17/10/2018 - 21:35

 Hiện đại hóa kiểm soát chi 

Qua gần 2 năm triển khai thí điểm (2016-2018), việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Thơ đã có thành công bước đầu, góp phần tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình kiểm soát thanh toán.

Tính đến 30-9-2018, thành phố có 66 đơn vị đăng ký thực hiện thủ tục với KBNN Cần Thơ thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; trong đó, có 45 đơn vị đã giao dịch thành công với hàng ngàn lượt chứng từ. Đơn vị có lượng chứng từ giao dịch trực tuyến nhiều nhất là Văn phòng UBND thành phố, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng 2 TP Cần Thơ…

Ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ  kiểm tra  tình trạng xử lý hồ sơ, chứng từ trên hệ thống trực tuyến.

Ông Lưu Tiến Thắng, Trưởng phòng Kiểm soát chi KBNN TP Cần Thơ, cho biết: “Từ tháng 3-2016 đến tháng 1-2018, dịch vụ công trực tuyến của KBNN được triển khai thí điểm tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Các nghiệp vụ giao dịch trên hệ thống: thủ tục đăng ký mở và sử dụng tài khoản; đăng ký sử dụng dịch vụ công; thủ tục giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán; đăng ký rút tiền mặt. Việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, công tác mở và sử dụng tài khoản của KBNN thành phố”. Theo đó, hồ sơ, chứng từ của đơn vị được ký số và gửi trực tuyến đến KBNN. Kho bạc kiểm tra, kiểm soát và trả kết quả trên hệ thống mạng. Cách làm này đảm bảo nhanh, rút ngắn thủ tục hành chính, minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát. Đồng thời, với việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được ngay tình trạng xử lý hồ sơ, chứng từ. Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ nghiệp vụ trong quá trình thực thi nhiệm vụ: tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả.

Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ công trực tuyến góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong giao dịch với KBNN. Các đơn vị tải hồ sơ pháp lý, kê khai và lập chứng từ thanh toán theo mẫu được công bố; sau đó ký số và gửi qua mạng mà không cần đến KBNN để gửi hồ sơ. Ngoài ra, các đơn vị có thể truy cập mạng để biết thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán, như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán” hoặc “KBNN từ chối thanh toán”... 

Ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ, cho biết: Từ tháng 8-2018 đến nay, KBNN đã nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN, chuẩn bị cho công tác triển khai đến KBNN cấp huyện trên phạm vi thành phố. Dịch vụ công trực tuyến là một hình thức giao dịch điện tử hiện đại, hạn chế được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị sử dụng ngân sách (do ký duyệt bằng chữ ký số). Đồng thời, cũng giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí giao dịch do đơn vị không phải in nhiều chứng từ, hồ sơ để mang đến KBNN. Giao dịch điện tử có thể thực hiện 24/24 giờ cả 7 ngày trong tuần, rất thuận tiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách; mang tính công khai, minh bạch cao vì mọi giao dịch đều lưu lại trên hệ thống, kể cả thời điểm và tình trạng xử lý chứng từ tại các đơn vị KBNN. Qua đó, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sách nhiễu, vụ lợi của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước trong việc xử lý hồ sơ chứng từ, xử lý yêu cầu thanh toán.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn một số khó khăn, hạn chế. Một số đơn vị chưa có chữ ký số để giao dịch; một số đơn vị còn ngại thay đổi, cảm thấy không an toàn khi sử dụng chứng thư số… Bên cạnh đó, còn có đơn vị gặp khó khăn về cơ sở vật chất: hệ thống máy tính còn thiếu; máy tính cấu hình thấp; hệ thống máy móc hỗ trợ như máy scan, máy photocopy, máy in chưa đảm bảo yêu cầu để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ, cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ quy định địa bàn bắt buộc giao dịch bằng phương thức điện tử với KBNN trên Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, không thực hiện giao dịch theo phương thức truyền thống là gửi hồ sơ bằng giấy đến KBNN. Vì vậy, triển khai dịch vụ công trực tuyến là một yêu cầu cấp thiết, một nhiệm vụ quan trọng của ngành Kho bạc từ nay đến năm 2020. Cần Thơ đã có 5 quận triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại KBNN. Để hoàn thành mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử trong chiến lược phát triển ngành KBNN, từ nay đến cuối năm 2018, KBNN Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến đến 4 huyện còn lại của thành phố. Phấn đấu đến năm 2020, hình thành Quy trình kiểm soát chi điện tử, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, là cơ sở hình thành Kho bạc điện tử. 

Bài, ảnh: P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
kiểm soát chi