22/03/2018 - 21:59

Gạo Việt trước cơ hội đẩy mạnh thị trường xuất khẩu 

Vụ lúa đông xuân 2017-2018 ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ. Nông dân nhiều địa phương gặp thuận lợi, trúng mùa, lúa bán được giá cao. Qua 2 tháng đầu năm 2018, thị trường xuất khẩu gạo chuyển biến tích cực. Gạo xuất khẩu ước đạt 861.000 tấn với giá trị đạt 419 triệu USD, tăng 17,2% về lượng và gần 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

 Thu hoạch lúa đông xuân ở TP Cần Thơ.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng giám đốc Vinafood2, Tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng: Hiện nay, nhu cầu của một số nước nhập khẩu cũng như tình hình cung ứng của các nước xuất khẩu, tình hình xuất khẩu gạo sắp tới khả quan. Năm 2017, theo số liệu của VFA, gạo Việt Nam xuất khẩu được 5,7 triệu tấn trên số lượng hợp đồng đã ký là 6,4 triệu tấn (tăng 24,1% về số lượng và tăng 24,9% về giá trị). Số lượng còn lại theo hợp đồng đã ký trong năm 2017 chuyển sang năm 2018. Giá xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao ổn định, do nhu cầu tăng mạnh, trong đó tỷ trọng xuất khẩu gạo thơm tăng nhanh; năm 2013 từ 4,8% đến năm 2017 tăng 9,2%. Gạo trắng xuất giảm dần, tỷ trọng 21,65%. Nhưng gạo nếp tăng đột biến từ 6,49% (năm 2013) lên 20,87% (năm 2017). Những năm gần đây gạo Nhật (Japonica) tăng từ 1,02% (năm 2015) lên 3,24% (năm 2017).

Qua 2 tháng đầu năm 2018, số lượng hợp đồng ký kết xuất khẩu tiếp tục tăng hơn cùng kỳ và giá cả cũng tăng hơn. Ông Nguyễn Ngọc Nam dự báo, xuất khẩu gạo trong năm 2018 có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng 700.000 tấn so năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn về nhập khẩu gạo Việt Nam. Những năm qua, một số nước không nhập gạo như Indonesia, Philippines từng thông báo tự cân đối được nguồn cung trong nước. Thế nhưng, vào đầu năm 2018, Indonesia lại nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong khi một vài nước sản xuất lúa gạo trước đây có nguồn tồn kho lớn như Thái Lan trên 20 triệu tấn, kéo dài đến năm 2017 đã tiêu thụ hết tồn kho. Hay như Ấn Độ sau, nhiều năm liên tục dẫn đầu xuất khẩu gạo thì nay lượng tồn kho dự trữ đã giảm. Do đó đây là cơ hội của những nước sản xuất và xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo về nhu cầu gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất lớn, trong khi những năm qua VN bán những loại gạo cấp trung bình. Còn một số gạo chất lượng cao và gạo thơm tuy có xuất nhưng thiếu sự ổn định. Về sản xuất giống lúa Japonica, hiện có nhu cầu thị trường và có thể sẽ thay thế dần sản lượng giảm đi từ Nhật hoặc có khi giống lúa này trồng ở Việt Nam không chỉ xuất qua thị trường Nhật. Do hiện có một số  thị trường khác cũng yêu cầu gạo Nhật. Hơn nữa, thời gian qua, Việt Nam có trồng giống lúa Nhật thí điểm ở một số địa phương cho thấy đảm bảo được yêu cầu và khả năng gạo Nhật có triển vọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trước nhu cầu thị trường từ các nước nhập khẩu đang sôi động, định hướng sản xuất lúa nhắm vào các trị trường trọng điểm. Năm 2017, Trung Quốc chính ngạch 2,4 triệu tấn, sang năm 2018 nhập khẩu gạo Việt Nam có khả năng tăng lên 2,7 triệu tấn gạo cấp cao, nếp và tấm. Châu Phi dự kiến sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn gạo cấp cao và gạo trung bình. Philippines nhập khoảng 800.000 tấn gạo cấp cao và gạo trung bình. Indonesia nhập khoảng 800.000 tấn gạo cấp cao, gạo trung bình và nếp. Các loại gạo đặc sản, gạo thơm cao cấp và gạo Nhật nông dân đang tăng diện tích sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đối với gạo phẩm chất trung bình đang có xu hướng giảm, nhưng riêng giống lúa IR50404 nhu cầu để ăn, làm bột vẫn còn lớn. Trong khi gạo nếp năm 2017 sản xuất 1,4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc 1,2 triệu tấn. Nếu chỉ dựa vào thị trường này sẽ tiềm ẩn rủi ro nên hướng cân đối sản xuất khoảng 700.000-800.000 tấn/năm.

Vừa qua tại hội nghị “Đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao vùng ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Nam nói: “Tôi nghĩ sẽ tạo chuyển biến mới trong sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, nhất là trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, làm thế nào tăng hiệu quả, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đây là cơ hội, nhưng thật sự phải có sự gắn kết bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp không thể nào ký hợp đồng đơn lẻ với hai ba hộ nông dân, phải tổ chức sản xuất quy mô như HTX mới thực hiện được”.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết