25/11/2010 - 08:35

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri cả nước quan tâm

 

Sáng 24-11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm. Trong đó tập trung vào các nội dung chính về kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả, khai thác chế biến bô - xít và triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy-Vinashin, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và một số nhiệm vụ chủ yếu về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đầu tư cho nông nghiệp và triển khai nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, diễn biến giá tiêu dùng trong năm nay cũng theo quy luật tăng cao vào quý I, giảm dần và tương đối ổn định trong quý II và tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Đến hết tháng 11, giá tiêu dùng tăng 9,58% so với tháng 12-2009, trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hóa và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%. Tình hình giá cả tăng cao trong những tháng gần đây trước hết do biến động tăng mạnh của giá thế giới. Ở trong nước, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá, mặt khác việc tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giá cùng với thiên tai lũ lụt đã làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ cung cầu và tạo áp lực tăng giá. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng vật tư, hàng hóa tăng cao, biến động về giá vàng và tỷ giá cũng tác động làm tăng giá cả thị trường.

Thủ tướng nêu bật 6 trọng tâm để tiếp tục kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát như tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương vùng bị lũ lụt sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm lưu thông và cung cấp hàng hóa kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện, than bán cho các hộ sản xuất: điện, xi măng, giấy, phân bón; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu ở mức phù hợp. Đồng thời, điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho cả nền kinh tế, cân đối tiền - hàng trong lưu thông; kiểm soát chặt chẽ hiệu quả chi ngân sách nhà nước... Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu và các hàng hóa phục vụ Tết, tạo điều kiện cho nhân dân ở các vùng miền trên cả nước, nhất là các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện tiếp cận nguồn hàng. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về đăng ký, kê khai và niêm yết giá, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ tăng giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác thông tin tuyên truyền sẽ được tăng cường và xử lý nghiêm việc đưa tin không chính xác tạo bất ổn trên thị trường.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Về lâu dài, phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự án khai thác chế biến bô - xít có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng

Theo Thủ tướng, tài nguyên quặng bô - xít để sản xuất alumin, nhôm của nước ta là rất lớn, trữ lượng dự báo khoảng 11 tỉ tấn, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Việt Nam là nước có trữ lượng bô - xít hàng đầu thế giới, có thể cung cấp lâu dài nguyên liệu để phát triển ngành công nghiệp alumin, nhôm ở nước ta.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, việc thăm dò, khai thác, chế biến bô - xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng. Để triển khai chủ trương này, trong 2 nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội. Các chủ trương, chỉ đạo đã nêu rõ việc khai thác, chế biến bô - xít gắn với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin, nhôm nhằm phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Nhà nước cần tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư triển khai thí điểm 2 Dự án khai thác, chế biến bô - xít. Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt 2 Dự án này được tiến hành chặt chẽ theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các địa phương Lâm Đồng và Đắk Nông đều mong muốn và ủng hộ việc triển khai Dự án.

Việc thẩm định các dự án đã được các Hội đồng Thẩm định do Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, tiến hành thẩm định nghiêm túc, thận trọng và đã khẳng định các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng.

Hai dự án này đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Tập đoàn Nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình thức chìa khóa trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau 2 năm xây dựng.

Về môi trường, ở những nơi có quặng bô - xít, lớp đất mặt không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp và ở đó mật độ rừng che phủ cũng thấp. Việc khai thác bô - xít gắn với hoàn thổ, cải tạo đất trong thời gian khoảng 4 - 5 năm. Như vậy, chính việc khai thác bô - xít sẽ là điều kiện để cải tạo đất tốt hơn cho phát triển cây công nghiệp và trồng rừng ở Tây Nguyên.

Trong quá trình triển khai Dự án, việc xử lý bùn đỏ đã được xem xét, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Nhưng ngay sau khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary và sự quan tâm góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học,... Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản rà soát lại các hạng mục công trình của Dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ. Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại, trên cơ sở đó hoàn thiện thiết kế hồ bùn đỏ của các Dự án; đồng thời, giao Bộ Công Thương tổ chức Đoàn khảo sát sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary.

Thủ tướng khẳng định, 2 Dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc lập và thẩm định Dự án đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Ngay sau khi có các ý kiến về hiệu quả của Dự án và sự an toàn của hồ bùn đỏ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chủ đầu tư nghiêm túc nghiên cứu rà soát đánh giá lại các vấn đề liên quan. Hội đồng đánh giá liên ngành đã khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án. Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, Đoàn khảo sát ở Hungary đã có báo cáo đánh giá giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện Dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường.

Quyết tâm cao, sớm thực hiện thành công tái cơ cấu Vinashin

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ cuối năm 2008, Vinashin gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, không thu xếp được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký. Tập đoàn lâm vào tình trạng thua lỗ (năm 2009 lỗ 1.600 tỉ đồng). Thực trạng này có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều chủ tàu đã hủy hợp đồng (từ đơn hàng có giá trị gần 12 tỉ USD xuống chỉ còn trên 2 tỉ). Song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết là do việc cố ý làm trái, báo cáo không trung thực và yếu kém của lãnh đạo Tập đoàn trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và đầu tư, phát triển thêm quá nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh... Trong khi đó, một số cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Tập đoàn.

Khi được các cơ quan chức năng báo cáo tình hình quản lý yếu kém và sai trái của lãnh đạo Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ chức năng, Bộ quản lý ngành liên tục theo sát để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và yêu cầu cắt giảm từ 106 dự án với tổng mức đầu tư gần 64 nghìn tỉ đồng xuống còn 28 dự án với tổng mức đầu tư gần 25 nghìn tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2010 - 2011, chỉ thực hiện 13 dự án đang đầu tư dở dang với tổng mức đầu tư gần 2 nghìn tỉ đồng. Tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để nghiên cứu đề xuất phương án tái cơ cấu Tập đoàn; đồng thời, đã yêu cầu Tập đoàn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên và yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật.

Theo báo cáo của Tổ công tác và Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin, đến ngày 30-6-2010, tổng số nợ của Tập đoàn là hơn 86 nghìn tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả trên 14 nghìn tỉ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng gần 11 lần. Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, sản xuất đình đốn, nợ lương, nợ bảo hiểm đối với người lao động, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

Số nợ vay 86 nghìn tỉ đồng và số vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỉ đồng đang nằm trong tổng giá trị tài sản của Tập đoàn trên sổ sách là hơn 104 nghìn tỉ đồng. Giá trị thực tế của mỗi tài sản cũng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn trên sổ sách, hiện đang được rà soát đánh giá cụ thể. Các tài sản này đang được quản lý ở các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, trong đó có 110 cơ sở sản xuất, với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt, 14 nhà máy đóng tàu đang thực hiện đầu tư; các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ; các dự án khu công nghiệp, cảng biển và đội tàu vận tải biển 700 nghìn tấn trọng tải... Như vậy, con số 86 nghìn tỉ nợ vay của Tập đoàn không phải là số tiền mà Vinashin đã thua lỗ, thất thoát.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra toàn diện Vinashin, kiểm toán độc lập đang kiểm toán kết quả kinh doanh năm 2010 và lãnh đạo Tập đoàn cũng đang rà soát đánh giá lại cụ thể để có con số cập nhật chính xác về tình hình tài chính, tài sản của Tập đoàn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm và thảo luận phân tích tình hình các mặt, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra kế hoạch cụ thể với hai yêu cầu là: Chấn chỉnh và xử lý khó khăn, tạo điều kiện để Vinashin sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển; Tập trung hoàn thiện thể chế cơ chế, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tình trạng như Vinashin.

Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo toàn diện về việc kiện toàn và xây dựng, phát triển Tập đoàn Vinashin. Kết luận này của Bộ Chính trị đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có các Chỉ thị và đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy do Phó Thủ tướng Thường trực làm Trưởng ban; đã tăng cường Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, kiện toàn một bước tổ chức và quy chế hoạt động của Tập đoàn.

Ngày 18-11-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin với mục tiêu là sớm ổn định sản xuất kinh doanh, củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, từng bước trả được nợ, tích lũy và phát triển; xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp tàu biển, là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược Biển. Theo đó, đến 2013, Vinashin sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ còn 43 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động chuyên môn hóa, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành.

Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho biết thêm đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế quản lý về đầu tư, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; về giám sát, kiểm tra, thanh tra; về tổ chức thực hiện chức năng của chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo trong quản lý sản xuất kinh doanh theo pháp luật. Không quay lại cơ chế cơ quan hành chính nhà nước can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh... Tập trung sức xây dựng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đủ mạnh, thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, có hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa...

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin.

Tập trung nguồn lực đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân

Thủ tướng nêu rõ, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2010, tình trạng thiếu điện đã xảy ra vào những ngày nắng nóng và diễn ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Tình trạng thiếu điện có nhiều nguyên nhân. Trước hết là phần lớn các dự án điện đều thiếu vốn. Trong nhiều năm qua, Chính phủ chỉ dành vốn ngân sách phục vụ cấp điện cho các thôn buôn vùng đồng bào dân tộc. Với khoảng 40 dự án đầu tư xây dựng nguồn điện và hàng chục dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu hàng năm phải bổ sung thêm khoảng 3.000 MW, tương đương nhu cầu vốn khoảng 6 tỉ USD/năm, Chính phủ cùng ngành điện đã rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư cho phát triển điện nhưng đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại các công trình nguồn và lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các Bộ, ngành và các địa phương, sự chia sẻ và hợp tác của người dân. Giá điện thấp chưa phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất và kinh doanh điện là nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư vào ngành điện và không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả...

Để khắc phục tình trạng thiếu điện năm 2011 và các năm tới, Thủ tướng nêu bật các giải pháp như: khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, kể cả các nhà máy điện sử dụng dầu đốt có giá thành sản xuất cao; nguồn điện diesel dự phòng của các doanh nghiệp; rút ngắn thời gian sửa chữa, bố trí hợp lý lịch sửa chữa các tổ máy hiện có để tăng sản lượng điện; tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài; đưa vào vận hành ổn định các dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện than mới ở miền Bắc. Các vướng mắc về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng được tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các nguồn điện mới vào vận hành. Tổ máy 1 của Thủy điện Sơn La với công suất 400 MW sẽ đưa vào vận hành giữa tháng 12 năm 2010, sớm 2 năm so với thời hạn đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Từ nay đến hết năm 2011, đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW, tăng trên 20% công suất nguồn so với hiện nay. Đồng thời, công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng được tăng cường.

Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thủ tướng nêu rõ, về lâu dài, để ứng phó có hiệu quả với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương ưu tiên vốn thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa nước, nhất là trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Chất lượng dự báo và khả năng phòng chống thiên tai được chú trọng nâng cao ; bổ sung các trạm đo thu thập số liệu khí tượng thủy văn; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dự báo bão lũ, các cán bộ chuyên ngành thủy lợi ở cấp huyện. Các quy trình vận hành liên hồ chứa tiếp tục ban hành và hoàn thiện theo Danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt để điều tiết dòng chảy, trữ nước mùa mưa, cấp nước mùa khô và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, trước hết là các hồ chứa ở khu vực miền Trung và các nơi có yêu cầu cấp bách. Bổ sung các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù địa phương để tăng cường khả năng ứng cứu tại chỗ....

Thực tế những năm qua cho thấy yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống ngập úng ngày càng trở lên cấp bách. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Bộ, ngành và địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động của mình, tiến tới xây dựng kế hoạch hành động Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã ký hợp tác với Chính phủ Hà Lan về việc giúp Việt Nam rà soát, xây dựng quy hoạch các công trình thủy lợi phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đang triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển, chương trình đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Đề án rà soát, điều chỉnh quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn xây dựng cho các thành phố, khu công nghiệp và khu kinh tế thuộc vùng ven biển để ứng phó hiệu quả với tình trạng nước biển dâng.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Theo Thủ tướng, về đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết Trung ương 7 xác định: “tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ năm 2009 và đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước”. Theo tinh thần đó, Nhà nước chủ trương dành vốn ngân sách tập trung đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời, tăng thêm chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm, dự án đầu tư có mục tiêu cho nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tính trong 5 năm 2004 - 2008, trước khi có Nghị quyết Trung ương 7, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này là hơn 181 nghìn tỉ đồng, bằng 39,1% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ của cả nước; trong đó, đầu tư cho phát triển nông nghiệp là 36,9%, cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 63,1%. ... Năm 2010, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này hơn 87 nghìn tỉ đồng, bằng 48,1% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tăng 10,5% so với năm 2009; trong đó, đầu tư cho phát triển nông nghiệp tăng 9,1%, cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn tăng 11,3%... Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, tổng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng, gấp 1,46 lần so với giai đoạn 2004 - 2008, trước khi có Nghị quyết Trung ương 7. Nếu năm 2012 và 2013, Quốc hội phê duyệt mức đầu tư bằng hoặc cao hơn năm 2011 thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013) sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra là đảm bảo vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn 5 năm sau cao gấp hai lần 5 năm trước...

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết