18/12/2014 - 20:41

Thi đua làm giàu…

Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) ở quận Cái Răng từng bước hình thành các mô hình sản xuất dưới dạng kinh tế hộ. Những mô hình này không chỉ phù hợp với tiến trình đô thị hóa tại địa phương mà còn là điều kiện khơi gợi khả năng tìm tòi, sáng tạo của nông dân giúp họ tăng thêm thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

* Hướng đến nền nông nghiệp đô thị

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cái Răng, cho biết: Hội xác định phong trào nông dân thi đua SXKDG là đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và đóng vai trò nòng cốt thực hiện Nghị quyết 26 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Từ đó Ban chấp hành Hội Nông dân quận và cơ sở tập trung tuyên truyền, phát động sâu rộng đến hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào. Đặc biệt, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt, Hội hướng dẫn nông dân lựa chọn cách thức làm ăn phù hợp với điều kiện của từng hộ. Với cách làm thiết thực này, số hộ đăng ký tham gia phong trào tăng dần theo từng năm. Nếu năm 2012 toàn quận có 3.705/4.923 hộ đăng ký, xét công nhận 2.492 hộ, đạt hơn 11,7%, thì đến năm 2014 có đến 3.800 hộ đăng ký tham gia (cấp Trung ương 24 hộ, thành phố 136 hộ, quận 745 hộ và phường 2.895 hộ).

Ngoài việc tổ chức sản xuất, phân công lao động phù hợp, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, hiệu quả kinh tế không ngừng tăng lên trên cùng một đơn vị diện tích. Điển hình ở phường Tân Phú, bưởi Năm Roi được bà con chọn là cây chủ lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì nằm trong quy hoạch nên diện tích trồng bưởi trên địa bàn khó mở rộng. Số khác không được chăm sóc dẫn đến già cỗi, còi cọc. Trước tình hình này, Hội Nông dân phường vận động nông dân tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất "Tỉa cành tạo tán trẻ hóa vườn bưởi". Ông Nguyễn Thành Trung, hội viên nông dân khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, chia sẻ: "Tỉa cành tạo tán cây bưởi là tạo bộ khung cây vững chắc, phục hồi sức trẻ cho cây, giúp cây phát triển ổn định, lâu dài. Thế nhưng, ban đầu do chưa hiểu rõ nên nghe nói đến cắt cành ai cũng ngán. Từ sự vận động, tuyên truyền của ngành chức năng cộng với kinh nghiệm sẵn có, tôi mạnh dạn thử nghiệm trên vườn bưởi của mình và kết quả mang lại ngoài sự mong đợi. Đợt tháng 8 vừa rồi với 2 công bưởi tôi thu hoạch khoảng 6 tấn, với mức giá dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg, trừ hết chi phí cho lãi khoảng 47 triệu đồng. Đợt bưởi đón Tết Nguyên đán này nhiều thương lái đã đến đặt hàng nhưng tôi còn neo giá nên chưa bán…".

Ông Nguyễn Thành Trung, hội viên nông dân khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú chăm sóc vườn bưởi đón Tết Nguyên đán 2015.

Theo anh Trần Văn Thơi, hội viên nông dân khu vực 2, phường Hưng Thạnh, gia đình anh có 3.000 m2 đất, trước đây chủ yếu trồng lúa nên thời gian nông nhàn rất nhiều. Nhờ sự khuyến khích, hỗ trợ từ Hội nông dân phường trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, gia đình anh chuyển sang trồng rau màu. "Năm 2012 là năm đầu tiên tôi bắt tay trồng rau màu chỉ với 1.000m2. Sản lượng thu được khoảng 4,5 tấn, trừ hết chi phí cho lãi khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập trên so sánh với cây lúa, hiệu quả tăng gấp 4-5 lần. Vì vậy, tôi dần mở rộng diện tích sản xuất. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 30 tấn rau các loại, trừ hết chi phí còn lời hơn 38,4 triệu đồng"- anh Trần Văn Thơi cho biết. Tham gia phong trào nông dân SXKDG, nhiều hộ trên địa bàn quận thu được lợi nhuận bình quân hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình: Hợp tác xã nuôi heo khu vực Yên Thạnh, phường Thường Thạnh, thu lợi nhuận trên 870 triệu đồng/năm; mô hình trồng mít hạt lép của hộ ông Trần Minh Mẫn (khu vực 2, phường Ba Láng) lợi nhuận 726 triệu/năm; mô hình vườn du lịch của ông Phạm Văn Hổ (khu vực 1, phường Hưng Phú) cho lợi nhuận 360 triệu đồng/năm...

* Tiếp tục phát triển sâu rộng

Chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai mô hình "Tỉa cành tạo tán trẻ hóa vườn bưởi", ông Trần Hoàng Na, Phó Chủ tịch Hội nông dân phường Tân Phú, đúc kết: "Có được những kết quả vừa nêu là do Hội Nông dân phường thường xuyên phân công cán bộ tham dự những buổi sinh hoạt của các tổ để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phong trào. Ngoài ra, phường còn duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật để tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của nông dân, qua đó tạo điều kiện để nông dân tích cực tham gia phong trào". Thời gian tới, Hội Nông dân phường tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên và phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình. Song song đó, Hội tập trung đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt để phong trào nông dân SXKDG trở nên gần gũi và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm những thiếu sót và kế thừa những thành quả đạt được, Hội Nông dân quận Cái Răng xác định tập trung ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học là khâu đột phá trong phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2015-2017. Theo đó, Hội tạo điều kiện để hội viên nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan. Đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông quận lên kế hoạch xin kinh phí hỗ trợ cây, con giống cho bà con; xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị như: nuôi lươn trong bể bạt; trồng kiểng lá, lan cắt cành, rau ăn trái, rau ăn lá… Một số ý kiến đề xuất ngành chức năng quận cần có giải pháp kiểm soát, kiềm chế giá vật tư nông nghiệp để nông dân tiếp cận "đầu vào" hợp lý; đồng thời kiến nghị cấp trên xóa các dự án quy hoạch treo, kéo dài để nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cái Răng, nhấn mạnh: Phong trào nông dân thi đua SXKDG được xác định một trong ba phong trào trọng tâm, vì vậy hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào này gắn với phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng tổ Đoàn kết tương trợ, Tổ hợp tác sản xuất… Đồng thời, kết hợp với các ngành hữu quan tạo điều kiện để nông dân tham gia các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi đi đôi với xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Để nâng chất phong trào nông dân thi đua SXKDG, bên cạnh việc vận động nông dân đăng ký tham gia phong trào, Hội phát huy mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết