08/04/2009 - 21:53

Vun đắp những ước mơ xanh

Mỗi người nuôi một ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai nhưng các bạn trẻ mà tôi gặp có điểm chung: vừa làm, vừa kiếm tiền ăn học. Có người vì gia cảnh nghèo khó phải vất vả, lăn lộn với cuộc mưu sinh; có người muốn rèn luyện lập thân, chuẩn bị hành trang cho công việc tương lai... Vất vả nhưng các bạn trẻ luôn tin tưởng, qua lao động, các bạn sẽ học tập và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu cho nghề nghiệp sau này...

Có lần tôi hỏi Lê Hải Toàn, sinh viên năm thứ ba (K32) ngành
Điện tử viễn thông (Khoa Công nghệ) Trường Đại học Cần Thơ: “Hồi còn học phổ thông, ngoài giờ học, em còn đi vác lúa mướn, kéo cá mướn...?”. Toàn lặng người một chút rồi nói: “Em biết mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để vượt qua những khó khăn...”.

Lê Hải Toàn (người ngồi bên bìa phải ảnh) đang họp nhóm tiếp sức mùa thi năm 2008. Ảnh: HOÀNG HẢI HÀ 

Quê ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), Hải Toàn là con áp út trong gia đình có 7 anh chị em. Tốt nghiệp THPT năm 2006, thi đậu cùng lúc vào 2 ngành của Trường Đại học Cần Thơ, Toàn chọn học ngành Điện tử viễn thông do sở thích và khả năng của mình. Những ngày đầu tiên đến Cần Thơ, Toàn đạp xe qua từng con đường để tìm việc ở các quán ăn uống. Và rồi Toàn đã tìm được việc làm tại quán nước ở công viên Lưu Hữu Phước, quán cơm ở đường Mậu Thân và Nguyễn Việt Hồng. Vài tháng sau, Toàn đăng ký vào Câu lạc bộ gia sư và nhận dạy kèm 3 học sinh cấp 2 và cấp 3. Mỗi tuần dạy 3 buổi, những buổi tối còn lại học Anh văn; những giờ ban ngày không lên lớp, Toàn tranh thủ đi chạy bàn cho các quán. Toàn nói: “Có lúc em tưởng mình phải bỏ cuộc vì chưa quen với lịch làm việc, học tập dày đặc, cách ứng xử trong giao tiếp với nhiều người... nhưng qua đó đã giúp cho em rèn luyện tính vượt khó”.

Toàn từng giữ nhiệm vụ Liên chi trưởng Liên chi hội Sinh viên TP Cần Thơ trực thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (2 nhiệm kỳ). Tháng 2-2009, Toàn được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ của một đảng viên (Toàn được kết nạp đảng tháng 11-2007), vai trò của Ủy viên Thường vụ Đoàn khoa Công nghệ, Toàn đã sắp xếp thời gian thật chặt chẽ để có thể hoàn thành tốt mọi mặt công tác mà vẫn đảm bảo việc học. Mặc dù thời gian làm việc và học tập kín mít nhưng Lê Hải Toàn luôn giữ vững kết quả là một trong những sinh viên đạt điểm học tập đứng đầu lớp. Từ học kỳ 2 năm thứ nhất đến nay, Toàn đều nhận được học bổng khuyến khích của Trường Đại học Cần Thơ (dành cho những sinh viên đạt loại khá giỏi đứng đầu trong tốp 5-10 sinh viên của lớp). Cũng với thành tích học tập này, Toàn đã nhận được học bổng Văn hóa Thụy Sĩ.

 Đỗ Hải Âu (người đứng bên trái) đang làm thêm tại quán cà phê bar Hợp Phố. Ảnh: XUÂN QUYÊN

Từ đầu năm học 2008-2009, Hải Toàn bớt việc làm thêm để tập trung học tập và công tác Đoàn, Hội. Do vậy, em đã phải hết sức tiện tặn chi tiêu bởi mọi khoản chi phí ngày càng cao, trong khi thu nhập làm thêm của Toàn đã giảm nhiều. Hải Toàn cho biết: “Em ước muốn khi học xong đại học sẽ học tiếp lên cao học, nhưng với điều kiện kinh tế gia đình hiện nay... có thể em sẽ đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Nhật một thời gian, sau đó quay về học tiếp”.

Đỗ Hải Âu, sinh viên năm thứ hai lớp Du lịch Trường Đại học Tây Đô, đã đi làm thêm từ năm nhất. Quê Hải Âu ở Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Mới đầu, Hải Âu được một người bạn giới thiệu đến làm ở một quán ăn gia đình, được hơn 3 tháng thì Hải Âu xin vào làm ở một quán cà phê nhạc sống trên đường Quang Trung (khu Nam Cần Thơ). Với thu nhập 500.000 đồng/tháng, làm từ 18 giờ đến hơn 22 giờ đêm, riêng 2 đêm trực trong tuần có khi đến 24 giờ mới được về. Hải Âu làm ở đây khoảng 10 tháng.

Vừa rồi, Hải Âu xin vào làm ở quán cà phê bar Hợp Phố trên đường Ngô Gia Tự, phấn khởi vì thu nhập khá hơn trước. Ở đây có đông sinh viên làm thêm. Các bạn được nhận làm ca đặc biệt: từ 18 giờ đến khoảng 22 giờ đêm. “Gọi là ca đặc biệt bởi quán chỉ có 2 ca: từ sáng đến 14 giờ 30 và từ 14 giờ 30 đến tối. Thông cảm cho hoàn cảnh của sinh viên nên chủ quán cho tụi em làm ca đặc biệt này” - Hải Âu nói.

Những năm học cấp 3, Hải Âu nuôi ước mơ học ngành báo chí. Nhưng vào đại học, Hải Âu học ngành du lịch và tìm thấy những cái hay riêng. Hải Âu xác định việc chạy bàn hiện nay là cơ hội thực tập để em có được những kinh nghiệm cho nghề nghiệp sau này. Do vậy, Hải Âu không nản lòng dù có những lúc gần như đuối sức, nhất là vào cao điểm những kỳ thi. Hải Âu được các bạn sinh viên biết đến như một “cây văn nghệ” của lớp, thỉnh thoảng các bạn trẻ tham gia hát với nhau tại các quán cà phê, tạo ra những giây phút thư giãn thoải mái, giúp các bạn trẻ cân bằng tâm lý giữa việc học, việc làm và giải trí.

Hải Âu nuôi mơ ước sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm hướng dẫn viên du lịch hoặc làm việc ở nhà hàng, khách sạn. Giờ đây, mỗi ngày Hải Âu vẫn đạp xe từ nhà trọ (gần cầu Cái Răng) đến nơi đi làm, với đoạn đường khoảng 6 km. Còn từ nhà trọ đến chỗ em học (Trường Đại học Tây Đô) cũng khoảng 5km. Nhờ được vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên nên ba mẹ em đỡ vất vả lo tiền học phí. Về phần tiền ở trọ hơn 200.000 đồng/tháng, rồi tiền ăn (chủ yếu ăn sáng và cơm trưa), tiền mua giáo trình học tập... Hải Âu tự lo bằng tiền đi làm thêm và tiền của người chị ruột gởi cho vài trăm ngàn mỗi tháng.

Có những bạn trẻ, ý thức được việc chia sẻ trách nhiệm với gia đình, vừa học vừa làm thêm kiếm tiền từ tuổi thiếu niên. Đó là trường hợp Phạm Trọng Hữu, ở ấp 1, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Mới đến Cần Thơ luyện thi đại học, Hữu đã biết sắp xếp nhận chạy bàn ở quán nhậu trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Ninh Kiều. Hữu có dáng người thấp, trông ốm yếu, nhỏ con. Vậy mà hồi còn ở U Minh, hầu như mọi việc trong nhà, Hữu đều gánh vác tiếp với cha mẹ. Hữu là con trai cả, có 4 đứa em (2 em đang học lớp 10, em kế út học lớp 3 và em út học mẫu giáo), ý thức được vai trò anh lớn phải làm gương cho các em, nên Hữu luôn gánh vác công việc cùng cha mẹ từ đồng áng đến việc nhà, dạy dỗ chăm sóc các em...

 Phạm Trọng Hữu trong giờ làm thêm tại một quán nhậu trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: THÙY TRANG

“Những ngày mới đến Cần Thơ em đã có suy nghĩ phải đi tìm việc làm thêm để đỡ phần nào cho cha mẹ, trang trải được chi phí học tập, ba mẹ khỏi phải mượn tiền bên ngoài” - Hữu nói. Công việc của Hữu là chạy bàn cho một quán nhậu. Biết được Hữu vừa làm, vừa học luyện thi nên ông chủ quán thông cảm cho em được chọn giờ đi làm từ 16 giờ đến tối (hôm nào học buổi chiều có thể đến trễ hơn). Đặc thù của quán này là làm đến khi nào hết khách mới được về. Vì vậy, có những hôm khuya lắc khuya lơ, Hữu mới đạp xe về nhà. Thời gian làm việc vất vả như vậy nhưng Hữu cố gắng sắp xếp để mỗi buổi sáng xem thời sự trên ti vi và ôn bài vào những lúc có giờ trống.

Người dì bà con của Hữu cho biết, thật ra Hữu đã làm thêm từ kỳ nghỉ hè của 2 năm học lớp 10, 11. Hữu cho biết em sẽ cố gắng học để thi vào ngành Cử nhân ngữ văn của Trường Đại học Cần Thơ, nuôi ước mơ trở thành nhà báo.

Dù hôm nay phải lao động hết sức vất vả, vừa kiếm tiền trang trải chi phí học tập, vừa nỗ lực học tốt nhưng các bạn trẻ mà tôi đã gặp không hề nản chí. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng các bạn đã ý thức được trách nhiệm đối với bản thân và gia đình: phấn đấu lao động, học tập tốt, trở thành những công dân có ích. Thật đáng quí biết bao những tấm gương sáng ấy, các bạn không mặc cảm, tự ti, không than thân trách phận mà cố hết sức để vươn lên, khẳng định mình bằng ý chí và sự vượt khó của bản thân. Chia sẻ niềm vui và niềm tin với các bạn trẻ ấy, tôi thấy tự hào và tin chắc rằng, những thanh niên biết vun đắp ước mơ ấy sẽ có một tương lai xáng lạn, chỉ cần các bạn vững vàng đi tới.

XUÂN QUYÊN

Chia sẻ bài viết