02/03/2018 - 21:00

Tăng lợi thế cạnh tranh, tạo sự khác biệt để vững tin hội nhập 

TP Cần Thơ xác định ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quyết sách không chỉ đưa nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới, mà còn là điểm nhấn, tạo sự khác biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều rào cản

Theo bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tháng 8-2016, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp đó, đến đầu năm 2017, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch Phát triển Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Sau 1 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP Cần Thơ vẫn gặp phải nhiều khó khăn từ các rào cản về thể chế. Chúng ta có nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận. Nguyên nhân là do vướng thủ tục hành chính; tiêu chí hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa sát với thực tế; khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; mức hỗ trợ chưa phù hợp...”- bà Trần Hoài Phương nói.

Lãnh đạo thành phố tham quan các công đoạn chế biến cá thát lát xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N.Lãnh đạo thành phố tham quan các công đoạn chế biến cá thát lát xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và thâm dụng lao động, vốn, song hiệu quả đầu tư lại thấp. Các yếu tố về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự được chú ý và phát huy tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. “Hiện nay vấn đề đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao còn chậm; tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp. Qua khảo sát cho thấy, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt khoảng 18% (vào năm 2015), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được đánh giá đúng mức và chưa trở thành quốc sách trong phát triển kinh tế” - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khoa học, công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng, trở thành công cụ chiến lược giúp các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ tại doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ; mức độ sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất còn thấp. Theo các chuyên gia, việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay để doanh nghiệp Việt Nam tạo nên sự khác biệt từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn loay hoay với chuyện đổi mới thế nào, sáng tạo ra sao và còn nhiều hạn chế từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và nghiên cứu sáng tạo.

 Kiên định mục tiêu

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phải xây dựng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, các yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Những nhân tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ bù đắp cho nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt cũng như các hỗ trợ bên ngoài lẫn bên trong cho tăng trưởng kinh tế đang ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp”- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong nhấn mạnh.

Cuối năm 2017, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Kế hoạch nhằm phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch hơn 14,88 tỉ đồng, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hình thành và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Chẳng hạn như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Dự án “Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”…

Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại đảm bảo hỗ trợ DN từ khâu tham gia ươm tạo ý tưởng, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hóa sản phẩm.Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại đảm bảo hỗ trợ DN từ khâu tham gia ươm tạo ý tưởng, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hóa sản phẩm.

Về phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang diễn ra tại TP Cần Thơ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được thành phố phát động rầm rộ. Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn “tạo lửa” và làm sao để “giữ lửa” khởi nghiệp là vấn đề cần phải tính đến. Đó là việc tận dụng các điều kiện, thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề ra chính sách, mô hình tăng trưởng dài hạn để tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài”. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn và không ngừng “sáng tạo” để “đổi mới”. Vấn đề ở chỗ ngành chức năng cần “mềm dẻo”, linh hoạt trong thực hiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng sâu rộng đến từng nhóm đối tượng cụ thể để nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo là như thế nào, cách mạng 4.0 là gì…

Ông Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ lưu ý vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn TP Cần Thơ làm điểm dừng chân. Đào tạo nguồn nhân lực cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường để người học có điều kiện thực hành về chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là yếu tố then chốt để quá trình ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo diễn ra thành công. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển, rất cần sự tham gia mạnh mẽ, thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp. Đây là lực lượng chính yếu trong công tác đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Với vai trò trung tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải dành nhiều hơn sự quan tâm đến đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây thực sự là yếu tố sống còn đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển đi lên của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết