07/03/2014 - 21:22

Ukraina cận kề nguy cơ tan rã

Người biểu tình thân Nga vẫy cờ xứ bạch dương sau khi tấn công một trụ sở chính quyền tại Donetsk hôm 5-3.
Ảnh: CNN

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), giới lãnh đạo Nga tuyên bố ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân của CH tự trị Crimea với nguyện vọng bán đảo này vào LB Nga ngày 16-3 tới.

Nghị viện Crimea hôm 6-3 đã thông qua nghị quyết trưng cầu ý dân để trở thành một phần thuộc LB Nga và coi các quân nhân Ukraina trên bán đảo như những "kẻ xâm chiếm" và buộc phải hạ vũ khí hoặc rời khỏi đây. Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov cho biết hôm qua, một phái đoàn nghị sĩ Crimea đã tới Mát-xcơ-va để thảo luận với Quốc hội Nga về vấn đề cấp thị thực cho người dân Crimea trong trường hợp CH này sáp nhập với LB Nga.

Nga hậu thuẫn quyết định của Crimea

Theo hãng tin Ria Novosti, hội đồng nhân dân thành phố cảng tự trị Sevastopol cũng đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga, động thái càng củng cố thêm khả năng ly khai chính thức khỏi Ukraina của cộng đồng nói tiếng Nga tại bán đảo Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương, đông đảo người dân hô vang các khẩu hiệu ủng hộ, giơ cao cờ Nga và Crimea hôm 6-3. Tuy nhiên, quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov cho biết quốc hội Ukraina bắt đầu giải thể nghị viện Crimea như bước đi cần thiết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước. Ngoài ra, ông Turchynov còn tuyên bố đã đình chỉ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế của Crimea. Trước đó, Thủ tướng tạm quyền Ukraina Arseny Yatsenyuk mô tả động thái của các nhà lập pháp Crimea là "phi pháp" và cáo buộc Nga phá hoại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Ông Yatsenyuk cho biết thêm đã đề xuất Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc họp tại Thủ đô Kiev. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cùng các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, ông Yatsenyuk tin tưởng cuộc họp có thể tăng cường hơn nữa quan hệ giữa khối quân sự này và Ukraina, nhất là vấn đề viện trợ quân sự.

Trong khi đó tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là "vi hiến và vi phạm luật pháp quốc tế". Dẫn nguồn từ Nhà Trắng, hãng tin BBC còn cho biết ông Obama đã có cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin để kêu gọi Mát-xcơ-va tìm đối sách ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Theo lãnh đạo nước Mỹ, động thái của Mát-xcơ-va tại Crimea trên thực tế đã xâm phạm đến chủ quyền của Ukraina. Do đó, ông chủ Nhà Trắng đề xuất biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay cho các bên là tổ chức đối thoại, triển khai các nhóm kiểm soát quốc tế nhằm ổn định tình hình Crimea và thu hồi lực lượng Nga tại đây. Đáp lại, Tổng thống Nga cho biết chính ban lãnh đạo lâm thời tại Kiev mới là "thành phần bất hợp pháp" và nước Nga không thể bỏ mặc Crimea mà không đáp lời giúp đỡ. Chủ tịch Thượng viện Nga, bà Valentina Matvienko hôm qua tuyên bố nghị viện Crimea có quyền tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của vùng lãnh thổ này và nếu người dân nơi đây muốn gia nhập Nga thì cơ quan này dĩ nhiên sẽ ủng hộ.

Phản ứng sau phát biểu của chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy nói rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraina là nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau cuộc chiến tranh Balkan, hãng tin ITAR-Tass của Nga bình luận quan chức cấp cao của EU bỏ qua chi tiết là cuộc chiến tranh Balkan đã kết thúc bằng các đợt ném bom của NATO xuống Serbia vào năm 1999 và sau đó Kosovo đơn phương tuyên bố ly khai được EU công nhận.

Mỹ, EU thông qua biện pháp trừng phạt Nga

Kết thúc cuộc họp khẩn về tình hình Ukraina hôm 6-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán về vấn đề thị thực và kinh tế với Nga, đồng thời đe dọa sẽ có các biện pháp cụ thể nếu nước này tiếp tục có các động thái liên quan đến tình hình bán đảo Crimea.

Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ thì phê chuẩn các biện pháp trừng phạt các cá nhân Nga và gói viện trợ cho Ukraina. Trong số các biện pháp trừng phạt có việc hạn chế cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ hoặc hủy bỏ các thị thực nhập cảnh đối với những người đã được cấp. Sắc lệnh của Nhà Trắng cũng yêu cầu phong tỏa tất cả tài sản ở Mỹ của những cá nhân và thực thể "làm suy yếu định chế dân chủ, chiếm dụng tài sản hoặc đe dọa chủ quyền của Ukraina". Sắc lệnh của Nhà Trắng không liệt kê tên bất kỳ cá nhân và thực thể nào, nhưng theo ông Obama "các biện pháp trừng phạt này của Mỹ được thực thi trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu". Trong khi đó, Hạ viện Mỹ thông qua gói bảo lãnh tín dụng 1 tỉ USD cho Ukraina.

Bất chấp lệnh cấm vận trên, phát biểu tại New York (Mỹ) sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin tiếp tục khẳng định Nga kiên quyết không chấp nhận đối thoại với chính phủ lâm thời tại Ukraina và cho rằng thực thi thỏa thuận ngày 21-2 là giải pháp cho khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này. Theo ông Churkin, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là "con dao hai lưỡi" và "vô ích".

ĐƯỜNG THẤT (Tổng hợp)

Giới tài phiệt Ukraina được làm lãnh đạo

Trong một động thái bất ngờ, chính phủ tạm quyền Ukraina đã đồng ý bổ nhiệm ít nhất hai nhà tài phiệt giữ ghế lãnh đạo các vùng miền Đông vốn ủng hộ Nga mạnh mẽ. Cụ thể, tỉ phú kim loại, ngân hàng và truyền thông Ihor Kolomoisky làm thống đốc vùng quê hương Dniporpetrovsk, trong khi "đại gia" công nghiệp và bóng đá Serhiy Taruta "trấn giữ" Donetsk. Sự lựa chọn này được cho nhằm duy trì sự thống nhất của Ukraina trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân ủng hộ Nga đụng độ với cảnh sát địa phương, còn bán đảo Crimea xúc tiến kế hoạch sáp nhập vào Nga. Chính quyền Kiev hy vọng giới doanh nhân giàu có sẽ dùng tiền bạc và ảnh hưởng của họ để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và qua đó duy trì hoạt động kinh tế bình thường. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đây là quyết định mạo hiểm, bởi các nhà tài phiệt có thể sử dụng vị thế mới để thâu tóm lợi ích riêng.

V.P (Theo AP)

Người biểu tình thân Nga vẫy cờ xứ bạch dương sau khi tấn công một trụ sở chính quyền tại Donetsk hôm 5-3. N

Chia sẻ bài viết