21/11/2024 - 22:38

Ukraine bắn tên lửa Anh vào lãnh thổ Nga 

Một ngày sau vụ bắn tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ cung cấp, quân đội Ukraine được cho đã phóng thêm loạt tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh nhằm vào mục tiêu trên đất Nga.

Tên lửa Storm Shadow được trưng bày trong Triển lãm hàng không ở Pháp. Ảnh: AP

Phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói rằng ông không có thông tin vụ việc, trong khi trên mạng xã hội Telegram đang lan truyền đoạn clip do nhóm phóng viên chiến trường Nga đăng tải nói là đã ghi lại âm thanh tên lửa tấn công khu vực Kursk ngày 20-11. Đoạn video quay ở khu dân cư, nghe qua có tiếng sắc nhọn như tên lửa đang bay tới, sau đó là ảnh khói bốc lên kèm theo 14 tiếng nổ lớn. Trong bài đăng khác, kênh Dva Mayora cho biết Ukraine đã bắn 12 tên lửa của Anh vào vùng Kursk, gắn kèm ảnh mảnh vỡ tên lửa in dòng chữ Storm Shadow.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer không lên tiếng bình luận. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov thì cho biết quân đội đang dùng mọi biện pháp để bảo vệ đất nước, nhưng từ chối xác nhận Kiev phóng tên lửa Storm Shadow vào đất Nga. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cảnh báo Mát-xcơ-va sẽ trả đũa những nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tạo điều kiện cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa. Theo quan điểm của nước này, Kiev phải dựa vào tin tình báo do phương Tây cung cấp để chọn mục tiêu và cũng chỉ quân nhân các nước NATO mới có thể vận hành các hệ thống tên lửa như vậy.

Tại sao Ukraine muốn có Storm Shadow?

Storm Shadow là tên lửa tấn công chiến thuật do nhà sản xuất MBDA chế tạo, tầm bắn tối đa 250km. Tên lửa được phóng từ máy bay và bay gần bằng tốc độ âm thanh, bám sát địa hình trước khi rơi xuống và kích nổ đầu đạn. Storm Shadow được coi là vũ khí lý tưởng để xuyên thủng các boongke kiên cố và kho đạn dược mà Nga sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Kể từ khi xung đột bùng phát, Anh và Pháp đã cấp cho Ukraine hàng chục tên lửa Storm Shadow hay SCALP theo cách gọi của Paris. Trước ngày 20-11, hai đồng minh châu Âu gần như chưa có sự chấp thuận từ bên kiểm soát một phần công nghệ của MBDA là Mỹ, để cho phép Ukraine phóng Storm Shadow sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, loại tên lửa chiến thuật này đã chứng minh là vũ khí cực kỳ hiệu quả giúp Ukraine tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên phần lãnh thổ Kiev có chủ quyền nhưng bị Mát-xcơ-va kiểm soát.

Dẫu vậy, phương Tây vẫn khá hoài nghi khả năng Storm Shadow và kể cả ATACMS giúp đảo ngược tình thế, phần vì kho tên lửa của Ukraine không lớn trong khi các nhà viện trợ như Anh cạn kiệt nguồn cung. Nhưng dù sao, diễn biến mới có thể củng cố vị thế của Ukraine, đặc biệt trong chiến dịch giành một phần lãnh thổ khu vực Kursk của Nga mà Kiev kiểm soát từ tháng 8. Hiện tại, khoảng 225 căn cứ của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa Storm Shadow. 

“Trò chơi chính trị” giữa Nga - Mỹ

Trong diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc tiếp tục viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cung cấp đạn dược cho hệ thống phóng tên lửa đa nòng cơ động cao (HIMARS). Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng xóa khoản vay trị giá 4,7 tỉ USD cho Kiev khi các quan chức sắp mãn nhiệm nỗ lực tìm mọi cách có thể để hỗ trợ Kiev trước lúc họ rời Nhà Trắng.

Như vậy, Mỹ và Nga trong vài ngày qua đã có những động thái nhằm tác động kết quả cuộc chiến ở Ukraine khi chỉ còn 2 tháng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trong “trò chơi chính trị” này, Tổng thống Biden dần từ bỏ các “lằn ranh đỏ” về vũ khí còn Mát-xcơ-va thì tối đa hóa lợi ích bằng thông điệp răn đe về vũ khí hạt nhân.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết