08/09/2019 - 09:44

Trung Quốc ngang ngược xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam
Kỳ cuối: Dư luận quốc tế đứng về chính nghĩa 

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều nước và học giả quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam.

Tàu khu trục Wayne E. Meyer của Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: U.S. Navy

Tàu khu trục Wayne E. Meyer của Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: U.S. Navy

Mỹ là một trong số những quốc gia mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc khi cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Cố vấn an ninh quốc gia đều đã lên tiếng.

Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về “sự can thiệp mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như những hành động liên tục của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ hành động này mâu thuẫn trực tiếp với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La năm nay rằng Bắc Kinh sẽ “đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng hành vi này cùng với chính sách kinh tế của Bắc Kinh đang gây bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật ức hiếp” làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những nước phản đối các hành động và “chiến thuật ức hiếp” vốn đe dọa an ninh và hòa bình khu vực.

Trong động thái tiếp tục thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, hôm 28-8, tàu khu trục Wayne E. Meyer của Mỹ đã tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông, đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp.

Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ, Nhật, Malaysia…đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Các học giả cũng không đứng ngoài cuộc. Tiến sĩ Lee Jaehyon thuộc Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc) cho rằng tình hình an ninh ở Biển Đông ngày một xấu đi do Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này và gây quan ngại lớn về an ninh cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tiến sĩ Lee Jaehyon nhấn mạnh: “Hiện nay, rõ ràng Trung Quốc không tuân thủ các hiệp ước, luật lệ hay quy định quốc tế và chỉ khi nước này tôn trọng luật pháp quốc tế thì mới giải quyết được vấn đề một cách hòa bình”. Chuyên gia trên cũng cho rằng cần phải có sự đồng thuận rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế để Trung Quốc cũng bị gây áp lực bởi những hậu quả do các hành động của nước này gây ra ở Biển Đông .

Trong khi đó, Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy) nói việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động hợp pháp tại Biển Đông cũng như can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại EEZ của Việt Nam là có tính hệ thống. Các nước Đông Nam Á cần nỗ lực đối thoại nhằm hướng tới các giải pháp hợp lý và thực chất hơn.

Còn nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh quốc tế thuộc báo Tin tức Séc (Novinky.cz), cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống vào EEZ của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính là hoạt động leo thang căng thẳng tiếp theo của Bắc Kinh ở Biển Đông, cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh nước lớn để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Nhà báo Svamberg đánh giá cao việc Việt Nam kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc trên thực địa, cho rằng Việt Nam không đơn độc trong vấn đề Biển Đông vì với chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết