10/05/2018 - 21:49

Đừng đùa với lửa
Bài 1: Lơ là chuyện phòng cháy ở trên cao 

Điều tra: Thùy Trang - Phạm Trung

Điểm lại nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm gần đây, có thể thấy bất kể vào mùa nắng hay mùa mưa, ngày hay đêm, đám cháy có thể bùng phát bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào nếu bất cẩn, thiếu cảnh giác với “bà hỏa”. Tại TP Cần Thơ, mặc dù việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong cộng đồng được thực hiện thường xuyên, liên tục, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao..., nhưng khi điều tra, tìm hiểu thực tế ở nhiều nơi, chúng tôi khá bất ngờ bởi sự lơ là về PCCC trong cộng đồng. Tình trạng này cần được cảnh báo kịp thời...

 

Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, TP Cần Thơ ngày càng có nhiều khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, một số công trình vẫn chưa được trang bị hệ thống PCCC theo chuẩn quy định, hoặc có trang bị nhưng không phát huy công dụng... Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, thi công công trình cao tầng và một bộ phận không nhỏ người dân vẫn nhận thức chưa cao về công tác PCCC.

Cháy Carina là chuyện ở xa?

Chung cư 91B tọa lạc tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, là một trong những chung cư quy mô lớn ở thành phố. Chung cư có 2 dãy nhà A và B với 4 lốc nhà, với 456 hộ sinh sống (dãy A có 280 hộ, dãy B có 176 hộ). Phần lớn đối tượng ở đây là gia đình cán bộ, viên chức, công nhân lao động. Chung cư 91B được trang bị hệ thống PCCC đầy đủ, như: máy bơm nước tại mỗi lốc nhà, trụ bơm lấy nước, lăng vòi tiếp nước, lối thoát hiểm… Thế nhưng, qua đợt kiểm tra gần đây, hầu hết các máy bơm nước ở đây không nổ máy hoặc không có bình ắc-quy. Đáng lo ngại là các máy bơm ở chung cư chỉ sử dụng có một bình ắc-quy. Tại các tầng thuộc 4 lốc nhà, bình chữa cháy mini được trang bị nhưng nhiều bình không sử dụng được vì đã hết bọt khí. Nhiều hộ dân treo, móc các vật dụng gia đình ngay cánh cửa của hộp gắn lăng, vòi chữa cháy. Lối thoát hiểm tại các lốc nhà thì bị người dân chiếm dụng làm nơi để vật dụng sinh hoạt gia đình, xây bậc trụ rửa xe hoặc đóng kín và khóa cửa. Lối thoát hiểm tầng trệt thuộc các dãy nhà bị cản lối đi bởi những bao rác lớn, vật dụng gia đình do những hộ dân nơi đây vứt bỏ… Khi chúng tôi hỏi về nguy cơ cháy như ở chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh), anh H.T.T., một người dân ở dãy B, vô tư cho rằng: Vụ cháy ở chung cư Carina vừa qua là chuyện hy hữu. Còn ở chung cư nầy, mọi thứ đều rất ổn… Anh T. cho biết chung cư 91B với diện tích xung quanh rộng lớn, tầng để xe được giao cho một gia đình trông coi. Gia đình này cũng sinh hoạt, ngủ tại nơi đây thì khó có chuyện xảy ra cháy mà họ không hay.

Chung cư 91B thuộc Công ty Cổ phần phát triển nhà Cần Thơ, đến năm 2014, chung cư được giao về cho Sở Xây dựng thành phố quản lý. Đại diện Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng thành phố, cho biết: Khi Sở Xây dựng tiếp nhận chung cư từ Công ty Cổ phần Phát triển nhà của thành phố, hệ thống PCCC của chung cư lúc bấy giờ còn thiếu: không có hệ thống bảng hướng dẫn thoát hiểm, máy bơm và hệ thống nước gần như hư hỏng hoàn toàn... Sau đó, đơn vị có làm phương án xin cải tạo lại hệ thống PCCC với hình thức thiết bị nào hư thì trang bị lại và bổ sung những thiết bị thiếu, vì không đủ kinh phí để trang bị lại hoàn toàn hệ thống. Mỗi lốc nhà đều có hệ thống nước chữa cháy riêng. Theo lý giải của đại diện Sở Xây dựng thành phố, sở dĩ bình ắc quy của máy bơm nước không có ở chỗ máy bơm là do nhân viên làm nhiệm vụ quản lý lốc nhà tháo ra giao cho một hộ dân ở đây giữ giùm vì…sợ bị mất trộm (!?). Tháng 12-2017, Chung cư 91B đã được Cảnh sát PCCC đến kiểm tra và nhắc nhở về công tác an toàn PCCC. Và hiện tại, Chung cư 91B vẫn chưa thành lập được Đội PCCC cơ sở.

Lối thoát hiểm ở Chung cư 91B đã bị các hộ dân chiếm dụng làm nơi để vật dụng của gia đình. Ảnh chụp chiều 6-4. Ảnh: Thùy Trang

Chiều 20-4, chúng tôi có mặt tại Kho Dược của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Kho chật kín các thùng các-tông chứa thuốc, chất quá đầu người. Dù có nhiều chất dễ gây cháy nhưng nhân viên nơi đây vẫn bố trí các thùng thuốc gần kề ổ điện. Thậm chí có kho còn đặt tủ lạnh để bảo quản thức ăn, nước uống cho nhân viên. Tại siêu thị mini trong bệnh viện, hàng hóa bày khắp lối đi. Nhiều hàng hóa dễ cháy như: gấu bông, tã, khăn giấy… được nhân viên siêu thị xếp sát ổ điện. Theo quy định, siêu thị không được đốt nhang trần nhưng nhân viên nơi đây vẫn vô tư đốt nhang. Trong khi đó, cạnh bên bàn thờ là các thùng hàng hóa dễ bắt lửa. Nhưng nguy hiểm hơn cả là hệ thống thang thoát hiểm được bệnh viện dùng làm lối đi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các buồng thang điều áp đáng ra phải đóng kín thì được bệnh viện mở toang để mọi người đi lại thuận lợi. Ông Đặng Quốc Thái, Phó Phòng Hành chính, Đội phó Đội PCCC bệnh viện, cho biết: "Do hệ thống thang máy của bệnh viện quá tải nên bệnh viện phải dùng thang thoát hiểm làm lối đi chung. Bên cạnh đó, hệ thống cầu thang dành cho người đi bộ được đơn vị thi công thiết kế quá xa khu vực trung tâm, người nhà bệnh nhân khó tìm nên bệnh viện làm liều cho mở lối đi trong cầu thang thoát hiểm...".

Nguy cơ tiềm ẩn ở khách sạn, nhà cao tầng

Khách sạn DONA (ở lô B, đường Trần Phú, quận Ninh Kiều) cũng là một trong những nơi được cảnh báo về nguy cơ cháy nổ. Nhiều tầng của khách sạn chưa lắp bảng hướng dẫn thoát hiểm, đèn báo cháy trong phòng; đèn chiếu sáng sự cố không đủ sáng, hệ thống báo cháy tự động không hoạt động… Tại tầng 9, hệ thống điều khiển thang máy thông giữa các tầng không kín nên nguy cơ khói lan ra các tầng (nếu xảy ra cháy) là rất cao. Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 9-4, tầng 9 của khách sạn đang cải tạo nhưng xây dựng sai bản vẽ thiết kế, không đảm bảo việc PCCC, như: hộp chứa thiết bị chữa cháy và hộp điện gắn gần nhau, hệ thống báo cháy không hoạt động… Ngoài ra, cạnh nơi đặt máy bơm nước chữa cháy của khách sạn là hai bình gas phục vụ cho nhà bếp. Xung quanh đó là hệ thống dây điện chằng chịt. Khi đại diện khách sạn cho nổ máy bơm, nước bắn tung tóe khắp sàn nhà…

Khách sạn AURA, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Cái Khế, được trang bị hệ thống PCCC khá đầy đủ. Mặc dù vậy, nhiều cửa của khách sạn thay đổi khác với thiết kế ban đầu (có hai cánh cửa nhưng chỉ mở một cánh)… Theo quy định, buồng thang điều áp phải để trống hoặc đặt bình chữa cháy nhưng nơi đây ngổn ngang vật dụng, giày dép… Ngoài ra, các tầng có dịch vụ massage, khăn tắm được phơi kín tay vịn cầu thang. Việc này rất nguy hiểm khi có cháy, nổ, vì đây là những vật dụng dẫn cháy nhanh. Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc khách sạn, giải thích: "Chúng tôi đã bố trí nơi phơi khăn, màn, ga giường… ở sân thượng nhưng nhân viên vẫn chủ quan. Chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục tình trạng này...".

Trường Quốc tế Hòa Bình (Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Hòa Bình) ở đường Nguyễn Văn Cừ, cao 8 tầng. Tòa nhà này được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC nhưng có nhiều thiết bị không đủ chuẩn theo quy định và không đáp ứng yêu cầu chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Khu vực vận hành hệ thống chữa cháy lại được đặt cạnh khu vực tỏa nhiệt cao. Điều đáng nói là tòa nhà được sử dụng sai công năng đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt hệ thống PCCC theo thiết kế xây dựng ban đầu. Bởi chủ tòa nhà xin phép xây dựng, trang bị hệ thống PCCC và hoạt động là nhà ở và văn phòng cho thuê. Nhưng khi đưa vào sử dụng lại là… trường học.

Bài 2:  Nguy cơ cháy ở chợ, trong hẻm nhỏ

Chia sẻ bài viết