21/11/2024 - 09:08

Kiến nghị gỡ khó trong hoạt động thừa phát lại 

Sau 4 năm triển khai thi hành Nghị định 08/2020/NÐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (TPL), hoạt động TPL được đón nhận, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, hoạt động TPL còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, cả nước hiện có 422 TPL, 207 văn phòng TPL được thành lập tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. TP Cần Thơ hiện có 2 văn phòng TPL với 6 TPL. Hiện nay, Hội TPL TP Hồ Chí Minh và Hội TPL Hà Nội được thành lập, đi vào hoạt động. Hai Hội TPL đã kiện toàn công tác tổ chức, nhân sự, tăng cường phát triển hội viên và tích cực tuyên truyền, thông tin về hoạt động TPL; đồng thời hỗ trợ TPL các địa phương chưa có Hội TPL. Từ ngày 1-10-2023 đến hết ngày 30-9-2024, các văn phòng TPL trên cả nước đã tống đạt 747.909 văn bản (chỉ tống đạt văn bản của tòa án), lập 113.409 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 4 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 1 vụ việc, tổng doanh thu hơn 203 tỉ đồng.

Trong 4 năm qua, hoạt động TPL gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tại buổi tọa đàm về hạn chế, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 08/2020/NÐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL; định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2020/NÐ-CP vừa diễn ra, bà Vũ Thị Lý, Trưởng Phòng Quản lý công chứng, TPL, Văn phòng Cục Bổ trợ tư pháp, chia sẻ: “Hoạt động TPL còn chưa đồng đều ở các địa phương và trong từng hoạt động cụ thể, tập trung chủ yếu là hoạt động tống đạt, lập vi bằng. Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án ngày càng giảm, nhiều nơi gần như không thực hiện, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của nghề TPL. Bên cạnh đó, một bộ phận TPL còn hạn chế về trình độ, nghiệp vụ, tính chuyên môn chưa cao, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật: lập vi bằng vi phạm quy định về phạm vi, thẩm quyền hoặc lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch trái pháp luật. Một số quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Việc quy định thời hạn Sở Tư pháp vào sổ đăng ký vi bằng không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận vi bằng, trong khi số lượng vi bằng ngày càng nhiều, công chức quản lý TPL tại địa phương kiêm nhiệm nhiều công việc khác, dẫn đến có lúc, có nơi, việc kiểm tra đăng ký vào sổ lưu trữ không kịp quy định...”.

Ðể khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện nay, Cục Bổ trợ tư pháp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2020/NÐ-CP. Trong đó, kiến nghị bãi bỏ quy định về bồi dưỡng nghề TPL. Thay vào đó, bổ sung quy định những người được miễn đào tạo nghề TPL sẽ được giảm ½ thời gian đào tạo so với những người không được miễn đào tạo nghề. Dự kiến tăng thời gian đào tạo nghề TPL từ 6 tháng lên 9 tháng; thống nhất thời gian tập sự 6 tháng, đồng thời bổ sung quy định TPL phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, thời gian làm việc của văn phòng TPL tập sự. Bà Vũ Thị Lý, cho biết: “Về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại TPL dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung theo hướng cắt giảm các thủ tục không cần thiết: cắt giảm một số loại giấy tờ trong hồ sơ bổ nhiệm; sửa đổi, bổ sung quy định về phiếu lý lịch tư pháp sắp tới sẽ không yêu cầu người đề nghị cung cấp mà theo hướng cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại TPL. Ngoài ra, bổ sung quy định hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính có thể nộp trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp sở, nộp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Về khung mức chi phí tống đạt sẽ đề xuất tăng mức tối thiểu từ 65.000 đồng lên 85.000 đồng, mức tối đa từ 130.000 đồng tăng lên 150.000 đồng.

Về phạm vi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không được lập vi bằng, quy định hiện hành cấm lập vi bằng trong trường hợp cần ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ công chức, viên chức... Ðại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép việc lập vi bằng đối với cán bộ, công chức, viên chức... đang thi hành công vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý các cán bộ, công chức, viên chức đó. Ngoài ra, cần quy định cụ thể thời gian lập vi bằng và kết thúc lập vi bằng, vì hiện nay, hoạt động này không quy định thời hạn, dẫn đến tính xác thực về thời gian lập vi bằng chưa phù hợp. Về công tác thi hành án dân sự, quy định hiện nay, khi tổ chức thi hành án, TPL không được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án... Quy định trên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của TPL, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân đối với việc TPL tổ chức thi hành một bản án. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tiễn...

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết