Ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã tăng vọt lên mức “nguy hiểm” trong tuần này, khiến giới chức địa phương phải ban hành lệnh hạn chế đi lại và khôi phục kế hoạch gây mưa nhân tạo. Tuy nhiên, các nhà khoa học hoài nghi về giải pháp này.
Khói bụi dày đặc tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 18-11. Ảnh: AP
Chính quyền thành phố New Delhi đã ra lệnh đóng cửa các trường học và chuyển sang học trực tuyến. Kể từ ngày 18-11, các doanh nghiệp và văn phòng cũng được yêu cầu hoạt động ở mức một nửa công suất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương triển khai xe phun nước và xe quét cơ giới để giảm bụi.
Khi đó, các thiết bị giám sát đã ghi nhận Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình là 493, thuộc loại “nghiêm trọng cộng” và cao gấp 30 lần so với giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này cho thấy nồng độ cực cao của các hạt bụi mịn kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (PM2.5) trong không khí, mức cao nhất trong năm nay.
Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ thường liên quan đến việc đốt than để tạo ra hơn một nửa sản lượng điện. Tại Vùng thủ đô quốc gia (NCR) Delhi, điều này kết hợp với khí thải từ hàng triệu ô tô và khói từ ngành xây dựng.
Cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn từ tháng 10 đến tháng 1 khi nhiệt độ lạnh hơn trùng với việc đốt rơm rạ trên diện rộng. Tuy nhiên, không khí nặng hơn trong mùa đông đã “nhốt” các chất ô nhiễm gần mặt đất, khiến tình trạng khói bụi càng thêm tồi tệ. Do vậy, vùng thủ đô với 33 triệu dân này liên tục nằm trong danh sách những khu vực ô nhiễm nhất thế giới.
Hoài nghi giải pháp gieo hạt mây
Hôm 20-11, Bộ trưởng Môi trường của Delhi, ông Gopal Rai cho biết chính quyền thành phố đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch khẩn cấp là gây mưa nhân tạo để làm sạch không khí. Trong tháng qua, ông Rai đã 4 lần viết thư cho Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav để xin phép tiến hành thí nghiệm gieo hạt mây.
Gieo hạt mây là phương pháp biến đổi thời tiết bằng cách đưa hóa chất, thường là bạc iodide hoặc muối, vào các đám mây. Các tác nhân này giúp hình thành các bông tuyết và rơi trở lại bề mặt Trái đất dưới dạng mưa nhân tạo. Quá trình này có thể được thực hiện bằng máy bay hoặc bắn chất xúc tác từ mặt đất.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học về việc gieo hạt mây có hiệu quả hay không. “Kế hoạch của Delhi không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm và những thách thức thực tế của việc gieo mây, đặc biệt là khi không có điều kiện thời tiết phù hợp”, Sachin Ghude, một nhà dự báo chất lượng không khí tại Viện Quản lý Nhiệt đới Ấn Độ, nhận định.
Nhiều nhà khoa học cũng lo ngại về tác động của bạc iodide đối với môi trường. Dù vậy, các quốc gia như Trung Quốc thường xuyên gieo hạt mây để tạo mưa hoặc xua đuổi mưa. Trong Thế vận hội Olympic 2008, ban tổ chức đã bắn hơn 1.000 tên lửa lên bầu trời để đảm bảo không có mây hoặc mưa.
Tại Ấn Độ, thí nghiệm gieo hạt mây đã được xúc tiến từ thập niên 1950. Trong giai đoạn 2003-2009, bang Andhra Pradesh đã gieo hạt mây để đẩy lùi tình trạng khô hạn kéo dài và dự án này đã làm tăng 15-45% lượng mưa.
HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, Indian Express)