10/03/2022 - 06:47

Triển vọng mới cho chanh leo ngọt 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt năm 2019. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có tổng số 156 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao (gạo ST24), 27 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 128 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 85 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hộ kinh doanh. Cùng với đó sản phẩm OCOP tham gia thị trường với vị thế là sản phẩm đặc sản đã dần trở thành một dấu hiệu nhận diện, trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Trái chanh leo ngọt khi chín màu vàng chanh đẹp mắt được giới thiệu tại nhiều cuộc hội nghị, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Trái chanh leo ngọt khi chín màu vàng chanh đẹp mắt được giới thiệu tại nhiều cuộc hội nghị, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Trong số rất nhiều sản phẩm đạt các sao OCOP của tỉnh, có thể nói trái chanh leo ngọt là loại nông sản khá thú vị đối với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, bởi thông qua các lần tham gia triển lãm tại các hội chợ xúc tiến thương mại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã được người tiêu dùng ưa thích.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Công đúng lúc ông đang chăm sóc vườn chanh leo ngọt phía sau nhà, nhiệt tình mời khách thưởng thức trái chanh leo vàng ươm, da bóng, ngọt lịm, ông Công phấn khởi chia sẻ: "Trái chanh leo ngọt tôi trồng vừa được ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 1,5ha, có thể nói niềm vui nhân đôi, bởi trái chanh leo ngọt cũng đã được xếp hạng sản phẩm 3 sao OCOP vào giữa tháng 12-2021. Thành quả trên là công sức của tôi tự phấn đấu tìm tòi học hỏi kỹ thuật "cắt ghép" tạo ra trái chanh leo ngọt trong thời gian qua, hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng chanh leo lên 2ha".

Theo ông Công, ông bắt đầu trồng chanh leo từ năm 2017, chỉ với 5 dây chanh, trong đó có 2 dây chanh sống sau khi trồng. Khi chanh có trái thưởng thức thử thì vẫn chua và không thấy mùi thơm nên ông đã bắt đầu nghiên cứu tìm cách tạo ra trái chanh có độ ngọt tốt, mùi thơm đặc trưng riêng, đặc biệt dây chanh phải cho năng suất trái cao. Trong 1 năm tiến hành cắt ghép, thụ phấn cho cây chanh leo, kết quả thành công mỹ mãn như mong đợi, trái chanh leo đảm bảo độ ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, trái chanh có màu vàng chanh lớp vỏ sáng bóng đẹp mắt khi trái chín. Trong vòng 4 năm "cắt ghép" thành công chỉ với 2 dây chanh leo trồng ban đầu, ông Công đã phát triển vườn chanh leo lên 2ha (tương đương 20.000 dây chanh), sản lượng trái chanh thu về tính riêng trong năm 2021 khoảng 5 tấn. Ngoài bán trái chanh leo tươi trên thị trường, ông Công còn cung cấp cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu trồng loại chanh leo này, giá bán dây chanh và trái chanh từ 70.000-100.000 đồng/dây (hoặc 1kg trái chanh), tùy số lượng. Thông qua việc sản xuất kinh doanh từ trái và dây chanh leo, thu nhập tại hộ ông Công sau khi trừ hết các khoảng chi phí lợi nhuận tầm 500-600 triệu đồng/năm.

Ông Công thông tin thêm: "Tôi phấn khởi khi trái chanh leo ngọt của tôi sản xuất đạt Chứng nhận 3 sao OCOP, đây là nền tảng vững chắc để việc liên kết tiêu thụ chanh với các công ty, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Vì ngay sau khi trái chanh leo ngọt đạt 3 sao OCOP đã có doanh nghiệp đến tận vườn tham quan và đặt vấn đề liên kết đầu ra phục vụ thị trường cao cấp và xuất khẩu. Theo tôi, nếu việc liên kết cùng doanh nghiệp thuận lợi, góp phần làm tăng thêm giá trị trái chanh leo ngọt và sản phẩm được quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước mà ra thị trường nước ngoài để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là sản phẩm đạt các sao OCOP…".

Ông Nguyễn Hoàng Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương của tỉnh Sóc Trăng, theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Đồng thời, nhiều sản phẩm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của tỉnh như gạo các loại, trái cây các loại, bánh pía, lạp xưởng,... Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ của các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10-40%, có sản phẩm tăng lên đến 400%. Từ đó, doanh số bán hàng, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Đặc biệt trái chanh leo ngọt của ông Nguyễn Hữu Công là sản phẩm nông nghiệp xếp hạng 3 sao OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là sản phẩm rất nhiều tiềm năng, khi doanh nghiệp liên kết, bao tiêu xuất khẩu, tạo điều kiện để địa phương và người dân tại địa phương phát triển vùng trồng, tăng thu nhập tại hộ...

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH

Chia sẻ bài viết