30/12/2015 - 07:39

Trung Thạnh đón danh hiệu
“XÃ NÔNG THÔN MỚI”

Hôm nay, 30-12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vui mừng đón danh hiệu "Xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới". Đây là kết quả đáng phấn khởi của địa phương trong chặng đường phát triển nông nghiệp, kiến thiết nông thôn và từng bước nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân.

Dân đồng thuận

Theo Ban Quản lý xây dựng xã nông thôn mới (NTM) Trung Thạnh, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết quả tự rà soát, đánh giá, Trung Thạnh chỉ đạt 5/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Được chọn là xã điểm chỉ đạo của huyện về xây dựng NTM, cộng với xuất phát điểm khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao nên đạt mục tiêu xã NTM vào năm 2015 như Đề án NTM của xã đề ra đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Trung Thạnh. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM xã Trung Thạnh xác định sự đồng thuận của người dân là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay thực hiện Chương trình, UBND xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp… để huy động nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Một góc xã NTM Trung Thạnh.

Một trong những khó khăn trong xây dựng NTM chính là huy động vốn để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Trung Thạnh là 174,62 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp hơn 54,5 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 1,3 tỉ đồng, vốn tín dụng khoảng 25,23 tỉ đồng… Đến nay, đường trục chính của xã đã được nhựa hóa 100%, xe ôtô đến trung tâm xã. 5 năm qua, xã triển khai thực hiện đưa vào sử dụng 20 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 26.705m, xây dựng 37 cầu bê tông và tu sửa 21 cầu ván với tổng kinh phí khoảng 30,575 tỉ đồng (nhân dân đóng góp hơn 9 tỉ đồng) và 22.500 ngày công lao động; vận động dân nhân hiến đất làm lộ và mở thêm các tuyến lộ với diện tích 45.075m2. Đến nay, đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa ở Trung Thạnh đạt 100%. Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả này thể hiện sự đồng thuận lớn của người dân. Ông Nguyễn Hồng Sơn, ấp Thạnh Phước, cho biết: Qua tham dự các buổi nói chuyện, đọc tài liệu…, hiểu được xây dựng NTM "do dân, vì dân và dân hưởng lợi" nên người dân xã Trung Thạnh rất đồng tình và quyết tâm cùng chính quyền xây dựng xã NTM. Đặc biệt, trong xây dựng giao thông nông thôn, nhà nào có đất bị ảnh hưởng thì hiến đất, nhà nào có tiền thì đóng góp tiền, không có tiền thì góp ngày công lao động… "Người dân chúng tôi chung sức, chung lòng cùng chính quyền đổ bê tông đường, xây cầu… nên giờ đường sá, cầu trên địa bàn xã Trung Thạnh khang trang rồi! Có đường, có cầu thuận lợi cho việc đi lại, chúng tôi rất an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần" – ông Nguyễn Hồng Sơn, phấn khởi nói.

Giữ vững danh hiệu xã NTM

Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là một trong những mục tiêu chính, trước mắt và lâu dài trong tiến trình xây dựng NTM. Bởi dân "có của ăn, của để" thì mới có thể hiến kế cùng chính quyền xây dựng NTM thành công. Chính vì vậy, công tác phát triển sản xuất, ngành nghề nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các ngành, các cấp xã Trung Thạnh xem trọng.

Hiện nay, Trung Thạnh đã tổ chức sản xuất 3 vụ lúa/năm. Trong trồng lúa, nông dân đều áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tất cả các khâu làm đất, thu hoạch đều thực hiện bằng cơ giới 100% diện tích; duy trì, củng cố 39 tổ liên kết sản xuất. Các mô hình xen canh, luân canh, như :2 lúa - 1 màu (trong đó diện tích mè hằng năm từ 60-85ha), trồng màu, nấm rơm trên bờ đê, chuyên canh màu dưới chân ruộng với các loại như dưa hấu, sen đậu, rau ăn lá các loại... cũng được xã phát triển để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Hiện, tổng đàn gia cầm của xã đạt 30.920 con, đàn heo 800 con, đàn bò 120 con, trong đó mô hình nuôi bò được khuyến khích phát triển; tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (cá tra giống thâm canh, cá lóc, cá rô, cá trê, ếch, baba…) là 11,83 ha. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Trung Thạnh tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có 4 doanh nghiệp chế biến lúa gạo, 693 cơ sở cửa hàng sản xuất kinh doanh và địa bàn gần với khu công nghiệp Thốt Nốt nên nhiều lao động địa phương có điều kiện làm việc trong các công ty, xí nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập trong nhân dân… "Thời gian qua, xã Trung Thạnh nhờ gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các chương trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội, đoàn thể tổ chức, hướng dẫn cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn làm kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Kết quả, từ 460 hộ nghèo vào năm 2011, chiếm tỷ lệ 12,04% thì đến cuối năm 2014 xã chỉ còn 159 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,99%. Năm 2015 hộ nghèo còn 87 hộ, chiếm tỷ lệ 2,10%. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm và hiện nay đã đạt 32,5 triệu đồng/người/năm. Số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,5%" – ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh,cho biết.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, đến nay Trung Thạnh cơ bản đạt 20/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Dù đã "về đích" trong xây dựng NTM, nhưng mức độ đạt của nhiều tiêu chí chưa cao, xã cần tiếp tục nâng chất. Tiến trình này, rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Nhất là có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM thông qua các chương trình hợp tác sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm; sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư và áp dụng công nghệ sau thu hoạch... không ngừng nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân.

Bài, ảnh: T.ĐẠT

Chia sẻ bài viết