06/09/2019 - 11:17

Trung Quốc ngang ngược xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam
Kỳ 1: Nói một đằng, làm một nẻo 

Từ đầu tháng 7-2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính, xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, quấy rối hoạt động dầu khí hợp pháp của Việt Nam. Thế nhưng trong Sách trắng quốc phòng công bố mới đây, Trung Quốc lại “giả nhân giả nghĩa”.

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2019 nói rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng, đe dọa nước khác hay gia tăng phạm vi ảnh hưởng.

Sách trắng khẳng định “Trung Quốc luôn yêu hòa bình... Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ phát động bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào kể từ khi thành lập cách đây 70 năm”, thậm chí còn tuyên bố Bắc Kinh phản đối các hành động gây hấn, bành trướng và việc tùy ý sử dụng hay đe dọa vũ trang. “Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh rằng Trung Quốc không bao giờ đi vào vết xe đổ của các cường quốc tìm kiếm bá quyền. Dù phát triển ra sao, Trung Quốc vẫn sẽ không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác hay tìm kiếm bất kỳ phạm vi ảnh hưởng nào” - Sách trắng quốc phòng Trung Quốc rêu rao. Về vấn đề Biển Đông, tài liệu này nói tình hình ở đây nhìn chung ổn định và đang cải thiện khi các quốc gia trong khu vực nỗ lực giải quyết bất đồng.

Thế nhưng trên thực tế, Trung Quốc luôn tìm cách xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh những năm gần đây liên tiếp tiến hành các hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu nuốt hơn 80% vùng biển có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên này.

Năm 1974, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ năm 2005 họ tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm và đến năm 2007, chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu khảo sát địa chất tại khu vực đảo Tri Tôn trước khi tiến hành san lấp, mở rộng đảo để xây dựng những công trình phi pháp.

Ngang ngược hơn, tháng 5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa với sự bảo vệ của hơn 120 tàu thuyền,  hung hăng đâm va tàu chấp pháp Việt Nam ngay trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Hoàng Sa mà mới nhất là vào thượng tuần tháng 8 vừa qua.

Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngay sau khi cưỡng chiếm Đá Gạc Ma cùng 6 thực thể khác năm 1988, Trung Quốc lập tức xây dựng điểm đồn trú. Từ năm 2013, nước này bắt đầu triển khai tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ để xây công trình, đường sá, bến tàu, sân bay và các hạng mục kiên cố khác trên các đảo nhân tạo phi pháp.

Trong cuộc tập trận ở phía Bắc quần đảo Trường Sa đầu tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã bắn thử tên lửa đạn đạo từ một thực thể nhân tạo phi pháp, mà theo giới quan sát nhận định đó có thể là DF-21D, được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” với tầm bắn lên tới 1.500km.

Tàu Trung Quốc nạo vét, bồi lấp trái phép ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012. Dù luôn miệng tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng Bắc Kinh trắng trợn không công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý và cái gọi là “quyền lịch sử” trên Biển Đông của Trung Quốc. Giới chức Philippines  mới đây đã phải lên tiếng khi tàu chiến Trung Quốc liên tục qua lại vùng biển nước này mà không thèm báo trước.

Chưa hết, năm 2013 Trung Quốc từng điều nhiều tàu chiến đến tận bãi ngầm James, cách Malaysia chỉ 80km và cách bờ biển phía Nam Trung Quốc đến 1.800km nhưng được Bắc Kinh gọi là “điểm cực Nam của lãnh thổ”.

Trước sự lăm le và tham vọng vô độ của Trung Quốc, Indonesia năm 2017 đã phải đổi tên vùng biển gần Natuna và tăng cường phòng thủ tại đây.

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã hai lần xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Cụ thể,  ngày 3-7, các tàu này bắt đầu tiến hành kéo cáp, khảo sát trái phép trong vùng biển nước ta. Ngày 7-8, Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống rời đi nhưng đến ngày 13-8 đã trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan ngày 31-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết