19/04/2017 - 22:07

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển logistics

Thời gian qua, dù được quan tâm đầu tư phát triển nhưng kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng ĐBSCL vẫn chưa đồng bộ. Vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của vùng còn gặp khó, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải trung chuyển qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh (Cát Lái) và Bà Rịa Vũng Tàu (Cái Mép-Thị Vải) khiến tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa. Do vậy, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy đầu tư phát triển đúng mức cho hệ thống logistics của vùng đang là yêu cầu rất cấp thiết.

Đã có tín hiệu tích cực

Hiện nay, hạ tầng giao thông, hệ thống logistics của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL còn tồn tại nhiều yếu kém. Theo đó, TP Cần Thơ chưa có hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối với các tỉnh trong vùng, với trung tâm kinh tế của phía Nam là TP Hồ Chí Minh. Hệ thống quốc lộ qua địa bàn thành phố cũng chưa được hoàn tất theo quy hoạch... Sân bay Cần Thơ chưa được khai thác hết công suất và còn thiếu các đường bay quốc tế. Các tuyến đường thủy nội địa vẫn đang tiếp tục đầu tư xây dựng để hoàn chỉnh theo quy hoạch. Các luồng sông dẫn vào các cảng thường xuyên bị bồi lắng phù sa do đặc thù địa hình của vùng ĐBSCL nên tốn nhiều chi phí nạo vét.

Lãnh đạo TP Cần Thơ khảo sát hoạt động của Tân Cảng Thốt Nốt thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Trên 85% cảng, bến của các cảng biển ĐBSCL có quy mô rất nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container. Toàn vùng có 32 cầu bến cảng biển, nhưng chỉ có 6 cảng có khả năng khai thác dịch vụ bốc xếp container, trong đó có 3 cảng ở TP Cần Thơ.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ giữ vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới logistics của vùng ĐBSCL. Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tại ĐBSCL có 2 trung tâm logistics hạng 2 đi vào hoạt động. Trong đó, một trung tâm logistics có quy mô tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030 phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. Còn lại một trung tâm phục vụ cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thực hiện theo Quyết định trên, TP Cần Thơ đã lập và đề xuất Bộ Công thương thống nhất quy hoạch một trung tâm logistics hạng 2 tại quận Cái Răng và được Bộ thống nhất xây dựng trung tâm này với diện tích 74ha.

Nhận thấy có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực logistics tại Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển cho cả vùng ĐBSCL, khá nhiều doanh nghiệp đã tìm đến TP Cần Thơ tìm hiểu đầu tư phát triển các khu logistics. Do vậy, UBND TP Cần Thơ đã có công văn kiến nghị Bộ Công thương xin điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 tại Cần Thơ lên 242,2ha. UBND thành phố cũng đã và đang chỉ đạo các sở ngành phối hợp, lập dự án kêu gọi đầu tư; tìm, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển trung tâm logistics trên địa bàn thành phố theo nhiều hình thức, như: vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách thành phố, vốn ODA, kêu gọi đầu tư và xã hội hóa theo các hình thức đối tác công tư. Tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố. Xây dựng và phát triển mở rộng khu bến Cái Cui thuộc hệ thống Cảng biển Cần Thơ. Đồng thời, phối hợp các tỉnh ĐBSCL để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng qua địa bàn thành phố và các tỉnh.

Năm 2016, việc nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến quốc lộ quan trọng đi qua địa bàn thành phố đã hoàn thành như: quốc lộ 1A, 91 và 91B, bước đầu góp phần tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa liên vùng. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đến nay cũng đã được các bộ ngành Trung ương phối hợp với thành phố thực hiện hoàn thành và thông luồng kỹ thuật, vùng nước cảng biển đã được mở rộng từ Vàm Ô Môn – Vàm Cái Sắn, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa bằng đường hàng hải. Hiện Bộ Giao thông cũng đã thông luồng cho sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố, cho phép tàu biển có trọng tải lớn vào các cảng ở khu vực ĐBSCL.

Cần phát triển phù hợp

Nằm ở vùng trung-hạ lưu ở vị trí trung tâm của châu thổ sông Cửu Long, Cần Thơ là nút thắt quan trọng trong mạng lưới giao thông của vùng và cũng là trung tâm kết nối về mặt địa lý của cả khu vực ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế có hệ thống cảng biển lớn nhất tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là Cảng biển Cái Cui, TP Cần Thơ cần lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển đúng mức hệ thống logistics và có giải pháp kết nối một cách hiệu quả nhất với mạng lưới logistics của ĐBSCL.

Tại diễn đàn kinh tế thường niên 2017 với chủ đề "Giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030" do UBND TP Cần Thơ tổ chức vào ngày 12-4-2017, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Cần Thơ cần quan tâm phát triển logistics, chú ý mời nhà đầu tư có năng lực như từ Singapore để tạo đột phá trong phát triển lĩnh vực này". Theo ông Vũ Khánh Dương, Giám đốc Văn phòng Tây Nam Bộ kiêm Giám đốc Tân cảng Cái Cui thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container qua các cảng tại ĐBSCL rất lớn. Trong đó, Cần Thơ có lợi thế nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, thuận lợi cho việc tập kết hàng để vận chuyển đi các nơi thông qua hệ thống các cảng biển. Do vậy, Cần Thơ cần đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển các cảng biển, tạo sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực này cũng như tự liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững.

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong bối cảnh hội nhập, việc phát triển mạng lưới logistics tại ĐBSCL là rất quan trọng nhằm tối ưu hóa mạng lưới cung ứng hàng hóa. Trong đó, Cần Thơ giữ vai trò trung tâm logistics hạng 2 thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Thanh Hân, Tổng Giám đốc Gennuine Partner Group, để phát triển logistics tại thành phố, chính sách thu hút đầu tư là rất quan trọng. Đồng thời, phát triển logistics không chỉ có cảng biển mà cần có sự phối hợp giữa hải quan, kho bãi, các dịch vụ khác có liên quan như cần có trung tâm kiểm định chất lượng hàng hóa… tất cả đều được phát triển và kết nối đồng bộ. Đặc biệt, cần sự kết nối đồng bộ giữa TP Cần Thơ và các tỉnh khác trong vùng trên các phương diện: nhu cầu xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, quy hoạch hệ thống vận tải, kho bãi… nhằm tạo sự cân bằng trong hoạt động xuất hàng và nhập hàng, giảm chi phí vận tải biển.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều hãng tàu biển quốc tế còn ngại đến các cảng biển ở ĐBSCL vì sợ chi phí vận tải tăng do lúc đến có đầy hàng để chở nhưng lúc về không có đủ hàng để chở hoặc ngược lại. Hiện nay, luồng tuyến cho tàu biển trọng tải lớn vào các cảng biển trên sông Hậu đã được khai thông qua kênh Quan Chánh Bố. Tuy nhiên, do tàu lớn chỉ đi được một chiều, để tránh luồng tuyến này bị kẹt khi có nhiều phương tiện qua lại, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cấp thẩm quyền cần có giải pháp phân luồng giao thông phù hợp và cũng cần xem xét đến giải pháp nạo vét luồng Định An thường xuyên để khơi thông thêm luồng tuyến cho tàu biển vào sông Hậu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết