22/05/2019 - 07:32

Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá xây dựng nông thôn mới 

Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, giúp nông dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn.

Mô hình trồng nhãn Idor theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Phong Điền.

► Cải thiện đời sống

Một trong những mục tiêu trọng tâm quá trình xây dựng NTM là phát triển sản xuất. Trong đó quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn các hoạt động trên với việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM, thành phố đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa và thu nhập ổn định. Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Các địa phương chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc áp dụng khoa học công nghệ, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt nông dân mạnh dạn liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Kết quả áp dụng, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã giúp các địa phương hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo lợi thế địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, Cần Thơ đã có nhiều diện tích trồng lúa, rau màu và cây ăn trái được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và GlobalGAP. Hiện toàn thành phố có hơn 273,7ha lúa, 101,65ha cây ăn trái, hơn 10,2ha rau và khoảng 214,75ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP... Cùng với đó, mô hình cánh đồng lớn khởi điểm từ 400ha vào năm 2011 tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay được mở rộng tại các địa phương có sản xuất lúa với diện tích khoảng 20.000ha/vụ… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Anh Nguyễn Thanh Tiếng, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “3 năm qua, nhờ được cán bộ ngành nông nghiệp vận động cải tạo vườn tạp trồng bưởi da xanh, cam xoàn, 7 công đất vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế. Áp dụng kỹ thuật trồng trọt từ các buổi tập huấn, hội thảo, như: giảm phân thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp, xử lý cho trái quanh năm… giúp giảm chi phí, cho thu nhập quanh năm. Làm ăn có hiệu quả, năm nay tôi mạnh dạn thuê thêm 5 công đất mở rộng diện tích trồng trọt…”.

Theo chia sẻ của chú Lâm Văn Tính ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, trồng nhãn Idor theo đúng kỹ thuật cho hiệu quả cao gấp 5-7 lần trên cùng diện tích sản xuất lúa. Thu nhập tăng, đời sống cải thiện, chú tích cực đóng góp theo khả năng cùng địa phương xây dựng NTM…

► Tạo đột phá

Khoa học công nghệ “đi trước một bước” tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần phục vụ đắc lực mục tiêu xây dựng NTM. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất tại khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do một số nông hộ vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nguồn kinh phí hạn chế; một số địa phương và người dân chưa chủ động, sẵn sàng trong việc tiếp thu các mô hình ứng dụng khoa học đã thành công để nhân rộng sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn…

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, áp dụng đúng quy trình. Vì vậy, một số nông dân quen lối canh tác cũ, còn tâm lý “ngại” tham gia… Dù vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, tiến đến huyện NTM…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Phong Điền hướng đến xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM. Vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng chỉ đạo các địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, TP Cần Thơ đã và đang đề ra nhiều kế hoạch, chương trình tiếp tục tạo bước đột phá mới về nghiên cứu, chuyển giao trong sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, trong đó chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa cũng như thu nhập cho người dân. Đây là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng bền vững NTM…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết