Đó là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ quan hành chính nhà nước. Nổi bật là đẩy mạnh triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Các thí sinh “hiến kế” nhiều giải pháp hiện đại hóa nền hành chính tại cuộc thi sáng kiến về CĐS, do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Q. THÁI
Đầu tháng 10-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ tổ chức cuộc thi sáng kiến về CĐS, thu hút 21 sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả là công chức, viên chức. Các sáng kiến tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; số hóa dữ liệu chuyên ngành; giải pháp nâng cao hiệu quả rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).
Sáng kiến “Ứng dụng công cụ biểu tượng đại diện vào công tác quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lưu trữ, số hóa hồ sơ tài liệu hành chính tổng hợp và tổ chức” của ông Huỳnh Tuấn Kiệt, chuyên viên Văn phòng Sở LĐ-TB&XH thành phố. Sáng kiến này có nhiều tiện ích, như lưu trữ hồ sơ công việc để phục vụ truy xuất thông tin (ví dụ như hồ sơ bổ nhiệm, xây dựng cơ bản, khen thưởng…); lưu trữ hồ sơ cá nhân kèm theo minh chứng (lý lịch công chức, viên chức, bằng cấp, phiếu đánh giá xếp loại công chức, viên chức). Theo ông Kiệt, thực tế việc lưu trữ hồ sơ chưa khoa học, không đầy đủ hoặc thiếu thành phần hồ sơ; các hồ sơ, tài liệu còn lưu trữ thủ công, bản giấy, chưa được số hóa. Do đó, sáng kiến này sẽ phục vụ công tác lưu trữ khoa học và hiện đại, hỗ trợ trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị.
Nhiều sáng kiến, giải pháp tham gia cuộc thi góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính, như: “Giải pháp nâng cao hiệu quả rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ”, “Giải pháp bảo vệ dữ liệu công việc trên máy tính bằng ứng dụng TeraBox”, “Sổ điện tử Quản lý thông tin mạnh thường quân tại Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ”. Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho biết, đây là năm thứ 2 cuộc thi được tổ chức, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của công chức, viên chức về tầm quan trọng của CĐS. Các sáng kiến được áp dụng, giúp việc chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, chính xác, thuận lợi; tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã triển khai khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp thực tế tại đơn vị. Tiêu biểu như tập huấn khai thác, tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC từ kho quản lý dữ liệu của công dân; phát động thi đua “Thực hiện tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC từ kho quản lý dữ liệu của công dân”; tuyên truyền việc khai thác, tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã số hóa, thực hiện nộp hồ sơ TTHC.
Bên cạnh các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính, các cấp, các ngành thành phố còn triển khai thực hiện Đề án 06, gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử cơ bản đạt hiệu quả. Theo đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu địa phương đồng bộ, liên thông; đẩy mạnh thực hiện dịch công trực tuyến. Việc công khai, minh bạch hồ sơ TTHC tại Bộ phận Một cửa và Hệ thống tin giải quyết TTHC thành phố được thực hiện đúng quy định, giúp người dân tra cứu thông tin, hồ sơ TTHC thuận lợi hơn.
Theo báo cáo của UBND thành phố về kết quả thực hiện Đề án 06, việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu và số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt kết quả khả quan. Trong đó, đối với 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền Bộ Công an, tính đến giữa tháng 9-2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 92,07%, gồm: khắc con dấu (đạt 100%); đăng ký tạm trú, tạm vắng (đạt 100%); thông báo lưu trú (đạt 99,99%); cấp hộ chiếu phổ thông và đăng ký mô tô, xe gắn máy đều đạt tỷ lệ trên 99%. Đối với 14 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 64,93%. Trong đó, các dịch vụ công có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao là giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt 99,21%); đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (đạt 97,6%); đề nghị cấp lý lịch tư pháp (80,08%).
Về công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố đã hoàn thành kết nối, khai thác thành công thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan giải quyết TTHC chia sẻ, xác thực thông tin trong quá trình giải quyết TTHC. Đây là nền tảng góp phần giúp cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện hồ sơ TTHC.
TÚ ANH