03/06/2009 - 07:52

Đảm bảo an ninh lương thực

Cần đáp án cụ thể cho bài toán quỹ đất nông nghiệp

Năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Do vậy, các chuyên gia dự báo, những năm tới nhu cầu đất phi nông nghiệp tiếp tục tăng, diện tích đất trồng lúa bị chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ rất lớn nếu không được bảo vệ. Các nhà khoa học cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa để vừa giữ vững an ninh lương thực (ANLT), vừa đảm bảo mục tiêu CNH, HĐH đất nước; đồng thời, có “bảo hiểm nông nghiệp” cho người trồng lúa để họ an tâm đầu ra và gắn kết “4 nhà”.

ĐẤT TRỒNG LÚA GIẢM

Từ năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng khác, đặc biệt là thủy sản, nên diện tích trồng lúa giảm mạnh. Thêm vào đó, trong định hướng phát triển, một số địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp và đất trồng lúa đã nhường chỗ cho định hướng này. Tại hội thảo “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia và qui hoạch đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 29-5-2009, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đồng quan điểm: Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, biến đổi khí hậu, chất thải công nghiệp tăng... sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và ANLT bị đe dọa nếu không có chiến lược kiểm soát chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp ngay từ bây giờ.

Hiện nay, 2 vùng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); trong đó, ĐBSCL chiếm 52% diện tích và 53% sản lượng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2000- 2005, diện tích đất trồng lúa cả nước giảm hơn 302.000 ha. Từ năm 2005 đến nay diện tích trồng lúa tiếp tục giảm khoảng 60.000ha. Khu vực ĐBSCL giảm nhiều nhất 205.400 ha (chiếm 57% diện tích giảm toàn quốc), Đông Nam bộ 65.700 ha (chiếm 18,1%), ĐBSH giảm 52.000 ha (chiếm 14,4%)... Năm 2008, tổng diện tích trồng lúa cả nước 7,39 triệu ha (tăng 198.000 ha so với năm 2007) với sản lượng đạt trên 38,7 triệu tấn (tăng 2,86 triệu tấn so với 2007); trong đó, ĐBSCL 3,85 triệu ha, sản lượng 20,6 triệu tấn (tăng 2,03 triệu tấn so với năm 2007)... Nhưng năm 2009, diện tích đất trồng lúa cả nước sẽ giảm khoảng 200.000 ha so với năm 2008, kéo theo sản lượng giảm.

Diện tích trồng lúa ở ĐBSCL và cả nước đang bị thu hẹp do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Trong ảnh: Ruộng lúa giống trình diễn của Viện Lúa ĐBSCL nhằm chọn ra các giống triển vọng, để phục vụ cho sản xuất lúa hàng hóa trong vùng. Ảnh: ANH KHOA

Tiến sĩ Trần Văn Ngãi, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, nêu giả định: “Diện tích đất trồng lúa giảm 1%/năm, năng suất tăng 2,5%/năm và diện tích giảm này được chuyển đổi sang trồng nông sản khác như: rau, màu, cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản thì đến năm 2020 vẫn đảm bảo ANLT. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sẽ khó khăn. Còn năng suất không tăng như dự kiến (0%/năm) thì đến năm 2020, lượng lúa sản xuất chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản trong nước như: làm giống, để ăn và sản xuất thức ăn gia súc. Khi đó, không còn lương thực bổ sung cho dự trữ hoặc xuất khẩu”. Mặt khác, việc qui hoạch đất trồng lúa hiện chưa tính đủ, tính hết các tác động của việc tăng dân số, biến đổi khí hậu. Giai đoạn 1990- 2007, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng đầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Trình độ canh tác của nông dân ngày càng được nâng cao cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Song, sau năm 2020, các nhà khoa học, chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu, chất thải công nghiệp... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây lúa.

VÀ NHỮNG BẤT CẬP

Theo dự báo, trong vòng 100 năm tới, ĐBSCL sẽ có từ 1,5-2 triệu ha, vùng ĐBSH 0,3- 0,5 triệu ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn không sản xuất được, chủ yếu là đất lúa...

Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết: “Hàng năm, xâm nhập mặn kết hợp với thiếu nước đầu nguồn sông Mê Công từ tháng 12 đến tháng 5 đã trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc lấy nước mặn nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau đã phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta đang giải quyết một cách thụ động”. Trong 5-10 năm tới, lưu lượng nước vào tháng kiệt nhất (tháng 4) của sông Mê Công ở đầu nguồn dự báo giảm gấp đôi so với hiện nay do sự khai thác của các nước tiểu vùng sông Mê Công. Điều này sẽ tạo nguy cơ đưa tầng sinh phèn cao hơn mực thủy cấp. Diện tích đất trồng lúa ở Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu (khoảng 1,8 triệu ha) đứng trước nguy cơ không kiểm soát được phèn bằng biện pháp “ém phèn bằng nước”. Theo tiến sĩ Bửu, giống chống chịu phèn lai tạo thành công nhưng rất chậm vì thiếu sự hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc những chuyên ngành khác nhau. Lâu nay, đặt nặng công tác lai tạo giống lúa, nhưng chưa có thành tựu nổi bật đối với cây trồng khác. Tại ĐBSCL suốt một thời gian dài, giống xác nhận được gieo sạ thấp hơn 2% diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, chất lượng nước ở các sông rạch, kênh chính ngày một bị ô nhiễm, đất bạc màu tăng. Tất cả bất cập này sẽ khó giải quyết, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Trong quá trình hội nhập kinh tế, thị trường xuất khẩu được chú trọng, nhưng thị trường nội địa đầy tiềm năng lại ít được quan tâm. Do đó, luôn đứng trước thách thức, rủi ro vì thiếu kinh nghiệm và thiếu qui hoạch tổng thể. Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, cho biết thêm: “Công nghệ cho hạt giống yếu kém đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển giống cây trồng trong 20 năm qua. Đồng thời, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”. Thêm vào đó, công tác qui hoạch sử dụng đất lúa còn nhiều bất cập, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đặc biệt, việc sử dụng diện tích đất lúa nước để phát triển công nghiệp, dịch vụ đang diễn ra ở nhiều địa phương mà chưa được tính toán một cách đầy đủ. Qui hoạch chồng chéo giữa Trung ương và địa phương, thiếu sự thống nhất về các chỉ tiêu sử dụng đất, thiếu kinh phí, trình độ qui hoạch hạn chế, thiếu kinh nghiệm...

Ngoài ra, yếu kém trong việc dự báo cung- cầu cũng gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất lương thực trong nước và ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng lúa. Đầu năm 2008, khủng hoảng lương thực trên thế giới, các nước nhập khẩu và cả nước xuất khẩu đều chịu áp lực rất lớn. Ở Việt Nam, “cơn sốt” gạo cục bộ, giá gạo tăng vọt và ngay vựa lúa ĐBSCL diễn ra đầu tháng 4-2008 đã phản ánh yếu kém trong việc xây dựng kênh phân phối, tư thương “thao túng” thị trường. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu 4,5- 5 triệu tấn gạo nhưng thương hiệu “hạt gạo Việt Nam” là thách thức lớn cho ngành nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) và cả nhà hoạch định chiến lược. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trong khi phần lớn DN kinh doanh lương thực không có kho dự trữ lúa gạo. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, nhận xét: “Xuất khẩu gạo 4-5 triệu tấn/năm, nhưng chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, mạng lưới thu mua chưa xuống tới nông thôn làm cho giá thành sản xuất cao, giảm hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh, các DN chưa thực sự là người bạn đồng hành của nông dân”. Do không có kho dự trữ lúa gạo, DN chỉ thu mua khi ký được hợp đồng xuất khẩu.

“BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP” VÀ LIÊN KẾT “4 NHÀ”

Thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp- nông thôn- nông dân xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo ANLT quốc gia vững chắc và lâu dài”... Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và người nông dân nghèo có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ cần giải pháp đồng bộ đi kèm. Ngoài đầu tư công nghệ cho công tác nghiên cứu lai tạo giống, bảo quản sau thu hoạch, việc đầu tư hệ thống thủy lợi cũng phải được chú trọng.

Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành có diện tích trồng lúa đều cùng chung quan điểm: “Giá lúa bấp bênh, nông dân luôn thiệt thòi mà người trồng lúa là hộ nghèo, do diện tích đất canh tác trên nông hộ thấp. Do đó, phải có bảo hiểm nông nghiệp cho người trồng lúa để nông dân an tâm đầu ra”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện lúa ĐBSCL, làm bài toán: “Sản xuất lúa muốn có lãi thì diện tích trên nông hộ phải từ 3 ha trở lên và nông dân phải áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Mặt khác, phải có giải pháp tiêu thụ thông qua mối liên kết cấp vùng và “4 nhà” cùng tham gia. Do đó, phải có chính sách cho người trồng lúa để khuyến khích nông dân và có hệ thống phân phối hiệu quả và liên kết sản xuất”. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, mối liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) lâu nay chưa chặt, gây trở ngại cho việc xây dựng thương hiệu hạt gạo.

Hàng năm, cả nước mất 74.000 ha đất nông nghiệp để phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... Năm 1995, năng suất lúa đạt 3,69 tấn/ha thì đến năm 2008 tăng lên 5,22 tấn/ha, với tốc độ tăng bình quân 2,7%/năm; sản lượng tăng từ 24,96 triệu tấn (năm 1995) lên 38,6 triệu tấn năm 2008, bình quân 3,4%/năm. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo năng suất lúa năm 2009 đạt 5,35 tấn/ha.

Theo định hướng qui hoạch của Bộ NN&PTNT, diện tích đất canh tác cả nước đến năm 2010 duy trì 4 triệu ha, năm 2015 là 3,8 triệu ha, 2020 còn khoảng 3,7 triệu ha và giữ ổn định sau năm 2020 là 3,6 triệu ha/năm, trong đó lúa nước 3,2 triệu ha. Diện tích gieo trồng lúa tương ứng qua các năm là: 7,2 triệu ha; 7 triệu ha; 6,9 triệu ha và 6,8 triệu ha. Mức năng suất dự kiến tăng 1%/năm đến năm 2015 là 0,5%/năm; sản lượng dự kiến 37,2 triệu tấn, 38,6 triệu tấn; 39,4 triệu tấn; 39,6 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, cho biết: “Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, riêng vùng trồng lúa ĐBSCL cần kho dự trữ 4 triệu tấn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho Tổng công ty Lương thực miền Nam xây dựng hệ thống kho 1 triệu tấn để dự trữ thường xuyên. Hệ thống kho này đến năm 2010 sẽ đưa vào sử dụng”. Theo ông Dũng phải xem kinh doanh lương thực là nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm loại bỏ doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính, buộc doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải xây dựng kho dự trữ, đầu tư công nghệ bảo quản để nâng chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu. Điều này chỉ có doanh nghiệp mới đủ năng lực đầu tư, nông dân sản xuất nhỏ lẻ và không đủ khả năng tài chính. Việc xây dựng hệ thống kho trữ còn giúp trữ lúa chất lượng tốt, bởi vụ đông xuân phẩm chất hạt gạo tốt hơn các vụ lúa khác trong năm.

Dự báo tác động của mất đất trồng lúa kéo theo sản lượng giảm 400-500 ngàn tấn mỗi năm. Trong khi một số khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu đô thị chưa lấp đầy đã bỏ hoang, gây tổn thất về kinh tế. Diện tích lúa bị ảnh hưởng trực tiếp do nước thải, khói bụi... từ các KCN nên sâu bệnh gia tăng, năng suất giảm. Nhiều nơi không theo qui hoạch đã chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản thiếu kiểm soát đã tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, hệ lụy là năng suất lúa bị giảm 30-50% có nơi bị ô nhiễm nặng, không thể nuôi thủy sản hay tái trồng lúa. Song, tại hội thảo “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia và qui hoạch đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, nhiều ý kiến cho rằng, đảm bảo ANLT không nhất thiết phải qui định diện tích trồng lúa trên từng địa phương, mà cần dựa vào thế mạnh của địa phương và từng vùng. Tuy nhiên, trong qui hoạch phải tính đến đất cho nông nghiệp trước rồi mới tính chuyện cho công nghiệp, đô thị... đồng thời, đảm bảo dự báo cung- cầu lương thực sát với thực tế.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết