26/03/2008 - 09:18

Phát hiện mới về nguồn lây lan dịch cúm H5N1 tại các nước Đông Nam Á

(TTXVN)- Việc chăn thả vịt bừa bãi tại những cánh đồng thâm canh lúa gạo có thể là nguyên nhân khiến virus cúm gia cầm H5N1 lây lan nhanh tại các nước Đông Nam Á, chứ không phải do gà nuôi. Đây là kết luận của một số nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Brussels (Bỉ) công bố ngày 24-3 trên tạp chí chuyên ngành của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, sau khi xem xét các đợt dịch cúm gia cầm bùng phát tại hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Thái Lan và Việt Nam.

Khảo sát 3 đợt dịch cúm gia cầm bùng phát từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2005 tại khu vực này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các đợt bùng phát dịch thường tập trung tại các khu vực gieo trồng lúa từ 2 đến 3 vụ trong một năm. Theo nhóm nghiên cứu, cánh đồng lúa có chăn thả vịt tự do chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ nhất, vì các loại chim hoang dã, nguồn mang loại virus chết người này, cũng thường tới các cánh đồng để kiếm ăn vào mùa trú đông. Virus H5N1 từ các loài chim hoang dã có thể tồn tại và lây lan nhanh tại những cánh đồng như vậy. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Marius Gilbert lại đưa ra kết luận khẳng định gà nuôi không phải là nguyên nhân chính khiến virus H5N1 lây lan, bởi virus H5N1 trong những con gà sẽ giết chết chúng trước khi có thể lây lan sang đối tượng khác.

Trong vài năm gần đây, khoảng 140 triệu gia cầm ở Đông Nam Á đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm này. Kể từ khi bùng phát vào năm 2003, cúm gia cầm đã cướp đi sinh mạng của 236 người. Kết luận trên đây có thể giúp các nhà hoạch định chính sách có những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ, khoanh vùng hướng di chuyển của đàn vịt, không cho vịt vào những cánh đồng lúa vào một số thời điểm nhất định trong năm nhằm giảm nguy cơ lây truyền virus H5N1 từ các loài chim hoang dã sang vịt đàn.

Chia sẻ bài viết