06/09/2019 - 19:30

Trung Quốc ngang ngược xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam
Kỳ 2: Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam 

Kỳ 2: Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam

Khi Trung Quốc khẳng định có chủ quyền với khu vực nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang được triển khai ở Biển Đông, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá đây là sự ngụy biện nguy hiểm. Thực tế là khu vực này hoàn toàn thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Lâu nay, Trung Quốc không ngừng ra sức tuyên truyền sai lệch về bãi Tư Chính, biến nơi này từ chỗ thuộc quyền sở hữu của Việt Nam trở thành “khu vực tranh chấp”. Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khẳng định không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng bãi Tư Chính là vùng tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, vì phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã nêu rõ.

Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Getty

Theo Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, “Trước tiên, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Thứ hai, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cơ chế pháp lý của bãi Tư Chính được quyết định bởi khoảng cách tới quốc gia gần nhất là Việt Nam và Việt Nam cũng xác định đây là EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với nước nào”.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho biết: Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất cả các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo.

Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này.

Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) cũng khẳng định bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, và không có bất kỳ mối hoài nghi nào về quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này.

Ông chỉ ra 3 điểm sai của Trung Quốc: “Đầu tiên, đường bờ biển Trung Quốc ở rất xa và không chồng lên EEZ của Việt Nam. Tòa trọng tài xử thắng kiện cho Philippines đã xác định không có thực thể nào là đảo ở Trường Sa, nên Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố EEZ của họ từ đây (đó là chưa kể trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp các thực thể tại Trường Sa bản thân nó đã là hành vi phi pháp). Thứ hai, phán quyết bác yêu sách về “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc, bởi nước này là thành viên của UNCLOS (vốn không chấp nhận viện dẫn lịch sử trong các tranh chấp chủ quyền), và khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vô giá trị. Thứ ba, tàu khảo sát Trung Quốc hành động đơn phương và không yêu cầu cũng như không nhận được sự cho phép của Việt Nam”.

Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling cũng khẳng định hoạt động của cả tàu Hải Dương 8 và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đều phi pháp.

Trong khi đó, Tiến sĩ James Kraska tại Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, cho rằng luật pháp đứng về phía Việt Nam và theo ông, nếu kiện Trung Quốc thì Việt Nam sẽ thắng.

Các khái niệm cơ bản về luật biển

- Nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải và giáp với bờ biển. Đường cơ sở này do quốc gia ven biển quy định vạch ra. Từ đó trở vào gọi là nội thủy, từ đó trở ra gọi là lãnh hải.
-Lãnh hải là lãnh thổ biển, nằm ở phía ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia ven biển là 12 hải lý tính từ đường cơ sở.
-Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Phạm vi của vùng tiếp giáp lãnh hải không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. 
-Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có phạm vi rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
-Theo UNCLOS 1982, “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.
Thềm lục địa có thể được mở rộng hơn nữa nhưng không vượt ra khơi quá 350 hải lý cách đường cơ sở. 

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết