát triển

Thực hiện Thông báo kết luận số 332/TB-VPCP ngày 14-10-2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ và các nhà khoa học xây dựng dự thảo nội dung Tầm nhìn chiến lược cho Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng TGLX”. Đề án nhằm xây dựng một Tiểu vùng TGLX phồn thịnh, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển bền vững thông qua liên kết hợp tác, điều phối tốt giữa các địa phương trong tiểu vùng. Liên kết vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng đồng bộ, hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng.

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản. Ảnh: ANH KHOA

Sáng 17-10, tại TP Cần Thơ, Ban Điều hành xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng TGLX” đã có cuộc họp rà soát lần cuối nội dung Tầm nhìn chiến lược của Đề án này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi nhấn mạnh: “Cuộc họp tìm sự thống nhất về nội dung Tầm nhìn chiến lược của Đề án, trước khi trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Các địa phương trong Tiểu vùng xác định 7 liên kết trọng tâm trong thời gian tới, đó là: quy hoạch, kế hoạch (bố trí không gian phát triển); sản xuất và xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin vùng; xây dựng thể chế chính sách cho tiểu vùng...”. Dự thảo này đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp các bộ, ngành Trung ương và nhận được sự thống nhất cao.

 Theo tỉnh An Giang - địa phương chủ trì xây dựng Đề án, dự kiến trong tháng 10-2017, UBND tỉnh An Giang sẽ trình Tầm nhìn chiến lược của Đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, sẽ thành lập Ban Cố vấn, lập đề cương chi tiết, thu thập thông tin, xây dựng nội dung dự thảo đề án, có thể trình thẩm định và phê duyệt đề án trong năm 2018.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, Cố vấn chuyên môn cho Ban Điều hành xây dựng Đề án, liên kết vùng sẽ giúp phân công vai trò giữa các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh cạnh tranh không cần thiết; giúp bố trí không gian phát triển hợp lý hơn, hài hòa hơn cho toàn vùng. Liên kết để giải quyết những vấn đề chung, vượt ngoài ranh giới hành chính của từng tỉnh; Tiểu vùng TGLX có liên quan chặt chẽ với nhau về môi trường, kinh tế, xã hội nên việc liên kết là rất hợp lý. “Hiện tiểu vùng TGLX đã có được tầm nhìn, cái cần nhất để liên kết đi đến thành công là cam kết của các địa phương và cách làm để biến ước mơ thành hiện thực”- ông Thiện nói.

Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các địa phương cùng thống nhất Tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đó xây dựng đề án liên kết tiểu vùng. “Các địa phương đừng quá cầu toàn làm tất cả, mà trước hết xác định lĩnh vực cần ưu tiên liên kết, quá trình làm nếu phát sinh thêm sẽ tiếp tục triển khai. Chẳng hạn như trước đây, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn của năm 2015, giữa An Giang và Kiên Giang đặt ra liên kết đầu tiên là liên kết vùng nước, sử dụng nguồn nước hợp lý cho sản xuất lúa... đã phát huy hiệu quả”- ông Nhịn đề xuất.

Bài, ảnh: ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết