24/10/2024 - 08:22

Nữ chính trị gia Nhật nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới 

Mặc dù phụ nữ dần thăng tiến trên chính trường Nhật Bản, nhưng họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong một khu vực mà nam giới thống trị lâu nay.

Ứng viên Makishima tham gia một sự kiện trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 27-10.   Ảnh: Reuters

Cách đây 8 năm, bà Yuriko Koike đã đánh bại người tiền nhiệm nam để trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Tokyo và hồi tháng 7 vừa qua, bà đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Một trong những đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của Koike trong cuộc bầu cử vừa qua cũng là một phụ nữ.

Hình ảnh của bà Koike từng được kỳ vọng sẽ làm nổi bật sự gia tăng các nữ chính khách và một xã hội cởi mở hơn với sự cân bằng giới tính trong nền chính trị xứ Mặt trời mọc. Tuy nhiên, việc có nhiều phụ nữ cạnh tranh cho một chức vụ chính trị hàng đầu vẫn còn hiếm ở Nhật Bản. Như trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 27-10 tới, ứng viên Karen Makishima là gương mặt nữ duy nhất đại diện cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tranh cử tại quận của bà, nơi bầu ra 20 ghế.

Trên thực tế, Nhật Bản ghi nhận con số kỷ lục 314 ứng viên nữ nộp đơn tham gia cuộc đua vào Hạ viện khóa tới. Tổng số ứng viên nữ đã tăng 70% so với con số 187 trong cuộc bầu cử năm 2021.

Nhưng ngay cả khi ghi nhận tỷ lệ ứng viên nữ kỷ lục như vậy, LDP và các đảng khác cũng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra trước đó của Chính phủ Nhật Bản là 35% ứng viên Hạ viện là phụ nữ, tăng từ mức 18% vào năm 2017. Bởi mặc dù có thêm nhiều chị em theo đuổi sự nghiệp chính trị, nhưng họ vẫn chỉ là thiểu số, đặc biệt là trong Quốc hội Nhật Bản, nơi các quyết định bầu cử phần lớn được đưa ra bởi các đảng phái mà nam giới chiếm đa số.

Trung bình, đại diện nữ tại hơn 1.740 hội đồng địa phương của Nhật Bản đã tăng gấp đôi lên 14,5% vào năm 2021 so với 20 năm trước. Nhưng ở các vùng nông thôn còn nặng tính truyền thống, có đến 226 hội đồng địa phương không có lãnh đạo nữ trong năm 2023 - theo Cục Bình đẳng giới thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Còn theo một báo cáo năm 2024 từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhật Bản hiện chỉ có hơn 10% thành viên Hạ viện là nữ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 30% ở các thành viên khác của G7. Nước này xếp hạng 118/146 quốc gia trong báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Mặt khác, việc tìm kiếm những ứng viên nữ cũng không dễ dàng. Bởi phụ nữ xứ hoa anh đào vẫn thường được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm việc nuôi dạy con cái, chăm sóc người già và gánh vác các trách nhiệm gia đình khác. Trong khi đó, do yêu cầu công việc, các nghị sĩ làm việc trong quốc hội sẽ phải thường xuyên di chuyển giữa Tokyo và các khu vực bầu cử của họ. Điều này khiến các nhà lập pháp nữ gặp khó khăn, nhất là khi cố gắng cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Nữ nghị sĩ Chinami Nishimura, một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Lập hiến, cho biết các đồng nghiệp nữ trước đây của bà đã rời bỏ quốc hội và trở lại các hội đồng địa phương vì những yêu cầu như vậy.

Ngoài ra, do có sự hiện diện ít hơn trong nền chính trị Nhật, nên những nữ chính trị gia cũng thường nhận được sự “chú ý” quá mức. Chẳng hạn, có gần 60% số phụ nữ được hỏi trong cuộc khảo sát hơn 5.000 nhà lập pháp địa phương cho biết họ bị công chúng hoặc đồng nghiệp quấy rối, so với tỷ lệ 33% ở nam giới.

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters, AP)

 

Chia sẻ bài viết