23/08/2009 - 08:02

Ngành khoa học công nghệ TP Cần Thơ sau 30 năm phát triển

Hướng đi nào để sản phẩm trí tuệ gắn với cuộc sống?

Thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh cây trồng vật nuôi... tiếp tục đặt ra cho ngành khá nhiều yêu cầu, thử thách mới. Đây cũng là những vấn đề được đề cập tại Hội thảo khoa học “30 năm phát triển ngành KH&CN TP Cần Thơ (1979-2009)”.

* Thành tựu 30 năm...

Trong 30 năm hình thành, phát triển, ngành KHCN đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học; thanh kiểm tra giúp bảo vệ người tiêu dùng, bình ổn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh công bằng; quản lý sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp trên địa bàn từng bước nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng góp thiết thực, rõ nét nhất. Từ năm 2006 đến tháng 6 năm 2009, TP Cần Thơ đã có 32 đề tài, dự án phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của địa phương được nghiệm thu. Nhiều công trình nghiên cứu, dự án tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, nông nghiệp...

 Nghiên cứu xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: LỆ THU

Các công trình nghiên cứu phục vụ nông nghiệp, thủy sản khá nổi bật với kết quả là nhiều giống cây, con, phương pháp nuôi trồng, canh tác... được ứng dụng trong thực tế sản xuất. Giống lúa NN4B (IR.42) là thành công khá điển hình của thành phố trong công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 1979-1982. Giống lúa này được nhân rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để chọn và tạo ra được 20 giống lúa được Bộ công nhận là giống quốc gia và khu vực hóa như: OM 2395, OM 4495, OM 4496, 4490, OM 2008... Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ được ứng dụng để sản xuất ra các giống cây trồng triển vọng như: đậu nành, cà chua, nếp than thơm... Sử dụng nấm Trichoderma để sản xuất phân sinh học, thuốc trị sâu bệnh cho cây trồng có tính thân thiện môi trường. Cùng với nghiên cứu giống cây, trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, các công trình nghiên cứu giúp cải thiện qui trình nuôi trồng, nâng cao năng suất, sản lượng.

Riêng đối với cơ giới hóa nông nghiệp, những đóng góp của các công trình nghiên cứu chưa thật sự mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu của nhà nông ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, một số công trình nghiên cứu nổi bật đã được ứng dụng trong thu hoạch sản xuất cho đến nay như: máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy cấy lúa...

* Hướng đến nhu cầu thực tế của vùng

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KHCN của TP Cần Thơ vẫn còn tồn tại nhiều mặt. Có thể dễ thấy nhất là hoạt động KHCN vẫn chưa thật sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội. Các hoạt động dịch vụ KHCN còn ít và kém đa dạng. Đối tượng nhận dịch vụ chủ yếu là những đơn vị nhà nước, lĩnh vực dịch vụ KHCN cho các doanh nghiệp còn yếu. Thị trường KHCN hiện chỉ thu hẹp trong phạm vi sử dụng nguồn vốn ngân sách. Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: “Việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ KHCN cần đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của địa phương và phù hợp với khả năng của đơn vị. Cần hình thành mối quan hệ thực hiện các đề tài NCKH với doanh nghiệp thông qua việc phối hợp thành lập “vườn ươm doanh nghiệp vùng ĐBSCL”. Các công ty cần liên kết với các viện trường triển khai những nhiệm vụ KHCN trên cơ sở đặt hàng hoặc ý tưởng đề xuất từ các nhà khoa học. Các đề tài nghiên cứu khoa học của địa phương cần bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, diễn biến chất lượng môi trường của TP Cần Thơ đang ngày càng xấu đi. Hàm lượng các chất độc hại trong nước tăng vượt mức cho phép như: Nitrit, Amoni... Chất lượng nước ngầm thường xuyên bị ô nhiễm bởi chất Coliform, vượt mức qui chuẩn từ vài trăm đến vài ngàn lần. Đặc biệt, thời gian gần đây, mực nước ngầm sụt giảm hàng năm và có dấu hiệu bị thông tầng do ô nhiễm hữu cơ. TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang đối mặt với các vấn đề: xâm nhập mặn, mực nước dâng cao, nhiệt độ tăng... do biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, nông dân cũng đang chịu nhiều rủi ro trong trong sản xuất do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thiên tai. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, nói: “TP Cần Thơ có những bước phát triển mạnh về sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế còn dựa vào nông thủy sản và xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng không cao, không có tính bền vững, dễ gây ô nhiễm môi trường. Để tiến tới phát triển bền vững, cần phải có đủ nguồn lực, tài chính, sự tiến bộ của KHCN để áp dụng vào công tác bảo vệ môi trường...”.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả lớn nhất cả nước với diện tích đất tự nhiên khoảng 4 triệu héc-ta. Việc chuyển giao công nghệ để góp phần thúc đẩy làm thay đổi lớn về sản xuất và phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL là yêu cầu cấp thiết. Hiện nay, ĐBSCL vẫn còn thiếu giống lúa năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng, chống chịu sâu bệnh, nhất là giống lúa chịu được điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra như khô hạn, ngập mặn. Bên cạnh đó, nông dân còn sản xuất với qui mô nhỏ lẻ, chịu nhiều rủi ro trong sản xuất do thiên tai, dịch bệnh gây ra... Trước những vấn đề này, nhiều nhà khoa học đề xuất các giải pháp: chọn tạo giống cây trồng thích ứng với yêu cầu của nhiều nước trên thế giới, kháng sâu bệnh, chịu điều kiện khắc nghiệt của môi trường do biến đổi khí hậu gây ra như: khô hạn, ngập mặn. Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, trong đó, liên kết 4 nhà là yếu tố quan trọng hàng đầu...

Trước những vấn đề nêu ra, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, định hướng: “TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL nên phải đi đầu, lo toan cho sự phát triển KHCN của cả vùng. Để làm được điều đó, trong công tác nghiên cứu, ngành cần phát huy thế mạnh sẵn có là vùng lương thực trọng điểm của cả nước với sự đa dạng, phong phú của giống cây trồng vật nuôi. Đồng thời, phải tính đến việc tạo ra giống cây trồng vật nuôi có thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ sẽ tăng cường đầu tư, tạo mọi điều kiện để ngành KHCN TP Cần Thơ phát triển tương xứng với vị thế của mình”.

BĂNG TÂM

Chia sẻ bài viết