23/01/2013 - 16:17

Nâng chất xây dựng nông thôn mới ở TP Cần Thơ

Kết quả mang lại từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM làm bộ mặt nông thôn TP Cần Thơ khởi sắc. Trong ảnh: Đầu tư xây dựng cầu tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

Thời gian qua, Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của TP Cần Thơ đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh công cuộc XDNTM, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các địa phương cần tận dụng lợi thế, điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện huy động sức dân trong XDNTM… Đây là giải pháp căn cơ nhằm nâng chất tiến trình XDNTM của thành phố.

* Kết quả bước đầu

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND TP Cần Thơ về công tác quy hoạch xã nông thôn mới, đến nay 36/36 xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch XDNTM cấp xã. Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, 100% số xã hoàn tất công tác xây dựng đề án XDNTM. Nhìn chung, đề án XDNTM cấp xã phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, đặt ra cơ chế chính sách và hỗ trợ thực hiện. Hiện các xã đang trong giai đoạn công bố đề án quy hoạch ra dân với nhiều hình thức như: thông qua quyết định được phê duyệt; treo pano, bản đồ tại trung tâm xã, nhà thông tin ấp...

Về việc hoàn thành 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM, đến nay, TP Cần Thơ có 4 xã đạt từ 14-18 tiêu chí (tăng 2 xã so với năm 2011), 11 xã đạt từ 9-13 tiêu chí (tăng 5 xã), 18 xã đạt từ 5-8 tiêu chí (tăng 4 xã) và 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 11 xã). Việc hoàn thành các tiêu chí XDNTM đồng nghĩa với việc bộ mặt nông thôn khởi sắc, hạ tầng nông thôn được cải thiện từng ngày. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện XDNTM được thành phố thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoàn thành các tiêu chí. Để tận dụng tối đa nguồn vốn trong XDNTM, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến nông-khuyến ngư, thủy lợi, giao thông nông thôn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Song song đó, trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, Ban Chỉ đạo XDNTM thành phố đã kịp thời phản ánh các tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về Trung ương..."

Quá trình XDNTM, TP Cần Thơ xác định việc hoàn thành tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13) gắn với nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân sẽ là bước đột phá thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác. Cụ thể, ngành nông nghiệp gắn XDNTM với phát triển mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" nhằm tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đến nay, ngành nông nghiệp thành phố đã nhân rộng được 33 mô hình, với diện tích trên 8.890 ha, thu hút 3.737 nông hộ tham gia… Song song với định hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND thành phố trong việc đề ra các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực cho XDNTM thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Trong năm 2012, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, TP Cần Thơ đã vận động doanh nghiệp đóng góp trên 3,14 tỉ đồng và nhân dân hơn 25,36 tỉ đồng. Nguồn vốn này phục vụ công tác làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhà thông tin ấp…

* Mục tiêu 1 tiêu chí/xã

Thực tế cho thấy, XDNTM là chương trình tổng thể phát triển nông thôn toàn vẹn nhất từ trước đến nay và là một trong những giải pháp cơ bản góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí phân bổ hạn hẹp, trong khi việc huy động các nguồn lực khác còn nhiều hạn chế nên đã làm chậm tiến độ XDNTM tại các xã. Đó là chưa kể, các tiêu chí như giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa nhà tạm... phải được thực hiện từng bước và lâu dài. Theo phản ánh từ phía các địa phương, một số tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về XDNTM (nhà văn hóa, chợ nông thôn...) chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của TP Cần Thơ. Song, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức của Trung ương về việc chỉnh sửa các số tiêu chí này nên công tác chỉ đạo thực hiện gặp nhiều lúng túng, khó khăn...

Theo Ban Chỉ đạo XDNTM TP Cần Thơ, bắt tay vào XDNTM, hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp. Do đó, cần chọn các tiêu chí bức xúc, người dân quan tâm ưu tiên làm trước, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, hình thức sản xuất… Để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp chỉ đạo mỗi địa phương cần phát huy lợi thế, điều kiện sẵn có tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung xây dựng những vùng sản xuất lúa theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn"... Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Năm 2012, trên địa bàn huyện đã có 6 xã xây dựng được mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". Năm 2013 và những năm tiếp theo huyện phấn đấu các xã đều có mô hình này. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc phát triển sản xuất như: đê bao, trạm bơm điện, giao thông... Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng nông sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch…".

Theo lộ trình XDNTM đã được vạch ra, năm 2013, các xã phấn đấu hoàn thành thêm 1 tiêu chí. Riêng 2 xã điểm XDNTM của thành phố: Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (đạt 19/20 tiêu chí) và Trung An, huyện Cờ Đỏ (đạt 17/20 tiêu chí) mục tiêu trong năm 2013 hoàn thành 20 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới. Vì vậy, ngoài việc phấn đấu hoàn thành tiêu chí chưa đạt, 2 xã này phải tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt. Đây là 2 mô hình kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các xã XDNTM trên địa bàn thành phố. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: XDNTM không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí mà phải làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" đã thể hiện được tính ưu việt và chứng minh đây là nền tảng để đẩy mạnh XDNTM. Vì vậy, các xã phải tiếp tục nhân rộng mô hình này. Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng đặc biệt lưu ý, XDNTM phải loại bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Thay vào đó, các địa phương cần "tự lực cánh sinh" trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để cùng XDNTM. Để giải quyết "nút thắt" về vốn, thành phố sẽ chú trọng các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực cho XDNTM thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết