19/07/2012 - 09:46

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ:

Tín dụng tăng khi ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Kéo lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm từ ngày 15-7-2012 theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chắc chắn sẽ được  các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về việc triển khai thực hiện chủ trương kéo giảm lãi suất của các TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ.

* Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm âm, ông nhận định gì về con số này?

-Theo thống kê của NHNN chi nhánh Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm giảm 2% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ của nền kinh tế đạt 39.902 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư nợ đối với 4 lĩnh vực ưu tiên đều chuyển dịch theo hướng tích cực so với cuối năm 2011. Cụ thể, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 22,59% và chiếm 41,45% trong tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu tăng 24%; cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ tăng 19,44%; riêng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 5,83%. Nhìn chung, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt việc hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích theo quy định của NHNN. Chi nhánh đã duy trì thực hiện giám sát các TCTD trên địa bàn về tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; nắm bắt tình hình thực hiện lãi suất huy động vốn, tình hình huy động vàng, giữ hộ vàng, cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng của các TCTD.

Tín dụng 6 tháng đầu năm âm 2% so cuối năm 2011 không có nghĩa là ngân hàng không cho doanh nghiệp (DN) vay; các TCTD luôn sẵn sàng cho DN vay. Bằng chứng là các NHTM đang thừa tiền, tổng huy động vốn trong 6 tháng đầu năm tăng 7,44% so với cuối năm 2011 và đạt 30.200 tỉ đồng. Thực tế nguyên nhân DN khó tiếp cận được vốn vay là do báo cáo tài chính của DN không minh bạch, thiếu tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi, thiếu vốn tự có khi tham gia dự án, lãi suất các tháng đầu năm vẫn cao. Trong các nguyên nhân này thì khó khăn về lãi suất đang được các TCTD trên địa bàn thành phố tháo gỡ, các khó khăn còn lại các TCTD và DN đang tiếp tục cùng tháo gỡ. DN muốn được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất phải có sức khỏe tốt, đầu ra sản phẩm tốt, đảm bảo khả năng trả nợ sẽ được các ngân hàng xem xét phù hợp với nguồn trả nợ của DN.

* Hiện nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Tình trạng nợ xấu trên địa bàn TP Cần Thơ đang ở “ngưỡng” nào, thưa ông?

Doanh nghiệp, người dân đang cần sự chia sẻ khó khăn từ ngân hàng (Nhân viên ACB đang tư vấn cho khách hàng). Ảnh: T.H

-Tính đến cuối tháng 6-2012, nợ xấu chiếm 3,2% so tổng dư nợ (1.279 tỉ đồng) và tăng khoảng 500 tỉ so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, khoản nợ xấu này chỉ ở một số TCTD và các DN này đang được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Các TCTD đang rà soát, phân loại các khoản nợ và trích dự phòng rủi ro. NHNN chi nhánh TP Cần Thơ đang theo dõi sát tình hình này, chi nhánh còn tổ chức các cuộc đối thoại giữa ngân hàng với DN và giữa các ngân hàng để tìm giải pháp đưa dòng vốn ra thị trường.

Trên thực tế cả ngân hàng và DN đều rất sợ nợ xấu. Khi nợ xấu cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. DN bị đưa vào danh sách nợ xấu thì khó vay vốn ở bất cứ ngân hàng nào. Các TCTD đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế nợ xấu phát sinh.

* Không thể đổ hết việc DN phá sản, ngừng hoạt động do lãi suất cho vay cao, mà DN chết còn nhiều nguyên nhân khác. Nhưng suy cho cùng, lãi suất vẫn là yếu tố tác động mạnh nhất, bởi đa phần DN đang hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay. Chủ trương giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm từ ngày 15-7 của NHNN có giúp tăng trưởng tín dụng trên địa bàn cải thiện không, thưa ông?

-Hiện NHNN chi nhánh TP Cần Thơ đang chỉ đạo các TCTD rà soát lại tất cả các khoản cho vay, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có giải pháp cụ thể trong việc kéo giảm lãi suất các khoản vay cũ. Chủ trương kéo giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN sẽ được các TCTD chấp hành nghiêm túc, trong đó các NHTM Nhà nước đang tiên phong. Trong tình hình hiện nay, các ngân hàng phải chia sẻ khó khăn với DN, “cứu” DN cũng là tự cứu mình, nhưng không có nghĩa là cứu tràn lan mà tùy vào tình trạng sức khỏe của từng DN.

Với tất cả các giải pháp tiền tệ mà NHNN đang thực hiện, cùng sự đồng thuận của các NHTM sẽ là điều kiện để tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Bởi Quyết định 780/QĐ-NHNN (ngày 23-4-2012) về việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời gian trả nợ, cùng với chỉ đạo kéo giảm lãi suất của Thống đốc sẽ giúp DN hấp thụ được vốn, sản xuất phục hồi; đồng thời là cơ sở để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra.

* Xin cảm ơn ông!

GIA BẢO  (thực hiện)

Doanh nghiệp, người dân đang cần sự chia sẻ khó khăn từ ngân hàng (Nhân viên ACB đang tư vấn cho khách hàng). Ảnh: T.H

Chia sẻ bài viết