08/12/2017 - 06:00

Quốc tế phản ứng Mỹ về Jerusalem 

Rạng sáng 7-12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Động thái này ngay lập tức dấy lên cơn bão chỉ trích trên khắp Trung Đông và phản đối từ các đồng minh phương Tây cùng Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tổng thống Trump và quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: Times of Israel

Với quyết định này, ông Trump đã đảo ngược chính sách đối ngoại gần 70 năm qua của Washington kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948.

Trong thông điệp phát đi trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đây là “bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình” và rằng bất kỳ thỏa thuận nào với người Palestine sẽ phải bao gồm điều kiện Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas khẳng định Jerusalem là “Thủ đô vĩnh cửu của Nhà nước Palestine” và quyết định hôm 7-12 đồng thời chấm dứt vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Hiệp định hòa bình Israel - Palestine 1993 nêu rõ quy chế của Jerusalem chỉ được thảo luận trong vòng cuối của các cuộc hòa đàm. Cho đến thời điểm hiện tại, quốc tế cũng không công nhận chủ quyền của Israel với toàn bộ Jerusalem và mọi quốc gia bao gồm Mỹ vẫn đặt sứ quán ở Tel Aviv.

Trong tuyên bố hôm 7-12, ông Trump khẳng định Mỹ vẫn ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” cho xung đột giữa Israel và Palestine nhưng việc công nhận Jerusalem là “việc phải làm”.

Theo quan điểm của ông chủ Nhà Trắng, diễn biến này sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel-Palestine và rằng việc dời đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem đồng thời sẽ bảo vệ lợi ích của Washington.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh, Pháp, Đức ngược lại phản đối quyết định đơn phương của ông chủ Nhà Trắng.

Đức Giáo hoàng Francis và Trung Quốc cũng phát đi thông điệp cảnh báo động thái của Mỹ có thể kích động bạo lực trong khu vực. Hàng loạt quốc gia Trung Đông như Jordan, Ai Cập, Lebanon... đều bác bỏ quyết định của ông Trump và tuyên bố diễn biến này “không thay đổi tình trạng pháp lý” vốn đang tranh chấp của Jerusalem.

“Quyết định của Tổng thống Trump là án tử cho tất cả nỗ lực tìm kiếm hòa bình và là sự leo thang nguy hiểm đối với khu vực” – trích tuyên bố của Ngoại trưởng Qatar  Mohammed bin Abdulrahman al-Thani.

Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí coi đây là động thái “vô trách nhiệm” và kêu gọi Washington xem xét lại “quyết định sai lầm” có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh không có phương án nào thay thế giải pháp “hai nhà nước” và tình trạng của Jerusalem chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp. Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này vào hôm nay 8-12.

Chia rẽ trong Nhà Trắng

Nhiều báo cáo cho biết ông Trump đã hạ quyết tâm hàng tháng trời về việc di dời đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem nhưng liên tục trì hoãn do vấp phải phản đối từ đội ngũ cố vấn trong và ngoài Nhà Trắng.

CNN dẫn nguồn một số quan chức cao cấp Mỹ cho biết Nhà Trắng hiện tồn tại hai quan điểm. Trong đó, tiếng nói ủng hộ Tổng thống gồm có Phó Tổng thống Mike Pence, con rể ông Trump Jared Kushner, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và người góp 25 triệu USD cho một ủy ban hành động chính trị hỗ trợ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Sheldon Adelson.

Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo quyết định của ông Trump có thể mở đầu cho phản ứng dây chuyền nguy hiểm trên khắp khu vực.

Hôm qua, phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đe dọa quyết định của ông Trump sẽ “mở ra cánh cửa địa ngục” đối với lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết