Hơn 1.000 ngày xung đột, chiến trường Ðông Âu tiếp tục với các diễn biến nguy hiểm, bao gồm tuyên bố đáp trả từ Nga sau khi Ukraine được cho sử dụng tên lửa chiến thuật mà Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ bên kia biên giới.
Hệ thống tên lửa ATACMS. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters, Ukraine đã tấn công một kho vũ khí trên đất Nga nằm cách biên giới 110km, dẫn tới khoảng chục vụ nổ thứ cấp tại địa điểm mục tiêu. Tuy quân đội không nêu rõ sử dụng vũ khí nào, nhưng nguồn tin trong Chính phủ Ukraine và 2 quan chức Mỹ tiết lộ Kiev đã phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh Bryansk. Dữ liệu xác nhận đây là tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hệ thống phòng không Pantsir và S-400 của nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của một cơ sở quân sự ở Bryansk, gây ra hỏa hoạn, nhưng đã được dập tắt kịp thời. Vụ tấn công không gây thương vong hay thiệt hại.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, tên lửa có tầm bắn 300km sẽ không thể nào phóng được nếu không có hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ. Ðây là tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột, với Washington đang trở thành bên tham chiến trực tiếp và Mát-xcơ-va sẽ có đáp trả tương ứng. Sự leo thang xung đột diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh hạ thấp điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, qua đó cho phép Nga sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại các quốc gia phi hạt nhân như Ukraine nếu họ được các cường quốc hạt nhân hỗ trợ. Mát-xcơ-va cũng có quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhắm vào lãnh thổ Nga trên diện rộng, vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus.
Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào “một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm”. Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.
Theo người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov, sửa đổi học thuyết hạt nhân là động thái cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. Ðáp lại, Nhà Trắng lên án “lời lẽ vô trách nhiệm” từ Nga nhưng nói rõ diễn biến này không thúc đẩy Washington điều chỉnh thế trận hoặc học thuyết hạt nhân của mình. Dù vậy, trong một sự thay đổi chính sách lớn khác, 2 quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên chấp thuận gửi mìn chống bộ binh đến Ukraine.
Kể từ xung đột bùng phát vào tháng 2-2022, Mát-xcơ-va đã triển khai cả mìn chống bộ binh và chống tăng trong khi Washington chỉ cung cấp cho Kiev loại mìn thứ 2. Giờ đây, trước thay đổi chính sách đột ngột, đài CNN cho biết ý định của Nhà Trắng là giúp Ukraine củng cố các tuyến phòng thủ trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Kiev giữa thời điểm Nga tiếp tục tiến quân chậm rãi ở miền Ðông Ukraine. Trước đó vài ngày, chính quyền Tổng thống Biden đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS chống lại Nga như phản ứng đáp trả Mát-xcơ-va mượn binh lính CHDCND Triều Tiên đối phó Kiev. Ðại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đang thúc giục các nước thành viên hành động thống nhất với Mỹ.
Trước lời kêu gọi trên, một số đồng minh phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brazil, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cho biết cung cấp tên lửa hành trình sẽ là một “sai lầm”, qua đó nhắc lại lập trường của Berlin là không gửi tên lửa Taurus đến Ukraine. Theo các chuyên gia quân sự, sử dụng tên lửa của Mỹ có thể không giúp Ukraine tạo ra ảnh hưởng mang tính quyết định đối với cuộc chiến kéo dài 33 tháng.
MAI QUYÊN (Theo AFP, CNN)