27/04/2016 - 20:53

Sử dụng nguồn nước sông Mekong

Cần tiếng nói chung

Sông Mekong có chiều dài đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 7 trong khu vực châu Á với lưu lượng nước hằng năm khoảng 457km3. Nguồn nước này đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) mà nó đi qua trong phát triển nông nghiệp, sản xuất năng lượng, du lịch,… Tuy nhiên, do theo đuổi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội riêng, mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp diễn. Để có thể sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, các quốc gia có liên quan cần ngồi lại để tìm giải pháp thỏa đáng, hài hòa lợi ích các bên.

* Thách thức từ các đập thủy điện

Với tiềm năng năng lượng lên tới 53.000MW cho dòng chính và thêm 35.000MW ở dòng phụ, cuộc chạy đua trong khai thác triệt để sông Mekong cho thủy điện nhằm giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng của các quốc gia đang đặt ra nhiều tranh luận và thách thức. Một trong những cuộc tranh cãi nóng bỏng nhất chính là tác động của thủy điện đến các khu vực ven sông, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cảnh báo: "ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của sông Mekong, các đập thủy điện được xây dựng sẽ làm thay đổi chế độ dòng chảy về mùa khô, mùa mưa cũng như làm giảm đi lượng phù sa, mất cân bằng hệ sinh thái của vùng. Đồng thời, tác động trực tiếp đến 2 trụ cột kinh tế lớn là sản xuất nông nghiệp và thủy sản làm cho sinh kế người dân vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn và gây ra những tác hại dây chuyền khác từ sự tổn thất về kinh tế - xã hội và môi trường ở khu vực này".

Các đập thủy điện ở thượng nguồn được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL thời gian gần đây.

Ngoài ra, việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở vùng ĐBSCL thời gian gần đây. Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, phân tích: "Một khi tất cả các đập thủy điện ở Trung Quốc đi vào hoạt động, tác động đối với trầm tích sông Mekong là rất lớn. Lượng trầm tích ước tính sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại khoảng từ 1/3 đến 1/2 tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ Mekong. Điều này gây nên tình trạng thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển. Sự sạt lở nghiêm trọng đê biển ở Gành Hào, đường phòng hộ ven biển ở Bạc Liêu là một minh chứng cụ thể của tác động kép lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn".

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng ĐBSCL, nơi có gần 20 triệu người sinh sống với 4 triệu ha đất tự nhiên nhưng tiềm năng nuôi sống lên tới 300 triệu người. Vùng đất trù phú này với vai trò là vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn nhất nước hình thành chủ yếu nhờ sự bồi tụ phù sa từ dòng chảy sông Mekong. Tuy nhiên, với sự bùng nổ đập thủy điện, năm nay, mực nước ở ĐBSCL rất thấp, chỉ bằng 65-70% so với những năm trước, xâm nhập mặn về sớm và sâu hơn. Việc xây dựng thủy điện trên sông Mekong sẽ làm suy giảm nghiêm trọng lượng phù sa và gần như vĩnh viễn và không khôi phục được phần lớn hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL. Riêng với nguồn thủy sản ở ĐBSCL, có tới 440.000 tấn/năm, tương đương 1 tỉ USD/năm bị tổn thất do hệ thống đập thủy điện này...

* Cần "ngồi lại" cùng tìm giải pháp

Tại Hội thảo "Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, sông Mekong có mối liên hệ với nhiều nước. Do đó các bên có liên quan cần góp sức, tìm tiếng nói chung để giải quyết vấn đề về nguồn nước trong thời gian tới. "Đã đến lúc, 6 nước trong lưu vực phải ngồi lại xây dựng 1 cơ chế sử dụng nguồn nước; phải có hành động, dự án cụ thể. Trong đó, quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển. Hơn bao giờ hết, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước mặn như một nguồn tài nguyên. Mô hình phát triển đồng bằng phải chuyển dần theo hướng tích cực nhất có thể, chú trọng phát triển theo chiều sâu…"- Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, đất, nước, khí hậu là ba yếu tố nguồn lực quan trọng ảnh hưởng đến tồn tại và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và sản xuất ở ĐBSCL. Để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai đòi hỏi sự nỗ lực kết hợp giữa các cơ quan, Chính phủ, các nhà khoa học, cơ quan quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên và các cộng đồng địa phương. Đồng thời, xây dựng biện pháp thích hợp nhằm thích ứng với các điều kiện thời tiết, lồng ghép biến đổi khí hậu với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất tại Tam Á (Trung Quốc) liên quan đến sử dụng nguồn nước sông Mekong ngày 23-3-2016 là bước đi đầu tiên và cần được thể hiện tiếp theo bằng những hành động, dự án cụ thể, chân thực đúng với tinh thần này. Ngoài ra, các Bộ, Ủy ban Quốc gia sông Mekong cùng các nhà khoa học cần phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động các dự án khai thác ở thượng nguồn từ khi mới bắt đầu, kịp thời chỉ ra các tác hại để Chính phủ có cơ sở đàm phán vì lợi ích của đồng bằng và cả lưu vực…

Giáo sư Pou Sovachana, Phó Giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cho biết: Ở Campuchia, việc xây dựng các đập thủy điện là vấn đề "nhạy cảm". Không chỉ người dân ĐBSCL, ngay cả khu vực hồ Tonle Sap liên quan tới nguồn sống và sinh kế của 3 triệu người Campuchia cũng bị ảnh hưởng nặng nề do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc và các nước thượng nguồn. Có thể khẳng định, với việc xây dựng các đập thủy điện, Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát dòng sông Mekong, giống như dòng sông này bị "bắt làm con tin". Vì vậy cần tiếp tục có diễn đàn để thảo luận cởi mở, mời cả lãnh đạo chính trị, nhà hoạch định chính sách cùng tham dự. Trong việc xây dựng các đập thủy điện, chúng ta cần cộng tác với nhau trên tinh thần quốc tế để giảm tác động tới hạ nguồn. Một trong những giải pháp giảm thiểu tác động là kêu gọi sự thích ứng mang tính khu vực tạo ra những thông tin để mọi người hiểu rõ sự tác động đối với quốc gia, cùng chia sẻ, tạo ra sự cân bằng cả lợi ích và thiệt hại. Các quốc gia khi tiến hành quyết định xây đập, cần thực hiện các nghiên cứu về tác động môi tường do chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện. Các quốc gia chia sẻ nguồn lợi cần phối hợp trên quan điểm lợi ích, trách nhiệm để có cuộc sống hòa bình và hài lòng với quyền lợi chung của nước sông Mekong. Có thể giảm thiểu tác động bằng giải pháp công nghệ cao với những nghiên cứu toàn diện, thấu đáo để có giải pháp lưỡng toàn, đảm bảo sinh thái, sinh kế của người dân.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết