15/01/2019 - 19:55

Úc củng cố ảnh hưởng ở Thái Bình Dương 

Chuyến thăm mang tính bước ngoặt đến 2 đảo quốc Thái Bình Dương Vanuatu và Fiji từ ngày 16 đến 18-1 của Thủ tướng Úc Scott Morrison (ảnh) nằm trong kế hoạch củng cố và tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Canberra trước việc Trung Quốc hiện diện ngày càng tăng trong khu vực.

Ảnh: AFP

“Chuyến đi sẽ tập trung vào các mối quan hệ đối tác an ninh, kinh tế và văn hóa” - Trợ lý Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Anne Ruston cho biết. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Úc thăm chính thức Fiji và đến Vanuatu kể từ năm 1990. Trước đây, các đời Thủ tướng Úc chủ yếu tới đây để tham dự hội nghị Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Theo cựu Cao ủy Úc tại đảo quốc Solomons James Batley, chuyến đi của ông Morrison là tín hiệu quan trọng phản ánh kế hoạch của Canberra tái tập trung quyền lực tại khu vực “sân sau” vốn đang bị thách thức bởi những nhân tố mới như Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Jonathan Pryke tại Viện Lowy cho rằng hành động này là cần thiết nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ, rằng Úc đang nghiêm túc thực hiện các cam kết củng cố quan hệ khu vực. Là đối tác thương mại và nhà tài trợ lớn nhất, Úc đang cảm thấy bất an trước việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên các quần đảo Thái Bình Dương có thể đe dọa lợi ích của Canberra. Đặc biệt, viễn cảnh Bắc Kinh theo đuổi việc xây dựng căn cứ quân sự làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh ở Thái Bình Dương buộc các thế lực truyền thống như Úc, New Zealand cùng Mỹ phải tìm cách đối phó.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, chính quyền Morrison năm ngoái đã công bố một loạt sáng kiến quan trọng như một phần của chiến lược “Bước tiến Thái Bình Dương”. Kế hoạch này bao gồm gói viện trợ không hoàn lại và cho vay trị giá hàng tỉ USD, bổ sung các chức vụ ngoại giao mới tại Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp, Quần đảo Marshall, Niue và Palau, tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực với căn cứ hải quân chung trên đảo Manus (Papua New Guinea) song song các cuộc họp thường niên giữa lực lượng an ninh. Để duy trì quyền lực mềm, Úc còn cam kết phát sóng thêm nhiều chương trình truyền hình địa phương trong khu vực.

Trong chuyến thăm Vanuatu lần này, ông Morrison dự kiến khánh thành trường đại học cảnh sát được nâng cấp bằng tiền viện trợ của Úc và tuyên bố hoàn tất đàm phán hiệp ước an ninh song phương. Giới quan sát khu vực cũng theo dõi chặt chẽ hoạt động của lãnh đạo Úc tại Fiji. Năm ngoái, Canberra đã đánh bại Trung Quốc khi trở thành nước tài trợ duy nhất cho dự án tái phát triển Trại Black Rock. Cơ sở này đang chuyển đổi thành nơi huấn luyện các lực lượng quốc phòng và nhiều khả năng dùng làm trung tâm Đại học An ninh Úc Thái Bình Dương, đào tạo sĩ quan cấp cao và quan chức cho khu vực. Theo kênh ABC, chính quyền Úc hy vọng hệ thống này giúp xây dựng đội ngũ hướng về Canberra để đảm bảo an ninh thay vì lựa chọn quốc gia khác. Ngoài quân sự, chuyến đi của Thủ tướng Morrison còn gồm mục tiêu thúc đẩy kinh tế bởi Fiji giống như Papua New Guinea đến nay vẫn từ chối tham gia PACER Plus - hiệp định thương mại tự do Thái Bình Dương ký kết giữa Úc, New Zealand với 12 quốc gia trong vùng. Nếu thuyết phục thành công Thủ tướng Frank Bainimarama, đây sẽ là xung lực đáng kể đối với ông Morrison trong chiến lược Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Jonathan Pryke, Úc gần đây đang gặp khó để đảm bảo mối quan hệ đi đúng hướng trong bối cảnh lãnh đạo các quần đảo Thái Bình Dương nhận thức rõ vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh chiến lược mới để giành lấy sự nhượng bộ và đầu tư từ các cường quốc.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết