11/12/2017 - 16:04

Cuộc chiến chống lao: Bảo hiểm y tế là nguồn tài chính bền vững nhất 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao và lao đa kháng thuốc với khoảng 120.000 ca bệnh lao và hơn 6.000 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc mỗi năm.

Hiện nay, khi các nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài đang giảm đi nhanh chóng, để công cuộc phòng chống bệnh lao được bền vững cần sự huy động, chung tay vào cuộc của các nguồn lực trong nước.

Bệnh nhân lao được quản lý, điều trị miễn phí tại trạm y tế xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

20.000 người mắc lao chưa được phát hiện mỗi năm

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, mỗi ngày bệnh lao đã lấy đi sinh mạng của hơn 5.000 trẻ em, phụ nữ, nam giới và không loại trừ quốc gia nào. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trong độ tuổi lao động, tạo ra và gia tăng chu kỳ giữa bệnh tật và nghèo đói, có nguy cơ gây ra những thảm họa về xã hội, kinh tế cho gia đình, cộng đồng và các quốc gia. 

Trên toàn cầu, lao đa kháng thuốc chiếm 1/3 số  người tử vong liên quan đến kháng kháng sinh, việc giải quyết vấn đề về bệnh lao vì vậy trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự về kháng kháng sinh toàn cầu. Hiện nay, ở Việt Nam số bệnh nhân mắc mới lao giảm khoảng 5%, số người tử vong giảm nhanh hơn, còn khoảng 3.000 người chết/năm vì lao. Nguyên dân là do bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, chủ động và nhiều hơn. 

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nhung, số bệnh nhân mắc lao không được phát hiện trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Mỗi năm, cả nước có khoảng 126.000 người mắc mới bệnh lao, trong đó chỉ 105.000-106.000 người được phát hiện bệnh, còn lại khoảng 20.000 người chưa được phát hiện. Chính vì vậy, có tỷ lệ tử vong cao ở đối tượng này. Số người không được phát hiện và điều trị này chính là nguồn lây nhiễm cho nhiều người khác.

Theo bác sỹ Nhung, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng, xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao. "Đặc biệt, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài và tốn kém nên khá nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng lao ngày càng tăng", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thừa nhận.

98% bệnh nhân lao đối diện với chi phí thảm họa

Phân tích về nguồn tài chính trong công tác phòng chống lao, bác sỹ Nhung nhấn mạnh, một khó khăn nữa liên quan đến tài chính mặc dù Bộ Y tế đã ưu tiên nhưng chỉ chiếm 25-30% kinh phí. Trong thời gian tới, nhiều nguồn kinh phí từ các tổ chức nước ngoài sẽ rút đi, do vậy để chương trình phòng chống lao được bền vững thì kinh phí trong nước càng phải được tăng cường hơn. Bởi hiện nay có 98% bệnh nhân mắc bệnh lao đối diện với chi phí thảm họa khi chữa bệnh, bởi chi phí họ bỏ ra lớn hơn 20% số thu nhập của gia đình dành cho việc chữa bệnh lao. 

Theo giáo sư Nhung, hiện nay, về nguồn kinh phí trong nước, bảo hiểm y tế được xác định là nguồn tài chính bền vững nhất. Hiện nay, bảo hiểm y tế đã bao phủ việc chẩn đoán bệnh lao. Năm 2019, bảo hiểm y tế sẽ bao phủ thuốc hạng 1 trong công tác điều trị cho người bệnh. Trong công tác dự phòng và điều trị bệnh lao, theo định hướng của Bộ Y tế, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở-nơi gần người dân nhất là rất quan trọng. Từ đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng. 

"Nhằm trợ giúp cho những bệnh nhân lao trong công tác điều trị, chúng tôi vận động xây dựng Quỹ phòng chống lao gọi là Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Quỹ này dự kiến khai trương tháng Ba tới có thể huy động cộng đồng với mục tiêu chính hỗ trợ người bệnh. Qũy sẽ hướng tới mục tiêu cùng tương trợ cho những người mắc bệnh lao. Ai chưa có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ họ mua thẻ bảo hiểm, người chưa có tiền mua thuốc… thì đồng chi trả,” bác sỹ Nhung chỉ rõ.

Để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ đưa công tác chống lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, lao và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

 "Hiện nay, với 30% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Chính vì vậy, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở - nơi gần người dân nhất là rất quan trọng. Từ đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng. Về việc phát hiện sớm bệnh lao, chuyên gia khuyến nghị người dân nên lưu ý khi có các triệu chứng hô hấp như ho hoặc sốt. Để phát hiện, bác sỹ sẽ chụp phim (có tính sàng lọc rất cao), sau đó xét nghiệm đờm để khẳng định bệnh.

Năm 2014, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. 

Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết