25/06/2018 - 21:21

Liên kết ngành hàng liên tỉnh 

Giá dừa đột ngột rơi từ trên đỉnh 175.000 đồng một chục (12 trái) còn 70.000 đồng và nay chỉ còn 40.000 đồng, tức giảm khoảng 43% so với giá hai tháng trước. Giám đốc một hợp tác xã (HTX) ở Bến Tre nói nguyên nhân chính là do thương lái Trung Quốc không “ăn hàng“...

Điệp khúc !

Bến Tre có khoảng 72.000ha dừa và Trà Vinh có diện tích ổn định 22.000ha dừa, mỗi tỉnh có khoảng 15-20 doanh nghiệp chế biến. Cả hai đều rơi vào tình cảnh rớt giá hoặc leo thang.

Giá dừa thường ở mức 60.000 -70.000 đồng/1 chục, có mùa lên 200.000 đồng/chục đẩy người trong cuộc tới chỗ cảm xúc trái ngược nhau. Chưa biết vui hay rầu khi thương lái ào ạt gom hàng cho thương lái Trung Quốc thì giá cả khiến các cơ sở sản xuất tại chỗ phải dừng lại vì giá cao, cố làm chỉ rước lỗ chứ khó thủ huề.

Giá cả thường xé đôi mối quan hệ giữa người trồng và người chế biến tại địa phương, lợi ích lâu dài dù lớn lao: Vì công ăn việc làm ổn định, vì hàng hóa có giá trị cao… nhưng thu nhập túc tắc không hấp dẫn bằng mua một lần, rút hàng về thị trường lớn như rồng hút nước. Bến Tre đã từng trả giá đắt khi thương lái mua gom dừa trái, đẩy giá lên cao, loại doanh nghiệp Việt ra ngoài cuộc chơi. Khi tách đối thủ ra khỏi vùng nguyên liệu, thương lái Trung Quốc ngưng mua, giá rớt tới đáy.

Lâu nay, chuỗi giá  trị dừa Bến Tre có 4 dòng sản phẩm được chế biến từ trái dừa. Trái dừa nguyên liệu được bóc tách thành các thành phần khác nhau là vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa và nước dừa. Hiện nay, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, thạch dừa sơ chế, mụn dừa, xơ dừa, chỉ và lưới xơ dừa, than gáo dừa và than hoạt tính... Từ khi đầu tư công nghệ mới, Dừa Lương Quới, Betrimex được biết tới với nhiều sản phẩm có  giá trị cao nhờ đáp ứng nhu cầu làm đẹp, nước giải khát cao cấp.

Cuộc bứt phá, vượt lên của các công ty ứng dụng công nghệ cao như Betrimex, Lương Quới…cho thấy việc đầu tư, hiện thực hóa ý tưởng tạo ra giá trị tăng thêm đã giúp cho việc mở rộng kênh phân phối toàn cầu thuận lợi hơn nhiều. Mới đây, dừa xiêm xanh được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tiếp tục giúp cho việc tìm kiếm thị trường tốt hơn khi thế giới xem nước dừa là nước khoáng thực vật. Vấn đề là có chứng nhận rồi, Bến Tre sẽ làm gì nữa?

Cố gắng minh chứng

Có đến hàng trăm nghiên cứu về dừa, thậm chí có hẳn Trung tâm nghiên cứu cây dừa quốc gia được thành lập với sự tài trợ của UNDP (thành viên của hệ thống tài nguyên di truyền cây dừa thế giới - COGENT) nên Thạc sĩ Lâm Mộng Thúy, giảng viên, làm việc tại Trung tâm công nghệ sau thu hoạch, Đại học Trà Vinh, đang cố gắng chứng minh: Muốn thắng phải dựa vào công nghệ và lâu nay thua do bán hàng thô. Càng bán hàng thô thì thương lái Trung Quốc như âm binh còn cơ quan quản lý và người bán như thầy pháp non tay ấn.

Sản phẩm của Công ty Trà Bắc.

Trà Vinh có Công ty Trà Bắc với nhiều sản phẩm xuất khẩu như than hoạt tính, than khử mùi, thảm… Riêng cô Lâm Mộng Thúy tìm cách làm dầu dừa lên men, trích ly không qua nhiệt và muốn sinh viên có thêm bài học khi cô làm ra sản phẩm tham gia thị trường.

Bản thân cô phải rời bỏ suy nghĩ nương dựa vào kinh phí mong manh nào đó để bước sang vạch xuất phát tự thân khởi nghiệp. Anh Giang Kiến Quốc, tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành chế tạo máy, hiểu khó khăn của vợ, đã cùng nhóm bạn làm máy ép nước cốt dừa, nguồn trợ lực duy nhất để cô khởi nghiệp.

“Chỉ có đặt mình vào cái thế khởi nghiệp thì mới lấy tinh thần làm động cơ đi tiếp”, cô Thúy nói. Thực ra trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ, vốn chẳng bao nhiêu nhưng sẽ chết chìm trong thủ tục, đôi khi “hệ thống làm lạnh” từ cơ chế xin – cho sẽ làm nhiệt huyết bị đóng băng. 

Nhưng cũng từ đó cho thấy mặt hàng dầu dừa đã có những yếu tố dễ dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau dù dầu dừa ép lạnh, lên men có giá trị khác biệt, có ưu thế vượt trội so dầu dừa qua nhiệt, giữ được dưỡng chất vốn có và giá bán cao hơn.

Trà Vinh và  Bến Tre có những mặt hàng “trùng lắp". Trà vinh có thế mạnh của dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, thảm, than hoạt tính, than xử lý nước, khử mùi hoặc các sản phẩm phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường, từng là nhà cung cấp than lọc cho nhiều thành phố tại Nhật Bản. Hiện nay, ngành dừa ở cả hai tỉnh vận hành theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Cô Thúy đối chiếu cách chọn lựa công nghệ chế biến dầu hiện đại ở Bến Tre và hiểu rằng tuy quy mô nhỏ bé nhưng cô đang đi đúng hướng. Cô nói rằng cố gắng hiện thời là nhằm bổ sung danh mục sản phẩm mới cho Trà Vinh theo hướng khác biệt.  

Tại Trà Vinh, dự án  do Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada tài trợ từ năm 2014-2020, với tổng nguồn vốn đầu tư 12,1 triệu CAD (tương đương khoảng 215 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn do Canada tài trợ không hoàn lại 11 triệu CAD, số tiền còn lại do tỉnh Trà Vinh đối ứng. Khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 194.000 người dân tại 22 xã vùng nông thôn được hưởng lợi từ dự án trong sản xuất, kinh doanh, việc làm, kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ như cầu, đường giao thông, chợ... Dự án đang chú ý tới cách làm của cô Thúy.

Hợp tác ngành hàng liên tỉnh

“Nếu xếp chuỗi sản phẩm từ dừa của Bến Tre và Trà Vinh sẽ thấy hàng loạt sản phẩm giá trị tăng thêm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Phú Son, chuyên gia tư vấn chuỗi giá trị Dự án thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL (AMD) do IFAD tài trợ nhận xét.

Cô Lâm Mộng Thúy và sản phẩm dầu dừa lên men, không qua nhiệt.

Nhưng có vẻ xa vời khi các doanh nghiệp ở hai tỉnh chưa xem nhau như anh em để hợp lực chinh phục thị trường. Dầu dừa, sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, từ dừa tươi hay dừa khô…. hai tỉnh cùng mua bán, cạnh tranh, chỉ khác nhau ở cấp độ, quy mô đầu tư.

“Khó có địa phương nào sánh kịp khi gắn kết chuỗi sản phẩm sau thu hoạch của ngành dừa ở hai tỉnh này”, TS Son nói.

Ngành dừa bị vết cắt địa lý- hành chính! Bến Tre đang có ưu thế khai thác dừa tươi lấy nước khoáng thực vật sau khi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh và nhiều doanh nghiệp lớn mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến theo quy trình công nghệ của Thụy Sỹ (Tetra Pak) làm ra nước dừa, sữa dừa phục vụ sức khỏe và làm đẹp…

Lâu nay Trà Vinh tự hào khi nói về dừa sáp nhưng đó là thách thức khi nhiều dự án nghiên cứu di truyền, chọn giống để biến dừa sáp là cây lấy dầu thay vì chỉ là món ăn chơi cho biết, vẫn chưa thành công mỹ mãn.

Năm 2016/2017, theo các chuyên gia thống kê, khoảng 1,54 triệu tấn dầu dừa được nhập khẩu trên toàn cầu trong khi tiềm lực xuất khẩu tới 1,86 triệu tấn.

PGS-TS Nguyễn Phú Son nói : “Thông qua dự án thích ứng biến đổi khí hậu (AMD) được triển khai ở hai tỉnh này, chúng tôi hy vọng hai bên cùng ngồi lại với nhau, cùng đánh giá nguồn lực ngành hàng để tính toán xem nên đẩy mạnh nhóm nào lên, nhóm nào cần điều chỉnh để ngày càng có nhiều sản phẩm mới không đụng hàng”.

Liên kết ngành hàng dừa liên tỉnh thông qua Dự án hỗ trợ quốc tế có thể xem như “phá cách” để thay đổi hiện trạng “liên kết vùng”  từng tồn tại trong ý niệm nhưng không tìm được mối nối để thực thi ở vùng này. Theo TS Son, phải cố gắng thúc đẩy để gia tăng sức cạnh tranh khi các doanh nghiệp đầu tư khá lớn cho công nghệ và quản trị để phát triển ngành hàng. Cách làm này sẽ vá những lỗ hổng do mạnh ai nấy làm, tạo hiệu ứng PR cho chuỗi ngành hàng với những giá trị khác biệt.

 Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết