16/01/2011 - 10:02

Tunisie: Tổng thống ra đi,
Thủ tướng lên nắm quyền

Bạo loạn bùng phát khắp Tunisie (ảnh nhỏ: Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali vẫy tay từ biệt người dân). Ảnh: Guardian

Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã hoàn toàn mất quyền điều hành đất nước và phải chạy lánh nạn ở một nước khác hôm 14-1 khi tình hình bất ổn ở Tunisie vẫn đang sôi sục.

Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo từ năm 1987 của quốc gia Bắc Phi này tuyên bố sẽ không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 6 vào năm 2014. Tuy nhiên, động thái này vẫn không đủ làm lắng dịu làn sóng biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp và giá lương thực tăng cao không ngừng lan rộng. Ngày 14-1, bất chấp việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm 12 giờ/ngày, cũng như lệnh cấm tụ tập đông người trên đường phố, hàng ngàn người vẫn xuống đường đòi Tổng thống Ben Ali từ chức ngay lập tức. Những người biểu tình ngày càng trở nên quá khích sau khi có thêm 13 người biểu tình thiệt mạng trong đêm 13-1, mặc dù trước đó chính phủ hứa ngừng sử dụng đạn thật để giải tán biểu tình. Theo một báo cáo không chính thức, ít nhất 70 người đã thiệt mạng từ khi xảy ra bạo loạn tại Tuinisie ngày 17-12.

Trước sức ép và sự phản đối của dân chúng, Tổng thống Ben Ali tuyên bố từ chức, kết thúc 23 năm cai trị đất nước. Hôm qua, Quốc vương Abdullah của Arabie Séoudite xác nhận ông Ben Ali và gia đình đã tới Thủ đô Riyadh và được “Arabie Séoudite chào đón”. Trong khi đó tại Tunisie, Thủ tướng Mohammed Ghannouchi tuyên bố tiếp quản đất nước trong vai trò Tổng thống lâm thời, hứa sẽ tôn trọng hiến pháp và sớm khôi phục sự ổn định ở nước này.

Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Tunisie quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali. Theo Hiến pháp nước này, Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm trách quyền điều hành đất nước.

HOÀNG ĐIỂU
(Theo Guardian, Telegraph)

Ông Ben Ali là tổng thống thứ hai của Tunisie. Ông được coi là nhà lãnh đạo có công cải cách nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Kể từ khi ông lên nắm quyền, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng gấp hơn ba lần, từ 1.201 tỉ USD năm 1986 lên 3.786 tỉ USD năm 2008. Năm 2010, nền kinh tế Tunisie được nhìn nhận là một trong những “Con hổ” của châu Phi.

(TTXVN)


Chia sẻ bài viết