14/05/2018 - 21:34

Đừng đùa với lửa
Bài cuối: Chung tay phòng, chống “giặc lửa” 

Điều tra: THÙY TRANG - PHẠM TRUNG

Chỉ đạo về công tác PCCC, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống nhiều lần nhấn mạnh: Trong công tác PCCC, yếu tố quan trọng là con người và ý thức phòng ngừa của người dân... Làm gì để nâng cao hiệu quả phòng ngừa cháy, nổ và những kỹ năng thoát nạn an toàn khi có hỏa hoạn là những vấn đề bức thiết, nhiều người quan tâm.

Nhà nhà tham gia PCCC

Xác định việc xây dựng các mô hình PCCC tại các khu dân cư mang ý nghĩa chiến lược, huy động toàn xã hội tham gia PCCC, thời gian qua, Cảnh sát PCCC thành phố đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó, nổi bật có mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1”, có nghĩa là 12 hộ gia đình trong một cụm dân cư hoặc 12 cơ sở trên một địa bàn liên kết với nhau thành 1 tổ. Mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” được đặt dưới sự điều hành, quản lý của tổ trưởng, tổ phó do 12 thành viên bầu ra, hoạt động theo hình thức tự nguyện. Hằng tháng, các thành viên  tổ chức kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các hộ gia đình hoặc cơ sở trong việc thực hiện công tác PCCC. Qua đó hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình, cơ sở thực hiện đúng nội quy, quy định, đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện và khắc phục nguy cơ cháy, nổ; tự trang bị phương tiện PCCC và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc chữa cháy…

Học sinh quận Ninh Kiều học kỹ năng chữa cháy, thoát nạn tại khóa học hè “Một ngày làm chiến sĩ Cảnh sát PCCC”. Ảnh: THÙY TRANG

Anh Kim Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” phường Lê Bình, quận Cái Răng, cho biết: “Nhờ tham gia mô hình, gia đình tôi ai nấy đều có ý thức cảnh giác, đề phòng cháy, nổ khi sử dụng các vật dụng sinh hoạt trong nhà...”. Chị Lâm Mỹ Loan, một thành viên khác cho biết: “Lần nọ, nhờ các thành viên đến kiểm tra, giúp tôi phát hiện và thay van bình gas nấu bếp có dấu hiệu hư hỏng vì chuột cắn...”.

Tham gia mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1”, gần 70% hộ dân tại khu vực thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng đã trang bị bình chữa cháy nhỏ trong gia đình. Theo Cảnh sát PCCC thành phố, hiện nay, mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” đã được xây dựng và được triển khai thực hiện ở 201 khu dân cư, chợ, siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cuối năm 2015, UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, ra mắt mô hình “Nhà nhà trang bị bình chữa cháy” với sự tham gia của 300 hộ dân. Đến năm 2016, toàn phường có thêm 700 hộ dân mua thêm bình mới. Nhờ thực hiện mô hình này mà hơn 3 năm qua các vụ cháy nhỏ do chập điện đều được người dân, Đội PCCC tại chỗ kịp thời xử lý. Gia đình anh Võ Thanh Hiệp, ở khu vực 1, phường Thới Bình, có 10 phòng trọ, với hơn 20 sinh viên ở trọ. Tham gia mô hình này, anh Hiệp đã trang bị 5 bình chữa cháy. Anh Hiệp cho biết: “Lúc mua bình chữa cháy, tôi đã được tập huấn cách sử dụng, bảo quản bình nên rất an tâm. Tôi cũng hướng dẫn các nam sinh viên cách sử dụng bình chữa cháy. Tôi luôn nhắc nhở các sinh viên không nấu ăn trong phòng, kiểm tra hệ thống điện trước khi ra ngoài…".

Bên cạnh đó, thành phố còn rất nhiều mô hình PCCC hiệu quả đang được nhân rộng, như: Xây dựng mô hình “Cụm dân cư an toàn về PCCC” tại 40 khu vực tập trung đông dân cư; xây dựng 141 mô hình “Điển hình tiên tiến về PCCC” tại các cơ sở có tính chất hoạt động đặc trưng như: ngân hàng, bệnh viện, trường học, xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...; mô hình “Phụ nữ thực hiện Bếp an toàn” do Cảnh sát PCCC phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ thực hiện...

Trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm

Cháy là việc không ai mong muốn. Nhưng chuẩn bị tâm lý, kỹ năng trước vụ cháy là điều cần thiết. Bởi khi được trang bị kiến thức về PCCC sẽ giúp cá nhân bảo đảm an toàn cho bản thân, người thân và hạn chế được thiệt hại. Không phải ai cũng biết cách thoát hiểm trong một vụ cháy. Khi xảy ra cháy, một số người không biết sử dụng bình chữa cháy, thậm chí không biết chìa khóa nhà để ở đâu để mở cửa thoát nạn. Theo Trung tá Kiều Cao Thiêm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, khi phát hiện cháy, việc đầu tiên cần làm là thông báo, hô to cho mọi người biết, gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114 và nhanh chóng ngắt nguồn điện trong nhà bị cháy nếu có thể. Với các vụ cháy vào ban ngày, khi phát hiện, cần dùng bình chữa cháy nhỏ dập lửa; dùng chăn, vải có kích thước lớn nhúng nước quăng vào đám cháy; sử dụng khăn, vải hoặc lột áo thấm nước chụp vào mặt trong khi chạy ra ngoài thoát nạn... Với tình huống xảy ra cháy vào đêm khuya, mọi người đều ngủ say nên khi phát hiện thì thường đám cháy đã bùng phát lớn, vì vậy cần phải bình tĩnh tìm cách thoát nạn trước.

Nhờ tham gia mô hình “Nhà nhà trang bị bình chữa cháy” nên anh Võ Thanh Hiệp (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC. Ảnh: PHẠM TRUNG

Hiện nay, TP Cần Thơ có 36 công trình chung cư, nhà cao tầng, với số lượng người sinh sống, làm việc khá đông. Các nhà cao tầng được bố trí nhiều công năng, như: văn phòng, căn hộ, khách sạn, trung tâm vui chơi, giải trí… Theo nhận định của Cảnh sát PCCC thành phố, khi xảy ra sự cố cháy, nổ thì công tác cứu người, cứu tài sản, thoát nạn và chữa cháy ở những nơi này sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy, nổ, người trong các nhà cao tầng sẽ hoang mang, hoảng loạn vì bị khói khống chế tầm nhìn. Thượng tá Đặng Quốc Quang, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1, chia sẻ: “Khi sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà, người dân phải để ý và biết đến các đường lối, sơ đồ thoát nạn. Khi xảy ra cháy, cần bình tĩnh quan sát hướng đi theo bảng chỉ dẫn thoát hiểm. Nếu lối đi bị nhiễm khói thì dùng tay áo, khăn thấm nước để che mặt, lần theo vách tường tìm đường ra. Đồng thời phải cúi thấp người vì lượng oxy dưới thấp còn nhiều, tránh bị ngạt khói. Sử dụng cầu thang bộ hay theo lối có đèn chữ EXIT để thoát nạn, tuyệt đối không dùng thang máy, vì khi xảy ra hỏa hoạn, có thể nguồn điện bị ngắt, người bị nạn sẽ bị kẹt trong thang máy...”.

Nâng cao ý thức phòng cháy

Theo Trung tá Trần Hoàng Phúc, Phó trưởng Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, trong quá trình tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ cơ sở, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa. Vì vậy, cơ quan, doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ hệ thống PCCC theo quy định, quy chuẩn và bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên; nhắc nhở người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp tắt hệ thống điện khi rời phòng làm việc; tổ chức phương án thực tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định pháp luật.

Đối với hộ gia đình, người dân không lơ là khi sử dụng các thiết bị có tính cháy, nổ. Đồng thời kiểm tra, tắt các thiết bị điện khi khóa cửa đi ra ngoài. Nếu có sự cố cháy thì cố gắng xử lý khống chế đám cháy trong 10 phút đầu sau khi phát hỏa. Bởi sau thời gian này đám cháy sẽ cháy lan và cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề. 

Việc phát hiện, chữa cháy có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào lực lượng cơ sở tại chỗ. Vì vậy, phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân trong tham gia chữa cháy, trong xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCCC.

Chia sẻ bài viết