30/12/2012 - 21:01

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ:

Không chủ quan, lơ là trước sự phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại trên lúa đông xuân

 

Vụ đông xuân 2012-2013, toàn thành phố gieo sạ được 87.898 ha lúa, vượt 0,2% kế hoạch và nhanh hơn 2.971ha so với vụ đông xuân trước. Hiện các trà lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, diện tích dịch hại có xu hướng gia tăng so với vụ đông xuân năm ngoái. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết:

- Hiện tổng diện tích nhiễm các loại dịch hại trên lúa đông xuân 2012-2013 của thành phố khoảng 2.998ha, tăng 1.755ha so với vụ đông xuân trước. Trong đó, diện tích thiệt hại do rầy nâu lớn nhất, với trên 2.330ha, tăng 1.277 ha so với cùng kỳ năm trước, phân bố tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Mật số rầy nâu đang dao động 500-2.000 con/m2, vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, nông dân được khuyến cáo và hướng dẫn các giải pháp quản lý dịch hại phù hợp do ngành nông nghiệp đề ra nên diện tích nhiễm dịch bệnh đã có chiều hướng giảm. Bệnh đạo ôn lá xuất hiện sớm trên diện tích lúa canh tác giống Jasmine 85, OM 4218. Hiện có 511ha ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt nhiễm bệnh, tăng hơn 340ha so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác như: bù lạch, sâu cuốn lá, chuột… xuất hiện lẻ tẻ, tỷ lệ gây hại không đáng kể…

* Vụ đông xuân được nhận định là thuận lợi cho sự phát triển của sâu bệnh. Vậy các đối tượng dịch hại có khả năng xuất hiện và gây hại trong những ngày tới là gì, thưa bà?

- Căn cứ vào thành phần thiên địch xuất hiện ngoài đồng (bọ xít mù xanh, bọ rùa, kiến ba khoang, các loại ong ký sinh…), dự báo trong những ngày tới, rầy nâu và bệnh đạo ôn lá vẫn các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu. Ấu trùng rầy nâu tiếp tục phát triển và gây hại trên lúa đông xuân giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đòng, phân bố tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, Ô Môn. Ngoài ra, tiết sáng sớm se lạnh, sương mù nhẹ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển và gây hại trên các trà lúa sạ dầy, bón thừa phân đạm, canh tác giống lúa Jasmine 85, OM 4218, IR 50404... tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, Ô Môn. Các địa phương cần lưu ý đến bệnh cháy bìa lá xuất hiện trên những chân ruộng cặp bờ vườn, các cánh đồng bón nhiều phân đạm hoặc canh tác giống lúa Jasmine 85…

* Để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 "ăn chắc", ngành nông nghiệp thành phố đã có những giải pháp chỉ đạo như thế nào?

Nông dân huyện Thới Lai chăm sóc lúa đông xuân 2012-2013. 

- Vụ đông xuân là vụ lúa chính, quyết định sự "thành bại" đối với sản xuất lúa cả năm. Do đó, để giữ vững năng suất, sản lượng, đồng thời hạn chế sự lây lan của các đối tượng dịch hại, ngành nông nghiệp thành phố xác định: không chủ quan, lơ là, nắm chắc diễn biến sự phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch để tổ chức phòng trừ kịp thời. Sở NN&PTNT giao Phòng NN&PTNT quận, huyện phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng địa bàn cụ thể. Cán bộ kỹ thuật, khuyến nông bám sát địa bàn, lập kế hoạch thăm đồng thường xuyên, nắm chắc tình hình, khoanh vùng những nơi có diện tích nhiễm nặng, từ đó đưa ra các giải pháp phòng trị hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, tăng cường bón phân lân, kali để kích thích bộ rễ phát triển; kích thích lúa đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại...

Rầy nâu và bệnh đạo ôn được xác định là hai đối tượng gây hại chủ yếu trong những ngày tới. Đối với rầy nâu, các địa phương khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu rầy tràn lan khi chưa cần thiết vì rất dễ gây ra tình trạng bộc phát rầy nâu. Khi phát hiện mật số rầy nâu dưới 3 con/m2 khuyến cáo bà con sử dụng chế phẩm nấm xanh để phun trừ rầy nhằm bảo tồn nguồn thiên địch trên đồng ruộng. Đối với bệnh đạo ôn, nếu tỷ lệ lá bệnh trên 10%, tiến hành phun các loại thuốc đặc trị nhưng phải đảm bảo tuân theo nguyên tắc "4 đúng"… Để chủ động ngăn ngừa sự gây hại của nhóm sâu ăn lá, nông dân cần chăm sóc cho cây lúa khỏe, bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa đạm, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu sớm từ 0-50 ngày sau sạ để tránh gây bộc phát sâu rầy ở giai đoạn sau…

* Xin cảm ơn bà!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết