27/09/2009 - 21:37

Trường Thành khơi dậy sức dân

Xã Trường Thành, huyện Thới Lai, là một xã ngoại thành của TP Cần Thơ, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ Đảng bộ lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở, đã phát huy được nội lực nhân dân, tích cực góp phần cùng chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Có mặt trên công trình xây dựng tuyến lộ kinh Cả Túc (KH8) xã Trường Thành, chúng tôi như hòa mình vào không khí làm việc phấn khởi, sôi nổi. Một số cán bộ ấp và nhân dân có mặt tại công trình để giám sát quá trình thi công. Bà Võ Thị Năm, người dân ấp Trường Bình, nói: “Trước khi công trình thi công, tôi tham dự họp dân đã nghe cán bộ ấp, xã công bố quy cách xây dựng, bề dày mặt đường... nên bà con dễ giám sát lắm. Thấy chỗ nào làm không đúng là chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công phải làm lại”. Theo ông Nguyễn Võ, người dân ấp Trường Bình, con đường KH8 trước đây là đường đất, mưa xuống lầy lội rất khó đi, trẻ em đi học thường xuyên bị té ướt hết tập vở. Để vận động bà con đóng góp xây dựng tuyến đường này, chính quyền xã, ấp tổ chức họp dân lấy ý kiến, khi bà con đồng thuận mới lập kế hoạch, nêu cụ thể cách làm, mức đóng góp của từng hộ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ khó khăn có khả năng thực hiện, các cán bộ xã, ấp đứng ra bảo lãnh với thầu cho bà con trả chậm, những trường hợp được miễn, giảm... đều do nhân dân xem xét, quyết định. Ông Nguyễn Võ bộc bạch: “Chính cách làm công khai, dân chủ của chính quyền nên đa số bà con đều đồng thuận, không chỉ đóng góp tiền và tham gia giám sát, một số hộ còn tự nguyện đốn cây, gia cố những đoạn sạt lở. Như gia đình tôi, ngoài việc góp gần 7 triệu đồng làm đường còn thuê xáng cạp đất kè 2 đoạn bị sạt lở cho kiên cố và đốn bỏ những cây bạch đàn, xoài để con đường thẳng, đẹp hơn”.

Công trình xây dựng tuyến lộ kinh Cả Túc (KH8) xã Trường Thành, huyện Thới Lai được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.  

Không chỉ riêng công trình KH8, ở những tuyến đường mới thi công khác của xã Trường Thành, bà con đều tỏ ý hài lòng về cách làm công khai, dân chủ của chính quyền địa phương. Đồng chí Cao Thanh Vũ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC xã Trường Thành, cho biết: “Nhờ đổi mới cách làm việc theo hướng dân chủ đã giúp xã Trường Thành có sự chuyển biến rõ nét trong công tác vận động nhân dân, nhất là trong công tác xây dựng đường giao thông. Những năm trước đây, mỗi năm xã chỉ thực hiện từ 5.000 đến 8.000 mét đường bê tông, nhưng làm ì ạch lắm! Rút kinh nghiệm những năm trước, cán bộ xã, ấp tăng cường tuyên truyền, vận động và lắng nghe ý kiến của bà con để có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện bà con đóng góp làm giao thông. Trước đây, với phương thức Nhà nước 60%, dân 40% thì cứ theo đó mà thực hiện, nhưng nay có cái mới là tùy theo khả năng của từng hộ mà có mức đóng góp khác nhau. Nhất là những hộ khá thì vận động bà con góp 100% để phần Nhà nước hỗ trợ cho những hộ nghèo, chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì cách làm ấy mà từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện được hơn 16.000 mét; trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,6 tỉ đồng”.

Trong nhiều hoạt động, phong trào ở cơ sở, Đảng ủy xã Trường Thành coi việc phát huy dân chủ là yếu tố then chốt. Ông Trương Văn Đấu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thành, cho biết: “Khi triển khai vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Do quen sản xuất theo truyền thống nên một số bà con băn khoăn không biết chuyển sang mô hình mới hiệu quả như thế nào. Để bà con tin tưởng, ứng dụng khoa học và các mô hình sản xuất mới, bên cạnh việc phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội còn tổ chức tham quan học tập, tìm những mô hình kinh tế mới hiệu quả để triển khai trong hội viên... Trong những lần sinh hoạt Hội, cán bộ Hội cũng ghi nhận những ý kiến, kinh nghiệm của các hội viên, trên cơ sở đó nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả thì truyền đạt, nhân rộng cho các hội viên khác cùng nhau học tập. Trước tiên, Hội chọn những nông dân sản xuất giỏi, có uy tín, vận động họ áp dụng mô hình mới, đạt hiệu quả thì sẽ dễ vận động những bà con khác làm theo”. Đến nay, toàn xã có 890 hộ đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó có nhiều hộ đạt mức thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên, như mô hình trồng sầu riêng của ông Phạm Văn Đực; mô hình trồng cây vú sữa, cây cóc của ông Nguyễn Long Phụng; mô hình nuôi gà thả vườn, ếch, làm ruộng, làm dịch vụ nông nghiệp của các đảng viên Nguyễn Văn Châu, Trương Văn Dễ, Trần Hoàng Sương... Tôi đến nhà ông Phạm Văn Đực (Út Đực) ở ấp Trường Thạnh, đúng vào lúc gia đình ông đang cất lại nhà sau và chuồng heo. Ông Út Đực phấn khởi khoe: “Gia đình vừa bán 20 con heo thịt cộng với tiền tích lũy từ trồng sầu riêng nên dự định đầu tư cất lại nhà và chuồng heo hơn 120 triệu đồng”. Theo ông Út Đực, qua học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình làm ăn hiệu quả, cộng với sự vận động của Hội Nông dân, ông quyết định chuyển từ trồng cam mật sang trồng sầu riêng và đạt hiệu quả cao. Trong lúc sầu riêng chưa phát tàn, ông trồng xen chuối, vú sữa, mít... nên lúc nào vườn nhà ông Ut Đực đều cho huê lợi. Từ sầu riêng, chăn nuôi heo đã cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Về ấp Trường Thắng, chúng tôi nghe bà con nhắc nhiều đến hiệu quả hoạt động tổ hùn vốn của các hội viên Hội Nông dân ấp. Tổ có 17 thành viên, để hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, năm 2000 các hội viên đã thành lập tổ hùn vốn, ban đầu mức đóng góp chỉ có 5.000 đồng/ người/ tháng. Thấy phát huy hiệu quả, tổ đã nâng lên 30 ngàn đồng/tháng. Từ năm 2000 đến nay, có 108 lượt thành viên trong tổ được vay vốn xoay vòng và có 10 hộ sử dụng vốn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hiệp, thành viên tổ hùn vốn Chi Hội Nông dân ấp Trường Thắng, nói: “Mặc dù số tiền ít, nhưng tổ quản lý rất rõ ràng, mức đóng góp, lãi suất, chu kỳ vay, sử dụng lãi... đều do các thành viên trong tổ quyết định. Nhờ đồng vốn của Tổ mà những năm qua gia đình tôi không phải vay nóng bên ngoài, an tâm đầu tư chăn nuôi heo, nuôi cá lóc... cải thiện cuộc sống gia đình”. Ông Trần Văn Châu, Tổ Trưởng Tổ hùn vốn ấp Trường Thắng, bộc bạch: “Tiền bạc phải minh bạch, rõ ràng mới tạo được niềm tin cho mọi người! Không chỉ vậy, những đồng vốn vay đều được anh em hội viên theo dõi, kiểm tra việc sử dụng có đúng mục đích không, nhằm tránh tình trạng vay để tiêu xài rồi không có tiền hoàn vốn. Không chỉ giúp nhau về vốn mà các thành viên trong tổ còn hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất nên ít khi bị thất bại”.

Những vấn đề liên quan đến người dân như xét hộ nghèo, bình chọn gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, mức đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cũng được xã chỉ đạo đưa ra dân bình nghị, công khai. Ông Bùi Thanh Dân, Bí thư Chi bộ ấp Trường Thắng, cho biết: “Năm 2007, khi xét gia đình văn hóa, bà con bình xét không công nhận gia đình ông N.V.P chưa đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bởi vì, bà con cho rằng, gia đình ông N.V.P. thuộc diện khá nhưng do ông chưa nhận thức được lợi ích chung, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, không đóng góp làm đường giao thông. Qua ý kiến của bà con trong tổ nhân dân tự quản, gia đình này nhận thấy sai đã khắc phục nên năm 2008 bà con đồng ý công nhận gia đình ông N.V.P. đạt gia đình văn hóa”. Ông N.V.P. cho biết: “Nghe cán bộ ấp, bà con lối xóm phân tích, tôi thấy việc làm của gia đình chưa đúng, nhiều hộ khó khăn hơn cũng đóng góp làm đường trong khi đoạn đường trước cửa nhà mình để lầy lội thì kỳ quá. Tôi về bàn với gia đình đóng góp làm đoạn đường trước cửa nhà cho sạch đẹp...”.

Đồng chí Cao Thanh Vũ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trường Thành, cho biết thêm: Chính sự gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân của lãnh đạo xã, ấp nên bà con ngày càng mạnh dạn đóng góp ý kiến, giúp chính quyền chấn chỉnh các mặt hạn chế và đề ra các hoạt động phù hợp lòng dân. Điển hình như vừa qua, bà con phản ánh một số trường hợp được xét vay vốn hỗ trợ để làm hố xí nhưng lại sử dụng vào mục đích khác. Nhận được phản ánh của bà con, lãnh đạo xã đã xác minh, thu hồi vốn và phê bình, rút kinh nghiệm đối với cán bộ thực hiện dự án. Việc thực hiện QCDC còn góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, toàn xã 7/9 ấp được công nhận văn hóa, dự kiến trong tháng 10 này xã tiếp tục công nhận thêm 2 ấp văn hóa. Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 98%; xã đã xây dựng được 33 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó có 1 căn do địa phương vận động cán bộ, nhân dân đóng góp... “Tuy nhiên, nhìn toàn diện, xã vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt như xây dựng cảnh quan môi trường chưa đồng loạt. Chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa theo quy định, phấn đấu để được công nhận xã văn hóa vào cuối năm 2009 này” - Đồng chí Cao Thanh Vũ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, khẳng định.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết