17/08/2015 - 21:04

TP CẦN THƠ

Phát triển đồng bộ “tam nông”

* Tuyết Trinh - Mỹ Thanh

Bài 2: Tái cơ cấu để thích ứng

Những năm qua, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị thu hẹp cộng với biến đổi khí hậu, sâu bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn… nhưng ngành nông nghiệp TP Cần Thơ vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Được như thế là nhờ TP Cần Thơ nhạy bén, thực hiện tái cơ cấu một cách đúng đắn, kịp thời.

* Tái cơ cấu toàn diện

Giai đoạn 2010-2015, ngành nông nghiệp thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan. Ở lĩnh vực trồng trọt, diện tích canh tác lúa giảm hàng năm nhưng giữ vững diện tích sản xuất và liên tục tăng năng suất, sản lượng từ 1,1 triệu tấn (năm 2010) lên 1,3 triệu tấn (ước năm 2015). Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn, gắn kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai xây dựng "Cánh đồng lớn" tại các vùng trồng lúa trọng điểm của thành phố. Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Mô hình "Cánh đồng lớn" được huyện chọn làm điểm nhấn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu năm 2012 toàn huyện chỉ có 3 mô hình (1.040ha), đến vụ đông xuân 2014-2015 quy mô "Cánh đồng lớn" của huyện tăng lên 41 mô hình (7.872ha). Năng suất lúa tại các "Cánh đồng lớn" cao hơn từ 4,6-7,46%, lợi nhuận tăng 28,38%, chi phí giảm từ 600.000 đồng/ha đến 2 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình... Nông dân đã ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật hướng đến sản xuất sạch - tăng trưởng xanh, tạo sản phẩm chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người".

Mô hình "Cánh đồng lớn" không chỉ giúp TP Cần Thơ khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mà còn giải quyết tốt bài toán "đầu ra, đầu vào" cho hạt lúa. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình "Cánh đồng lớn" ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: MỸ THANH

Hiện đại hóa sản xuất cũng được ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo, tạo đà phát triển theo hướng bền vững. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày ải của thành phố đáp ứng 100% nhu cầu; cơ giới hóa trong khâu gieo sạ và bơm tưới được nâng cao (tổng số máy bơm nước tăng 8%, tổng số máy sạ hàng tăng 5% so năm 2010). Trong khâu thu hoạch cơ giới hóa đáp ứng 65% diện tích vụ đông xuân, 70% diện tích vụ hè thu và 86% diện tích vụ thu đông; xử lý sau thu hoạch đáp ứng 70% sản lượng lúa hè thu và 100% sản lượng lúa thu đông. Song song đó, những loại cây có giá trị kinh tế cao được quan tâm chỉ đạo phát triển. Thành phố đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung như: vùng vú sữa ở xã Giai Xuân; vùng dâu Hạ Châu ở xã Nhơn Ái; vùng cam mật ở xã Trường Long; vùng nhãn ở xã Trường Long, xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền)… Nhiều nhà vườn mạnh dạn đầu tư khai thác, phát triển mô hình du lịch, góp phần tăng thêm thu nhập so với sản xuất vườn chuyên canh từ 1,5 – 2 lần. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn tập trung tại quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền.

Nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp định hướng phát triển thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. TP Cần Thơ đang bước đầu thành lập các tổ chức liên kết sản xuất nuôi cá tra, đảm bảo sản xuất và tiêu thụ theo quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, MetroGAP… Mặc dù, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời kiểm soát dịch bệnh và ổn định đàn gia súc gia cầm. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được tăng cường chuyển giao, ứng dụng nên năng suất và chất lượng đàn gia súc gia cầm được nâng cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn triển khai nhiều mô hình liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ. Điển hình như: mô hình 6 cơ sở chăn nuôi heo thịt liên kết sản xuất với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ liên kết nuôi heo thịt với Xí nghiệp chế biến thực phẩm I với hình thức ký hợp đồng theo từng thời điểm để tiêu thụ sản phẩm…

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được đặc biệt quan tâm cùng với sự hợp tác, liên kết với viện, trường trên địa bàn (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, …). Hằng năm, từ nguồn ngân sách thành phố triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí bình quân trên 4 tỉ đồng. Công tác khuyến nông, khuyến ngư được quan tâm đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ giống cây con, hỗ trợ giống lúa nguyên chủng xây dựng mạng lưới lúa giống 3 cấp. Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Nhờ chương trình trợ giá cây giống triển khai rộng rãi cộng với việc tạo điều kiện để nhà vườn tham quan một số mô hình thực tế tại tỉnh Bến Tre nên bà con rất phấn khởi và tích cực tham gia. Cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện được thực hiện theo hướng kết hợp đa dạng chủng loại cây trồng; tận dụng tối đa diện tích đất đai, mặt nước để trồng xen màu, các loại cây trồng thích hợp. Theo đó, huyện tiến hành cải tạo được trên 52,6ha vườn cây ăn trái theo hình thức trợ giá 60% chi phí cây giống (mãng cầu, dừa xiêm lùn, xoài Đài Loan, vú sữa Lò Rèn, cam mật, dâu Hạ Châu…).

* Còn nhiều thách thức

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp có nhiều khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng sạt lở, lũ lụt tại một số vùng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tất cả đòi hỏi có những ứng phó trước mắt cũng như lâu dài. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Hệ thống thủy lợi của huyện đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do đầu tư hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ nên hệ thống đê bao ngăn lũ không đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất. Năm 2011, triều cường dâng cao, đỉnh triều cường đạt mức 2,25m đã gây ra thiệt hại khá lớn cho sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có gần 1.500 ha vườn cây ăn trái thiệt hại từ 30% trở lên; có gần 200 ha thủy sản và hơn 230 ha rau màu bị thiệt hại hoàn toàn. Giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nông dân phải mất nhiều năm để khôi phục sản xuất. Đặc biệt, nhiều nơi do hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ nên nhân dân không yên tâm tái đầu tư, khôi phục sản xuất. Trước tình hình đó, nhu cầu xây dựng đồng bộ hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất được đặt ra, trở thành nhu cầu bức xúc của địa phương.

Song song đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn thành phố diễn ra chậm, sự phối hợp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Đơn cử, dù mô hình "Cánh đồng lớn" được đánh giá là phương thức sản xuất tiên tiến và mang lại nhiều ưu việt. Song, việc phát triển và nhân rộng cũng gặp nhiều cản ngại. Ông Nguyễn Ngọc Liêm, Trưởng Ban Quản lý "Cánh đồng lớn", ấp G2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, bày tỏ: "Tham gia "Cánh đồng lớn" rồi từng bước chuyển sang làm lúa theo GAP chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, lúa sản xuất theo quy trình GAP, nông dân phải chịu nhiều rủi ro về giá bán, năng suất, chi phí. Chẳng hạn, sản xuất theo GAP nếu lúa bị rầy nâu mà sử dụng thuốc an toàn cao thì chi phí gấp đôi so với thuốc không an toàn. Ngoài ra, nông dân còn phải đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc, còn trong thời gian cách ly mà phun thì không được chứng nhận. Trong khi đó, nếu "bỏ liều", năng suất lúa bị ảnh hưởng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?". Nhiều ý kiến cho rằng, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, việc nhân rộng mô hình sang các loại hình, khu vực sản xuất khác chưa nhiều.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện các cam kết trong WTO và các FTA khu vực, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ giúp ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Đến 2015, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN nhưng khả năng cạnh tranh của một số nông sản ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chưa cao, việc xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa còn hạn chế. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho rằng, kinh tế nông nghiệp của huyện Thới Lai có điểm xuất phát thấp, qui mô sản xuất nhỏ, thị phần nội địa thấp và thị trường xuất khẩu không ổn định. Mặt khác, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn còn thấp; cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là giao thông; khoa học và công nghệ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đây là những rào cản lớn đối với nông nghiệp thành phố trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đánh giá: "Giai đoạn 2010-2015, ngành nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành 3 mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Kết quả này nhờ ngành nông nghiệp phối hợp với các quận, huyện thực hiện một số chính sách, đề án, chương trình chính của ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng ngành. Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế được xúc tiến tăng cường thông qua trao đổi kinh nghiệm với 6 đoàn quốc tế đến và làm việc trực tiếp với ngành nông nghiệp. Từ đó, đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác và thu hút các dự án tài trợ trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và phát triển nông thôn".

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, kịp thời thích ứng với tiến trình hội nhập, thời gian qua ở TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác ở vùng ĐBSCL hình thành các cụm liên kết ngành một số sản phẩm chủ lực đáp ứng nhu cầu liên kết, hợp tác của doanh nghiệp và nông dân. Gần đây, các bộ, ngành Trung ương cũng quan tâm, hỗ trợ, tác động thông qua một số chính sách khuyến khích như hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình "Cánh đồng lớn"; quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thủy lợi… Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các cụm liên kết ngành còn nặng tính hình thức; chưa được thực hiện đồng bộ; trình độ khoa học công nghệ yếu kém nên chưa tạo được "cluster nông sản". Thực trạng nói trên đang đặt ra yêu cầu về việc cần có cơ chế, chính sách pháp lý để việc liên kết trở nên hiệu quả, mang tính thực chất hơn thay cho các "hợp đồng liên kết" hay "chương trình hợp tác" mang nặng tính hình thức trong khi sự kết nối, hợp tác còn lỏng lẻo.

(Còn tiếp)

Bài 3: Phát huy hiệu quả "tam nông"
với phong trào xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ bài viết