17/12/2013 - 20:37

Phát huy hiệu quả truyền thanh cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và người dân. Thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã được khai thác và phát huy hiệu quả là kênh thông tin hữu ích trong việc tuyên truyền xây dựng NTM và nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

* Hiệu quả bước đầu

TP Cần Thơ hiện có 9 đài truyền thanh quận, huyện; 86 đài truyền thanh cơ sở (xã, phường, thị trấn) và 615 đài truyền thanh ấp, khu vực. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tuyên truyền thông qua truyền thanh cơ sở, các quận, huyện đã chủ động đầu tư xây dựng mạng lưới truyền thông cơ sở và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là công cuộc xây dựng NTM.

Ở những vùng nông thôn, chiếc loa công cộng là phương tiện truyền thông hữu ích trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Chị Cẩm Tú, cán bộ Đài Truyền thanh huyện Thới Lai, cho biết: Thời gian qua, Đài Truyền thanh huyện Thới Lai tuyên truyền về xây dựng NTM với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Hơn 2 năm qua, Đài đã mở chuyên mục "Xây dựng NTM" trên sóng phát thanh, phát sóng 730 chuyên mục với tổng thời lượng là 8.760 phút. Hằng ngày, trên sóng FM của đài đều dành từ 3-4 phút thông tin về công tác xây dựng NTM. Để đảm bảo lượng tin, bài đáp ứng yêu cầu, Ban lãnh đạo Đài truyền thanh đã cử phóng viên chuyên trách, tích cực đi cơ sở, thông tin phản ánh kịp thời, đầy đủ các mặt từ công tác chỉ đạo, điều hành đến việc tổ chức thực hiện tại các địa phương. Chị Trần Thị Phương Ánh, Ban Tuyên giáo xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, chia sẻ: Người nông dân ít có thời gian đọc sách, báo, lại bận việc đồng áng nên từ khi có cụm loa truyền thanh lắp đặt ở ấp, nhiều hộ dân rất phấn khởi. Bởi nhờ đó, người dân nông thôn có thể nghe được đài 3 buổi sáng, trưa, chiều. Đến giờ phát sóng, dù có bận việc gia đình hay đồng áng, bà con vẫn có thể dễ dàng nghe được tin tức. Thông qua nội dung tuyên truyền trên đài truyền thanh phát hằng ngày, bà con kịp thời nắm bắt những thông tin thời sự bổ ích, nhất là những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

Nhìn chung, thời gian qua truyền thanh cơ sở đã phản ánh, cung cấp cho người dân một cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương, nhất là công cuộc xây dựng NTM. Bên cạnh đó, nhiều nội dung tuyên truyền ý nghĩa có sức lan tỏa tích cực, rộng rãi, thể hiện được quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn của hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân. Từ đó, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng NTM. Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đến nay phần lớn người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM.

* Đẩy mạnh vai trò truyền thanh cơ sở

Tuy hoạt động của đài truyền thanh cơ sở đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Chủ yếu nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; chế độ chính sách ưu đãi còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở ở một số nơi còn thiếu hoặc kiêm nhiệm nhiều việc, phải thường xuyên luân chuyển và thay đổi, đa phần chưa qua đào tạo chuyên ngành báo chí... Hiện nay, hệ thống dây loa công cộng của các đài truyền thanh cơ sở đã bị xuống cấp; chưa phủ sóng rộng khắp các khu vực, nhất là vùng xa. Một số xã, thị trấn chưa quan tâm nhiều trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nên việc vận hành, quản lý thiết bị truyền thanh cơ sở thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hư hỏng chưa được phát hiện và sửa chữa kịp thời, hiệu quả mang lại chưa như mong muốn…

Để công tác tuyên truyền của truyền thanh cơ sở trong xây dựng NTM thực sự phát huy vai trò và hiệu quả, tại Hội thảo "Vai trò của Đài truyền thanh huyện và xã trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM" do UBND huyện Thới Lai phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Thành Hoàng, Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, đề xuất: Các đài cần tiếp tục bám sát định hướng, các chủ trương, chính sách của nhà nước. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đảm bảo tính định hướng, phong phú, hấp dẫn người nghe. Khai thác hiệu quả trang thiết bị kỹ thuật hiện có, đổi mới, nâng cao chất lượng phát thanh, truyền thanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên đài truyền thanh tham gia các lớp học chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác tuyên truyền. Chị Nguyễn Thị Cẩm Son, cán bộ Đài Truyền thanh xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho rằng: Cần có sự liên kết giữa đài truyền thanh huyện và cơ sở nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Song song đó, để cán bộ truyền thanh cơ sở ổn định, an tâm gắn bó lâu dài với công việc, cần có quy định về chế độ đãi ngộ, như: lương, nhuận bút, phụ cấp, bảo hiểm… phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Về nội dung tuyên truyền, theo chị Võ Anh Thư, cán bộ đài truyền thanh xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng NTM là góp phần nâng cao vị thế của người dân, giúp cho người dân có công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Tuyên truyền các chủ trương chính sách của nhà nước theo hướng nhà nước đóng vai trò định hướng, còn hoạt động cụ thể phải do chính người dân trên địa bàn bàn bạc cụ thể, dân chủ quyết định và tổ chức thực hiện theo tinh thần tích cực, tự lực và hợp tác. Tập trung tuyên truyền các thế mạnh từng địa phương và đặc biệt tuyên truyền nhân rộng điển hình trong sản xuất, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm đồng thời phải khơi dậy được tinh thần và lòng tin của dân trong xây dựng NTM, phản ánh kịp thời các đề xuất kiến nghị, biểu dương các điển hình tiên tiến tham gia phong trào xây dựng NTM…

Bài, ảnh: T.Trinh

 

Chia sẻ bài viết