06/05/2024 - 15:00

“Cảm ơn bạn đã không từ bỏ chính mình”
Trân trọng cuộc sống, yêu thương bản thân 

“Cảm ơn bạn đã không từ bỏ chính mình” (NXB Thế giới) là tập thơ thứ 3 của Mai Thanh Hạ, tiếp tục truyền cảm hứng cho người đọc về tinh thần lạc quan, lối sống tích cực. Đặc biệt lần này, tác giả nhấn mạnh về việc yêu thương bản thân, rũ bỏ nỗi buồn, vượt qua khó khăn để sống an yên.

Mai Thanh Hạ (sinh năm 1989 tại Bến Tre) gây ấn tượng với người yêu thơ qua 2 tập thơ trước đó: “Hãy yêu đời dẫu có trái ngang” và “Không sao mà chúng ta rồi sẽ ổn”. Với sở trường thể thơ 5 chữ và viết theo chủ đề nhất quán, các tập thơ của nữ tác giả trẻ mang đặc trưng riêng, dễ nhận diện và truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.

Tiếp tục mạch nguồn ấy, “Cảm ơn bạn đã không từ bỏ chính mình” vẫn là những vần thơ yêu đời, yêu người, lan tỏa năng lượng tích cực đến độc giả. Đặc biệt, lần này, 90 bài thơ không có tựa đề mà chỉ đánh số từ 1 đến 90. Điểm mới là bên cạnh các bài thơ còn có các lời nhắn được trình bày song song: 1 bài thơ kèm với 1 lời nhắn. Chẳng hạn, bài thơ số 22 nói về cách vượt qua trắc trở, bể dâu cuộc đời thì đồng thời, lời nhắn số 22, tác giả viết: “Đừng vì một chút bão giông mà nghĩ rằng cuộc đời này toàn là giông bão. Đời người phải đi qua vài cơn bão, ta mới biết trân quý những ngày nắng vàng ươm. Giông bão vốn dĩ cũng chỉ là một phép thử mà cuộc đời đưa đến, để xem cách chúng ta đón nhận mọi thứ như thế nào và bản lĩnh của chúng ta tới đâu thôi” (trang 47).

Do đó, giữa những xô bồ, Mai Thanh Hạ thể hiện rất rõ quan điểm sống của mình:

“Tôi không chê ngày nắng

Cũng chẳng ghét ngày mưa

Không bận tâm lo lắng

Không kiếm cớ đổ thừa

 

Tôi yêu điều tốt xấu

Tập buông bớt muộn phiền

Không bận lòng tranh đấu

Mà chỉ chọn bình yên” (trang 30).

Và khi gặp khó khăn, sóng gió, cô cũng không lùi bước hay nhụt chí mà luôn tự an ủi, động viên bản thân:

“Có một tôi cố gắng

Bước qua những sai lầm

Luôn vực mình đứng dậy

Sống đẹp đời trăm năm” (trang 12).

Tinh thần lạc quan ấy được lan tỏa tới mọi người bằng những lời khuyên chân thành, những lời chia sẻ đầy thấu hiểu về niềm vui, nỗi buồn, về tình yêu, cũng như cách giải quyết những chán chường, bế tắc... Đó là:

“Bỏ bớt đi phiền não

Lau sạch hết bụi lòng

Đời thật, đừng sống ảo

Tập quan sát, được không?” (trang 168).

Hay:

“Hãy nhìn lên trời rộng

Em sẽ thấy đỡ buồn

Buông bớt điều kỳ vọng

Nhìn đời bằng mắt thương” (trang 4).

Thậm chí, khi bí bách, cùng đường, thì hãy:

“Về ăn cơm mẹ nấu

Ngồi trò chuyện cùng ba

Bởi chẳng nơi nào thấu

Bằng nơi gọi là nhà

 

Chúng ta rồi sẽ ổn

Và hạnh phúc, biết không

Chúng ta rồi sẽ ổn

Xin em cứ yên lòng” (trang 56).

Kèm với đó là lời dặn dò, nhắn nhủ:

“Nhớ phải thương mình nhé

Đừng mang vác quá nhiều

Thanh xuân thời tuổi trẻ

Đâu vĩnh hằng, em yêu?” (trang 22).

Cứ thế, tác giả cứ nhẹ nhàng thủ thỉ những lời hay ý đẹp, những động viên khuyến khích giúp vực dậy tinh thần những ai đang mỏi mệt, gục ngã trước thử thách, khó khăn của cuộc sống để không từ bỏ chính mình, không từ bỏ ước mơ, khát vọng. Hầu hết các bài là ý thơ độc lập, một số ít bài nối tiếp nhau về tư tưởng, đề tài. Thể loại thơ cũng phong phú hơn khi bên cạnh sở trường thơ 5 chữ, còn có thơ lục bát, tự do… Dù là thể loại gì, đề tài nào thì những vần thơ vẫn toát lên sự tươi trẻ, năng động và nhân sinh quan tươi sáng.

Khép sách lại, lời nhắn gửi của tác giả ở trang thơ cuối cùng sẽ khiến người đọc suy ngẫm và đồng ý, bởi:

“Chắc gì người không khổ?

Chắc gì người an vui?

Chúng ta hơn nhau chỗ

Biết kiếm cớ để cười” (trang 190).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết