05/11/2009 - 20:19

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH NHÀ Ở CHO CƯ DÂN ĐÔ THỊ

Nhu cầu bức bách... !

Các khu dân cư ở Khu đô thị Nam Cần Thơ đang góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố. Ảnh: ANH KHOA

Tại TP Cần Thơ, vừa diễn ra Hội thảo “Chính sách nhà ở đô thị trong nền kinh tế thị trường - thực trạng của Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”, do Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan nhà nước có trách nhiệm hoạch định chính sách, các nhà khoa học của Việt Nam, chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức và lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số ý kiến của các đại biểu tại cuộc hội thảo này.

* TIẾN SĨ LÊ ĐÌNH TRI, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KIẾN TRÚC QUY HOẠCH, BỘ XÂY DỰNG:
“Cần công khai minh bạch và giám sát chặt chẽ về chất lượng và tiến độ xây dựng”

Theo chính sách và định hướng phát triển nhà ở của Chính phủ Việt Nam, về phát triển nhà ở đô thị, phát triển nhà ở theo dự án phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm góp phần nâng cao chất lượng chỗ ở và phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, đa dạng hóa các loại nhà ở đô thị có diện tích, mức độ tiện nghi khác nhau để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư; khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở, tiết kiệm đất đai, tạo nếp sống văn minh đô thị. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị theo đúng quy định về quy hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cảnh quan, môi trường và các quy định khác của pháp luật. Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư xây dựng quỹ nhà ở để bán trả dần, cho thuê-mua và cho thuê đối với các đối tượng thuộc diện chính sách có khó khăn chỗ ở. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở đô thị theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 15m2 sàn vào năm 2010 và 20m2 sàn vào năm 2020, chất lượng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia...

Về phát triển nhà ở nông thôn, cải thiện và nâng cao chất lượng chỗ ở của các hộ dân cư nông thôn; triển khai công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn để làm cơ sở cho việc thực hiện xây dựng nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, khuyến khích phát triển nhà ở 1 tầng và phát triển nhà ở theo dự án đối với những khu vực đã có quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, tùy theo khả năng của từng hộ gia đình kết hợp với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng và các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu cải thiện chỗ ở tại khu vực nông thôn; thực hiện chính sách tạo điều kiện cải thiện chỗ ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình nghèo tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên bị thiên tai thông qua việc hỗ trợ kinh phí làm nhà, cho vay ưu đãi, trợ giúp về kỹ thuật, vật liệu xây dựng. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc thay thế nhà ở tạm (tranh, tre, nứa, lá) tại khu vực nông thôn bằng nhà kiên cố, bán kiên cố...

Cả nước vào năm 2007 có 1.500 dự án phát triển nhà ở đang được triển khai, tổng diện tích nhà ở đạt tới 890 triệu m2 sàn, bình quân khoảng 10,8 m2 sàn/người. Đến nay, cả nước đạt xấp xỉ 1,04 tỉ m2 sàn nhà ở, đạt bình quân 12,2 m2 sàn/người, dự kiến đến năm 2010 là 14,5 m2 sàn/người. Trong gói kích cầu của Chính phủ, vừa qua đã có tới 550 dự án đăng ký xây nhà ở xã hội bao gồm: ký túc xá cho 800.000 sinh viên đại học và cao đẳng, nhà cho 1 triệu công nhân khu công nghiệp thuê ở, nhà cho 700.000 dân cư đô thị có mức thu nhập thấp cần nhà ở. Đây là những số liệu khá ấn tượng. Tuy nhiên, để đạt kết quả này, cần những giải pháp thực hiện chuẩn xác, công khai minh bạch và giám sát chặt chẽ về chất lượng và tiến độ.

* TIẾN SĨ NGUYỄN NINH THỰC, PHÓ TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM:
“Cần có chính sách để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng được hưởng, không dùng vào mục đích kinh doanh”

Hiện nay, ở các đô thị lớn một số khu nhà ở xã hội đã hình thành. Chẳng hạn như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng khá nhiều khu nhà ở cao tầng, khu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cơ chế chính sách nhà ở xã hội chưa có, chưa biết đến bao giờ Bộ Xây dựng mới có thể ban hành cơ chế chính sách này. Cho đến bây giờ, ai là đối tượng được hưởng nhà ở xã hội? Tiêu chuẩn nhà ở xã hội cụ thể ra làm sao? Quản lý như thế nào...? các địa phương vẫn còn lúng túng. Thị trường bất động sản ở Việt Nam đang trong giai đoạn hoạt động bất ổn định, khá phức tạp. Người có nhu cầu muốn có được nhà xã hội phải qua trung gian, thậm chí phải mua lại giá cao. Nhà nước phải có chính sách để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng được hưởng, không dùng vào mục đích kinh doanh...

* TIẾN SĨ PHẠM SĨ LIÊM, PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG HỘI XÂY DỰNG VIỆT NAM, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔ THỊ VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG:
“Hoàn thiện tính pháp lý để chuyên nghiệp hóa thị trường nhà ở”

Tuy đã có khuôn khổ pháp lý cơ bản, nhưng chính sách nhà ở nước ta vẫn mới ở dạng sơ khai và còn phải được các nhà làm chính sách bỏ ra nhiều công sức để hoàn chỉnh và hoàn thiện thì mới có tính khả thi cao. Hoàn chỉnh chính sách là nhằm làm cho chính sách có cơ cấu hợp lý và toàn diện, xác định được thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn. Còn hoàn thiện chính sách là kịp thời loại bỏ các phần đã lỗi thời, các yếu kém, bổ sung những nội dung mới mẻ mang tính sáng tạo nhằm giúp ngành nhà ở vượt qua các thách thức mới xuất hiện.

Nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của chính sách nhà ở nước ta là đưa thị trường nhà ở đang ở trình độ sơ khai nhanh chóng trở thành thị trường thành thục và triển khai ngay các chế độ xã hội về nhà ở. Muốn vậy, cần phải ưu tiên các chủ đề sau: phát triển thị trường đất đô thị minh bạch và hiệu quả; phát triển nhà cho thuê, nhà ở xã hội và nhà giá rẻ; phát triển thị trường tài chính nhà ở và thị trường quản lý nhà ở; phát triển đội ngũ chuyên nghiệp môi giới và định giá bất động sản nhà ở; phát triển doanh nghiệp kinh doanh nhà ở; đẩy mạnh hoạt động đào tạo và nghiên cứu...

* ÔNG LÊ HỒNG PHÁT, GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG TP CẦN THƠ:
“Tăng cường xã hội hóa xây dựng nhà ở tái định cư để tăng tốc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị”

Thời gian qua, nhiều công trình, dự án quan trọng của Trung ương và địa phương đã được đầu tư trên địa bàn thành phố. Do đó, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình; đồng thời chăm lo, ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện khoảng 170 dự án (ngoài các dự án tái định cư) đầu tư xây dựng công trình cần tái định cư, với diện tích hơn 1.400 ha, ảnh hưởng trên 29.000 hộ dân, với nhu cầu tái định cư khoảng 14.700 nền nhà. Một trong những nguyên nhân tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án chậm là do thiếu quỹ nhà, đất tái định cư. Vì vậy, TP Cần Thơ đã chủ trương quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư tập trung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển. Thành phố đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 49 khu tái định cư tập trung với tổng diện tích 1.167 ha, tổng số nền tái định cư quy hoạch dự kiến 29.250 (trong đó bố trí tái định cư tại chỗ là 5.986 nền). Theo tính toán của Sở Xây dựng TP Cần Thơ và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, đến cuối năm 2009 sẽ có thêm trên 1.000 nền nhà (từ các dự án tái định cư tập trung và quỹ đất các dự án khu dân cư) đưa vào bố trí tái định cư và đến năm 2010 dự kiến sẽ đưa vào phục vụ tái định cư cho các dự án khoảng 3.000 nền nhà...

ANH KHOA (lược ghi)

Các khu dân cư ở Khu đô thị Nam Cần Thơ đang góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố. Ảnh: ANH

Chia sẻ bài viết