16/07/2008 - 08:04

Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

Cần gỡ khó từ gốc

Tại Diễn đàn Hợp tác phát triển Kinh tế ĐBSCL- MDEC 2008 với chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL” cùng 5 sự kiện chính vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đều bày tỏ bức xúc về tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL theo Quyết định 344/2005/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 344) của Thủ tướng Chính phủ còn chậm; mức đầu tư cho hạ tầng giao thông thấp so với mức bình quân chung của cả nước và không tương xứng với tiềm năng của vùng trọng điểm lương thực cả nước. MDEC 2008 đã đặt ra nhiều vấn đề cần kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành về phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL để đẩy nhanh tốc độ phát triển, cải thiện việc thu hút đầu tư của vùng.

ĐẦU TƯ THẤP, TẮC ĐỦ THỨ!

MDEC 2008 đã nêu nhiều vấn đề bức xúc trong công tác qui hoạch, đầu tư xây dựng, tiến độ thực hiện công trình, việc giải ngân nguồn vốn, cơ chế quản lý chồng chéo giữa Trung ương và địa phương... Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng sau 3 năm thực hiện Quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ không đạt mục tiêu đề ra, các công trình, dự án thi công chậm và kéo dài đã làm giảm hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, tình trạng lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu hoàn thành các công trình giao thông trọng diểm của vùng vào năm 2010. Hiện nay, giao thông bộ, hầu như chỉ có duy nhất tuyến đường độc đạo là Quốc lộ (QL) 1A nối các tỉnh ĐBSCL. Các trục dọc chính như tuyến N1, N2.. thi công rất chậm. Nhiều cây cầu quan trọng như: cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cao Lãnh, Vàm Cống,.. chưa hoàn thành, thậm chí chưa khởi công. Do vậy, nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng thi công không đồng bộ, đường xong nhưng phải đợi cầu.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bức xúc: “Chất lượng hạ tầng giao thông trong vùng thấp so với cả nước. Tiến độ thực hiện chậm, chưa có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng. Đơn cử một số chương trình hợp tác liên tỉnh thực hiện chưa đồng bộ như: cầu Ninh Phước (An Giang- Kiên Giang), cầu Cái Tàu Thượng và bến Chợ Vàm (An Giang- Đồng Tháp)... Tôi nghĩ rằng, cần phải có “nhạc trưởng” để sự liên kết trong vùng chặt chẽ hơn, các công trình giao thông mới thực hiện đồng bộ. Năm 2008, dự kiến tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của tỉnh khoảng 1.071 tỉ đồng, nguồn ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng 75 tỉ đồng, phần còn lại phải huy động từ nhiều nguồn khác, nhưng cũng chẳng dễ dàng gì”.

 Công trình xây dựng cầu Cần Thơ sẽ được thi công trở lại trong tháng 7 này. Ảnh: THIỆN KHIÊM

Các đại biểu tham dự MDEC 2008 cũng cùng tâm trạng như ông Thạnh và cho rằng, việc thi công kéo dài làm nhiều tuyến đường vừa hoàn thành đã xuống cấp, lạc hậu so với sự phát triển, như QL1A, nhiều đoạn hiện đã hỏng. Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Từ nay đến năm 2010, tỉnh cần hơn 2.000 tỉ đồng cho mạng lưới đường tỉnh và đường huyện. Bạc Liêu còn 22 xã chưa có đường ô tô tới trung tâm. Đây là khó khăn rất lớn, vì ngân sách địa phương không thể đáp ứng nhu cầu vốn lớn đến như vậy. Trong khi các tuyến đường tỉnh, đường huyện chủ yếu là về vùng sâu, vùng xa nên khó hấp dẫn nhà đầu tư bằng hình thức BOT”.

Trên thực tế, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho vùng ĐBSCL hiện chỉ đủ làm vốn đối ứng cho những dự án ODA. Còn nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì khả năng hoàn vốn thấp, nhiều nhà đầu tư năng lực yếu kém. Thêm vào đó, chất lượng qui hoạch cũng là vấn đề. Theo ông Mai Anh Tuấn, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam: “Đôi khi qui hoạch, khai thác và quản lý không hiệu quả cũng làm cản trở sự phát triển giao thông, do không thu hút các phương tiện giao thông. Tôi nghĩ, trước mắt các địa phương nên đầu tư, nâng cấp cho các tuyến đường tỉnh, huyện... để góp phần tăng lượng xe ô tô”.

Có thể nói, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hiện đang vướng rất nhiều vấn đề, một phần do chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp. Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: “Theo kế hoạch, nguồn vốn đầu tư giao thông cho ĐBSCL trong giai đoạn 2006- 2010 gần 62.000 tỉ đồng, nhưng mới xác định được khoảng 44.000 tỉ đồng (tính theo giá năm 2005), còn thiếu khoảng 18.000 tỉ đồng. Nếu tính theo thời giá hiện nay thì con số này phải tăng gấp đôi”. Riêng về đường thủy, thống kê sơ bộ trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm mức đầu tư cho các tuyến đường sông ở ĐBSCL chỉ khoảng 300 tỉ đồng và tổng chi phí duy tu, bảo dưỡng... cũng chỉ ở mức ấy. Nếu tính trên phạm vi cả nước, tỷ trọng đầu tư cho giao thông thủy chiếm khoảng 3% tỷ trọng toàn ngành. Trong khi vận tải đường sông lại có lợi thế về giá thành, ít gây ô nhiễm môi trường thì mức đầu tư vào đó lại rất khiêm tốn. Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu trong vùng bằng đường thủy khoảng 18 triệu tấn/năm, nhưng luồng Định An đang bị bồi lắng làm ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả của cụm cảng Cần Thơ.

Làm gì để phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn vùng? Đây là một thách thức lớn hiện nay đối với ĐBSCL trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

XÃ HỘI HÓA VIỆC HUY ĐỘNG VỐN

Tại Hội nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ĐBSCL và các Bộ, ngành ngày 11-7-2008 trong khuôn khổ MDEC 2008, đa số ý kiến cho rằng cần phải xã hội hóa việc huy động vốn để giải quyết bài toán ách tắc giao thông của vùng. ĐBSCL là vùng trọng điểm lương thực, nhưng đời sống người dân trong vùng lại còn nhiều khó khăn. Do đó, khi ĐBSCL hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, Chính phủ cần có một cơ chế đặc thù để đầu tư cho vùng. Hạ tầng giao thông yếu kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước của vùng.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nêu quan điểm: “Trong tình hình lạm phát, có một số vấn đề nếu theo Quyết định 344 của Chính phủ sẽ không thực hiện được và đến năm 2010, hạ tầng giao thông ĐBSCL khó mà cải thiện. Tôi cho rằng, phải đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2010 cần làm tuyến đường nào và đến 2015 làm gì như vậy mới có sự đầu tư tập trung. Về nguồn vốn, cần có kế hoạch cân đối cụ thể, phân bổ cho từng dự án cụ thể (dự án nào đầu tư ngân sách, dự án nào đầu tư ODA, BOT, BT...) nếu không làm được điều này sẽ khó qui trách nhiệm thuộc về ai. Mặt khác, phải rà soát lại việc thực hiện Quyết định 344 trong 3 năm qua xem đã làm được gì để tính lại và đề xuất lên Trung ương giải quyết”. Còn ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Không nên quá trông chờ vào nguồn ngân sách, mà cần mạnh dạn xin cơ chế BOT để đầu tư các công trình giao thông. Mặt khác, Chính phủ cần cụ thể hóa hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo ông Mai Anh Tuấn, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, việc huy động và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đường bộ phải được coi là nhiệm vụ bức thiết. Bởi mức vay với lãi suất như hiện nay thì không một nhà đầu tư đường bộ nào có được lợi nhuận. Do đó, để hỗ trợ nhà đầu tư trong nước, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực nhằm khơi thông các kênh vốn nước ngoài (với lãi suất vay thương mại từ 4- 6%/năm). Mặt khác, có thể tăng thêm mức thu phí đường cao tốc, hoặc đường cấp cao để khuyến khích đầu tư. Nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội cũng cần đầu tư các tuyến đường thông dụng không thu phí phục vụ nhu cầu giao thông có thu nhập thấp. Ngoài ra, cần đầu tư thêm vào quy hoạch, bởi xây dựng quy hoạch đã khó mà theo dõi, điều chỉnh để đáp ứng những biến động thực tế cũng khó không kém.

Sau MDEC 2008, các địa phương trong vùng đã thống nhất một số vấn đề cần kiến nghị lên Chính phủ nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Cụ thể như, về đường bộ, kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình mang tính chiến lược và tạo đòn bẩy cho sự phát triển cho vùng, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ cho các tuyến QL quan trọng, đặc biệt ưu tiên: QL1, tuyến N1, tuyến N2, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, QL80, QL63, QL50, QL60. Riêng QL60 cho phép kéo dài tại điểm giao QL1A, thành phố Sóc Trăng đi qua đường Sóc Vồ (đường tỉnh 938 - đường tỉnh 937) thuộc địa phận Sóc Trăng và nối vào QL61 tỉnh Hậu Giang, tạo liên thông 6 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang. Xem xét việc đầu tư tuyến QL ven biển, tạo điều kiện phát triển đô thị ven biên, kinh tế biển. Đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai khi mực nước biển dâng cao.

Đối với giao thông thủy, kiến nghị Chính phủ xem xét nâng suất đầu tư cho hạ tầng giao thông thủy một cách đồng bộ về luồng tuyến, bến cảng... Trước mắt, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí qui hoạch mạng lưới giao thông thủy tại địa phương trên cơ sở qui hoạch chung của vùng; cho chủ trương nạo vét cửa Định An theo phương thức BOT hoặc PPP (hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân) trong khi chờ dự án kinh Quan Chánh Bố, nhằm tạo điều kiện phát huy hiệu quả cụm cảng Cần Thơ. Riêng kinh Chợ Gạo là tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đến ĐBSCL, hiện tại nhiều đoạn bị bồi lắng, do đó cần nạo vét mở rộng luồng kinh Chợ Gạo ứng với luồng cấp II...

Mặt khác, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho Bộ GTVT và tăng cường mức đầu tư hàng năm cho các công trình giao thông ĐBSCL; đồng thời cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp UBND các tỉnh, thành ĐBSCL xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, đặc thù riêng nhằm tạo điều kiện mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

THU HÀ

Quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng 2020 đã nêu rõ: đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Cụ thể đến năm 2010, hoàn thành 4 trục dọc chính gồm: QL 1A, tuyến N2, tuyến N1 (đoạn Tịnh Biên- Hà Tiên) và tuyến ven biển (QL50, QL60). Trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh 2 trục dọc chính: QL1A (mở rộng đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận- Cà Mau) và tuyến N2 (đoạn Chơn Thành- Vàm Cống). Song song đó, nâng cấp, cải tạo các trục ngang, QL: 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91. Hoàn thành xây dựng các cây cầu lớn: Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Hàm Luông. Phấn đấu cơ bản xóa cầu khỉ và có 100% đường ô tô đến trung tâm xã...

Về đường thủy, nâng cấp 4 tuyến: TP Hồ Chí Minh - Hà Tiên, TP Hồ Chí Minh - Năm Căn, TP Hồ Chí Minh - Hà Tiên- Đồng Tháp Mười và tuyến ven biển. Nâng cấp hệ thống cảng sông hiện có, đồng thời hoàn thành nghiên cứu phương án tổng thể vận tải thủy của vùng...

Chia sẻ bài viết