Lạm dụng quảng cáo trong phim truyền hình hay các chương trình truyền hình thực tế không phải là chuyện mới, từng được dư luận lên tiếng rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm truyền hình vẫn làm ngơ trước ý kiến của khán giả.
Phim “Đi giữa trời rực rỡ” với nhiều phân đoạn quảng cáo lộ liễu. Ảnh chụp màn hình
Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” phát trên sóng VTV3 thu hút sự quan tâm của khán giả vì nội dung hay, kịch tính, diễn xuất của diễn viên khá ấn tượng. Nhưng, càng xem, khán giả càng ngao ngán trước những màn lồng ghép quảng cáo sống sượng, khiên cưỡng. Đi mua thức ăn về nấu cơm, nữ nhân vật chính tìm mua cho bằng được một hiệu nước mắm, rồi cô cùng với người bán kể vanh vách từng sản phẩm của thương hiệu và không quên “thêm mắm dặm muối” để nói về độ ngon của các sản phẩm này. Đã thế, trên bữa ăn trong phim, hình ảnh và lời thoại về chai nước mắm được thể hiện liên tục, cận cảnh. Đang phân đoạn phim hay, khán giả “mắc nghẹn” khi vướng phải quảng cáo như thế.
Cũng trong phim “Đi giữa trời rực rỡ”, càng về những tập cuối, khán giả “ngán tận cổ” khi bị phim “ép ăn” nào là xúc xích, sủi cảo, nước mắm… đầy ngán ngẩm. Như với phân cảnh chiên xúc xích, một túi xúc xích được xếp ngay ngắn, cận cảnh, nhân vật ăn vào tới tấp khen ngon. Hay là những phân cảnh lồng ghép quảng cáo taxi điện, xe ôm công nghệ… cũng lộ liễu khó coi.
Quảng cáo lố không kém là chương trình “2 ngày 1 đêm” phát trên kênh HTV7, đang có lượt người xem rất lớn. Khi thì nước mắm, khi thì tương ớt, rồi cả xe hơi, bia… Như trong tập vừa mới phát sóng gần đây được ghi hình tại Cần Thơ, có chi tiết Lê Dương Bảo Lâm lấy muỗng nước mắm uống rồi… xỉu trên vai bạn diễn Cris Phan. Khi mọi người hỏi vì sao thì anh trả lời: “Ngon lịm người luôn!”. Nét diễn sượng trân, giả tạo và quảng cáo lố đó thiệt không thể cười cho nổi.
Trước hết, phải khẳng định rằng, quảng cáo trong phim truyền hình hay chương trình truyền hình thực tế là không sai. Đó cũng là cách để tạo nguồn thu, bù đắp quá trình sản xuất sản phẩm truyền hình. Tuy nhiên, liều lượng vừa phải là điều cần chú ý. Ngoài ra, quảng cáo dạng này khó hơn video quảng cáo thuần túy rất nhiều, vì phải làm sao cho nhuần nhuyễn, hài hòa vào kịch bản, quảng cáo như không quảng cáo. Vì suy cho cùng, khán giả xem phim, xem gameshow chứ không phải xem quảng cáo. Nhưng gần đây, việc này hình như ít được chú trọng mà có khi, một chai nước mắm hay một chiếc xe hơi, bỗng dưng trở thành… nhân vật chính của sản phẩm truyền hình. Đó là cách quảng cáo đầy thô thiển, phi nghệ thuật.
Việc lạm dụng quảng cáo để kiếm tiền kiểu này là biểu hiện rõ ràng của việc không tôn trọng khán giả. Họ tự nhiên quảng cáo, tô hồng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác mà dường như không nghĩ đến cảm giác của khán giả khi xem. Rõ là: “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!”.
ĐĂNG HUỲNH