06/05/2024 - 13:17

Nỗ lực xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực 

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường; tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện bằng nhiều hình thức như tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, tạo diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường… Đó là các biện pháp được ngành Giáo dục TP Cần Thơ thực hiện nhằm góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Lồng ghép hoạt động phòng, tránh bạo lực học đường

Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” năm học 2023-2024, do Đoàn Trường THCS&THPT Thới Thuận (quận Thốt Nốt) tổ chức vào tháng 4-2024 đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích. Tại diễn đàn, học sinh được tuyên truyền về cách phòng chống bạo lực học đường kết hợp với phần trả lời các câu hỏi giao lưu xoay quanh chủ đề này. Phạm Mỹ Tiên, học sinh lớp 11, Trường THCS&THPT Thới Thuận cho biết em và các bạn được nghe phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra cũng như kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn. “Điều thú vị là chương trình đã chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn, nhằm lan tỏa xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh”, Mỹ Tiên chia sẻ.

Thầy cô Tổ Tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Lê Bình, thảo luận các hoạt động trong năm học 2023-2024.

Không chỉ Trường THCS&THPT Thới Thuận, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn TP Cần Thơ còn tổ chức sân chơi cho học sinh có lồng ghép nội dung phòng tránh bạo lực học đường. Một trong những điểm sáng triển khai mô hình này là Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy. Trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục quận Bình Thủy đã tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” thu hút nhiều đội thi đại diện cho các trường THCS trên địa bàn quận tham gia. Các đội tranh tài ở 3 nội dung: giới thiệu về đội tham gia, trình diễn tiểu phẩm, xử lý tình huống. Ở mỗi phần thi, bằng sự hiểu biết, thông minh, dí dỏm các đội đã trả lời những câu hỏi về phòng, chống bạo lực học đường liên quan đến quy định của pháp luật, thể hiện kỹ năng xử lý tình huống, phòng vệ để ngăn chặn bạo lực học đường và các phương pháp tham gia giải quyết, đấu tranh với hành vi bạo lực học đường… Những nội dung trong hoạt động vừa chơi, vừa học này phản ánh chân thực những tình huống đã và đang xảy ra trong môi trường học đường, đồng thời truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết diễn đàn là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường để học sinh được rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống, vun đắp tình bạn đẹp, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, bồi dưỡng nhận thức giúp các em hiểu rõ những giá trị đạo đức tốt đẹp trong việc xây dựng tình bạn đẹp của tuổi học trò, hạn chế phát sinh mâu thuẫn dẫn tới bạo lực học đường.

Chú trọng công tác tư vấn học đường

Năm học 2023-2024, Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng) có 1.545 học sinh, với 37 lớp. Học sinh THCS là độ tuổi có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, cần gia đình và nhà trường hiểu rõ để đồng hành cùng các em. Nhiều năm qua, trường dành riêng một góc nhỏ cho việc tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Em Đặng Quốc Thái, học sinh lớp 7A9, Trường THCS Lê Bình, cho biết: “Thầy cô trong Tổ Tư vấn tâm lý của trường hỗ trợ chúng em rất nhiều về học tập; hỗ trợ xây dựng tình bạn tốt hơn”. Em Lâm Kim Thiên, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Bình cho biết thầy, cô đã giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ những băn khoăn, khó khăn của lứa tuổi mới lớn thường gặp phải. Từ đó, em và các bạn nhận được những lời khuyên hiệu quả, tự tin hơn trong học tập, rèn luyện.

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Tổ Tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Lê Bình đã tư vấn, hỗ trợ cho học sinh về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến học tập, các mối quan hệ… Nhất là những thay đổi về tâm sinh lý nhằm giúp các em học sinh ổn định về tâm lý, góp phần tạo môi trường học đường thân thiện và xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình. Cô Ngô Thị Ái Vân, giáo viên, phụ trách Tổ Tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Lê Bình, cho biết: Tổ tư vấn tâm lý học đường tiếp nhận rất nhiều trường hợp cần tư vấn về tâm lý, về học tập…; hoặc những trường hợp học sinh có hành động làm tổn thương nhau. Chúng tôi phân tích và trao đổi với học sinh những hành động, những lời nói, cử chỉ nào đúng và chưa đúng. Từ đó, giúp các em tự nhận thấy, điều chỉnh lại thái độ, hành vi của mình theo chiều hướng tích cực.

Thầy Huỳnh Quang Mẫn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình, thông tin: Tổ Tư vấn tâm lý do Ban Giám hiệu trường chỉ đạo chung. Tổ có nhiều thành viên là Đoàn Thanh niên, các thành viên khác là tất cả các giáo viên chủ nhiệm lớp. Nhà trường phân công cụ thể cho giáo viên phụ trách Tổ Tư vấn tâm lý học trường. Trong nhiều khung thời gian, thầy cô có thể gặp gỡ học sinh để trao đổi chia sẻ, có biện pháp tháo gỡ gút mắc, giúp các em ổn định tâm lý lứa tuổi, học tập tốt. “Thông qua các bước tư vấn tâm lý, giải quyết tình huống… nhìn chung giúp học sinh có tiến bộ về mặt thể chất, kỹ năng, tâm sinh lý; từ đó, giúp các em tự tin, an tâm và phát triển đúng hướng trong học tập”, thầy Huỳnh Quang Mẫn đánh giá.

*       *       *

Hiện nay, 100% trường học ở TP Cần Thơ có các hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Qua đây, không chỉ giúp học sinh giải quyết những vấn đề đang gặp phải, mà còn hỗ trợ, cải thiện tốt các mối quan hệ gia đình - nhà trường - bạn bè. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động Tổ Tư vấn tâm lý học đường, các Phòng GD&ĐT quận/huyện, trường học trên địa bàn thành phố nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc thù đơn vị; từ đó góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, phòng tránh bạo lực học đường.

Ngọc Ngữ

Chia sẻ bài viết