12/05/2018 - 16:38

Đừng đùa với lửa
Bài 3: Nỗi ám ảnh mang tên: cháy! 

Tiếp xúc với những người từng thoát ra từ đám cháy, những người từng mất hết tài sản, thậm chí mất người thân trong hỏa hoạn, đa số đều ám ảnh, sợ hãi mỗi khi nghe ở đâu đó xảy ra cháy. Với họ, mất trộm còn có cái nhà ra vào, còn cái chén ăn cơm, tấm áo để mặc, còn cháy là mất hết, là trắng tay, là đau đớn tột cùng... Thế nhưng, với nhiều người trong cộng đồng, khi dư âm về một vụ cháy lắng xuống, sự chủ quan, lơ là lại tái diễn... 

“Bà hỏa” rình rập khắp nơi...

Một trưa tháng 7- 2017, ngay trong mùa mưa, khi các tiểu thương tại chợ Cái Răng đang tranh thủ nghỉ ngơi thì có những tiếng kêu thất thanh “Cháy! Cháy!” vang lên, làm cả chợ hốt hoảng, nhốn nháo. Những nhà ở gần tiệm bán tạp hóa và trái cây ngay đầu đường Nguyễn Trãi, chợ Cái Răng (thuộc khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình) kinh hoàng khi thấy căn nhà này bốc cháy, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm khu vực chất hàng hóa trong nhà và cháy lan sang tiệm làm tóc cạnh bên. Nhiều người chung quanh và tiểu thương dùng bình chữa cháy nhỏ khống chế đám cháy, lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp cũng có mặt kịp thời khống chế, không để lửa lan rộng. Theo chị Diệp, chủ tiệm, đang nằm nghỉ trưa, chị phát hiện dây điện trên vách xẹt lửa và nổ rồi bốc cháy. Liền đó, mấy bình gas mini trong tiệm cũng nhanh chóng bắt lửa, phát nổ khiến đám cháy bùng lên,...Theo các tiểu thương chứng kiến vụ cháy, nếu đám cháy không được dập tắt kịp thời thì thiệt hại rất lớn, bởi nhà cửa cất san sát nhau...

Hiện trường một vụ cháy nhà. Ảnh: THÙY TRANG

Cuối tháng 3-2018, người dân xung quanh tiệm tóc Xinh (đường 30-4, phường An Phú, quận Ninh Kiều) bị một phen hốt hoảng khi tiệm tóc này phát cháy. Tại hiện trường, phần la phông trần nhà trên gác lửng bị lửa thiêu rụi, nhiều vật dụng bị cháy xém. Ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp, xuống cấp trầm trọng với nhiều phần gỗ, cầu thang đã mục. Đám cháy xảy ra vào cao điểm của mùa khô, lại ngay khu dân cư có nhiều cửa tiệm kinh doanh liền kề nên nhiều người rất hoang mang. Ngôi nhà này có mặt bằng cho thuê, còn chủ nhân ngôi nhà sống phía sau cùng con trai. Ghi nhận thực tế tại hiện trường, ngôi nhà có chiều dài sâu phía sau và có một phần gác lửng bằng gỗ. Ngoài mặt tiền cho thuê làm tiệm tóc Xinh, chủ căn nhà dùng phần sau làm 2 phòng cho thuê. Bà Âu Thị Chính, chủ nhà, kể: “Tôi đang ở nhà sau thì nghe tiếng điện xẹt, kèm theo mùi khét và ngọn lửa bốc lên từ đồng hồ điện được gắn tại một phòng cho thuê. Ngọn lửa lan nhanh bắt cháy lên tầng gác lửng. Tôi vừa hô “cháy, cháy”, vừa quýnh quáng tìm cách dập lửa nên bị ngạt khói, phải đưa tới bệnh viện cấp cứu...”. Còn anh Xinh, chủ tiệm tóc, cho biết: “Khoảng hơn 9 giờ sáng (trước khi xảy ra hỏa hoạn khoảng 3 giờ), trụ điện trước ngôi nhà bị chập điện và bốc cháy, người dân xung quanh chạy đến UBND phường An Phú (gần đó) để báo cơ quan chức năng đến xử lý. Không ngờ không lâu sau, tôi đang làm tóc cho khách thì phát hiện căn nhà bốc cháy...”.

Những năm gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra ở khu vực nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hoặc tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Những vụ cháy này thường có đặc điểm chung là hỏa hoạn xảy ra vào rạng sáng khi mọi người đang ngủ say. Đến khi chủ nhà, hàng xóm phát hiện thì đã quá muộn… Nhiều người dân ở khu vực đường Trần Văn Khéo (quận Ninh Kiều) vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lại vụ ngôi nhà trên đường này cháy vào cuối năm 2016. Ngôi nhà 3 tầng liền kề ở số 60-62-64 này được chủ nhân dùng để ở, sinh hoạt trên tầng, phần dưới cho thuê kinh doanh. Rạng sáng hôm đó, cả khu phố gần như hoảng loạn khi phát hiện ngọn lửa cùng khói ngùn ngụt bốc cao từ ngôi nhà trên. Lúc này, tầng 2 của ngôi nhà có 4 người (có 1 cụ ông 77 tuổi đang bị bệnh) thất thần kêu cứu ở ban công. Người dân cùng lực lượng tại chỗ dùng bình chữa cháy nhỏ để dập lửa, nhưng ngọn lửa vẫn âm ỉ. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải điều 4 xe cùng nhiều phương tiện chữa cháy. Sau hơn 30 phút mới dập tắt được ngọn lửa và giải cứu thành công 4 nạn nhân mắc kẹt trên cao.

Trước vụ cháy trên, nhiều người dân ở quận Ninh Kiều vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến vụ hỏa hoạn xảy ra vào rạng sáng 6-7-2014, tại cửa hàng giày MT trên đường Nguyễn Trãi (đối diện đường Trần Văn Khéo) quận Ninh Kiều, khiến 3 người trong gia đình chủ nhà tử vong… Nhiều người chứng kiến vẫn còn ám ảnh bởi đám cháy bùng lên dữ dội chưa từng thấy tại Công ty Kwong Lung Meko (thuộc Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy). Vụ cháy không có nạn nhân tử vong nhưng ngọn lửa đã thiêu rụi khu sản xuất và tiếp tục bùng lên trong mấy ngày sau, do hơi nóng vẫn âm ỉ. Thiệt hại vụ cháy lên tới gần 6 triệu USD...

Hàng loạt những vụ cháy xảy ra trong những năm gần đây trên cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tạo tâm lý bất an trong dư luận xã hội...

Sợ nhưng vẫn lơ là...

Thời gian qua, cùng với lực lượng cảnh sát PCCC, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo công tác an toàn phòng ngừa cháy, nổ. Qua ghi nhận tình hình cháy, nổ tại TP Cần Thơ, nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu ý thức và kiến thức về PCCC. Trong đó, số vụ cháy, nổ do sự chủ quan của người dân chiếm tỷ lệ cao, gần 60%. Trong đợt kiểm tra về công tác PCCC của Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ mới đây, nhiều chủ doanh nghiệp, quản lý nhà cao tầng còn xem nhẹ công tác PCCC. Tại một khách sạn trên địa bàn quận Ninh Kiều, khi Đoàn kiểm tra đề nghị khách sạn tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào quý II năm 2018 thì Ban Giám đốc khách sạn kỳ kèo, xin dời đến quý III. Bởi quý II là thời điểm… vô mùa đón khách du lịch! Trong khi đó, một cán bộ Cảnh sát PCCC cho biết: Phần nhiều chủ các công trình nhà cao tầng quá bận nên giao việc PCCC cho cấp dưới. Vì vậy ít kiểm tra, nhắc nhở việc PCCC. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ hộ ở chung cư mỗi khi được mời đi dự tập huấn, tuyên truyền thì nhờ người giúp việc, bà con đi thay.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy tại tiệm tóc Xinh. Ảnh: LAN PHƯƠNG

Trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố, Đại tá Huỳnh Thới An, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, cho biết: Đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề do hỏa hoạn gây ra là con người. Thế nhưng, trong nhiều vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu ý thức, kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn. Đặc biệt, các nhà bị cháy đều thuộc dạng nhà ống, chỉ có duy nhất một lối thoát nạn qua cửa chính, không có lối thoát nạn dự phòng; không có giải pháp thiết kế xây dựng để ngăn cháy lan, chống tụ khói; chủ nhà bố trí nhiều lớp cửa kiên cố; không có thiết bị chữa cháy tại chỗ, không có dụng cụ phá vỡ để thoát nạn khi có cháy... Nhiều trường hợp, chủ nhà chỉ xin phép xây nhà để ở nhưng sau đó vừa ở, vừa buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh, chất nhiều hàng hóa dễ cháy... Thêm vào đó, việc sử dụng nhiều thiết bị liên quan đến nguồn điện ngày càng tăng, nhưng một số người lại không tuân thủ hoặc không có kiến thức an toàn về điện. Từ đó, câu, nối điện không an toàn, gây chập điện, dẫn đến sự cố cháy.

Theo Đại tá Huỳnh Thới An, trong hoạt động PCCC, lấy phòng ngừa là chính. Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết với phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Vì vậy, việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ là hết sức quan trọng. Nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trên địa bàn. Qua đó hạn chế được nguy cơ cháy, nổ và nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra sẽ được xử lý kịp thời, tránh nguy cơ cháy lan, cháy lớn dẫn đến thiệt hại nặng nề về con người và tài sản.

Điều tra: Thùy Trang - Phạm Trung

Chia sẻ bài viết