17/06/2018 - 16:52

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Tăng hậu kiểm, nâng trách nhiệm 

Thời gian qua, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp ở TP Cần Thơ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu. Công tác này nhằm đảm bảo cho mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nghĩa vụ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhiều điểm mới

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP "Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm" (gọi tắt là Nghị định số 15) nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nghị định số 15 chính thức có hiệu lực từ ngày ban hành (2-2-2018) và thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (ngày 25-4-2012) của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo Nghị định số 15, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm được chia làm 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất là tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm tự công bố thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn; Thứ 2 là tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Đối với sản phẩm, nguyên liệu sản phẩm nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ không tiêu thụ nội địa miễn thủ tục tự công bố.

Quy trình sản xuất chả cá thát lát của Cơ sở Lý Vân, quận Bình Thủy. 

Một điểm mới nổi bật của Nghị định số 15 về nguyên tắc quản lý Nhà nước của 3 ngành nông nghiệp, y tế, công thương. Cụ thể là đối với cơ sở kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thì do ngành công thương quản lý, trừ chợ đầu mối và đấu giá nông sản; đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thì cơ sở có quyền lựa chọn cơ quan quản lý. Ông Lư Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Căn cứ theo Nghị định 15, cơ sở được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố. Căn cứ vào công bố của cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi và nâng cao mức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Việc ban hành và triển khai Nghị định số 15 của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm trong cải cách hành chính, đồng thời mạnh dạn trao quyền và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Sự thay đổi về phương thức quản lý an toàn thực phẩm này không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể là từ phương thức tiền kiểm chuyển hẳn sang hậu kiểm trong quản lý về an toàn thực phẩm.

Nâng cao trách nhiệm

Khi Nghị định số 15 chính thức có hiệu lực, các Thông tư liên quan sẽ được rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp. Cụ thể là Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNN (ngày 3-12-2014) Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNN (ngày 27-12-2014) Quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó phòng Quản lý Chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thành phố, nguyên tắc cơ bản của Nghị định số 15 là trên cơ sở thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; đảm bảo việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đảm bảo nguyên tắc một cửa một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, các Thông tư được sửa đổi sẽ đảm bảo nguyên tắc giảm bớt các thủ tục hành chính cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Với Nghị định số 15, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ được nâng cao hơn. Theo ông Lý Văn Bon, đại diện Cơ sở sản xuất Chả cá Lý Vân, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải trực tiếp chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về sản phẩm do mình cung ứng ra thị trường chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng các trách nhiệm về mặt thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm thực phẩm nên nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chủ động đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nếu không sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, khẳng định: Trong năm 2018, ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật  về đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời các đơn vị chuyên môn sẽ sớm triển khai công tác hậu kiểm đối với loại hình các cơ sở sản xuất kinh doan thuộc phạm vi quản  lý của ngành nông nghiệp. Trên cơ sở tinh gọn thủ tục hành chính và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất theo quy định tại Nghị định số 15, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần hết sức quan tâm và chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm của Chính phủ. Từ đó góp phần nâng cao trình độ sản xuất, uy tín, thương hiệu và chất lượng của các sản phẩm thực phẩm của địa phương.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết