23/10/2024 - 18:02

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Bổ sung hơn 20.695 tỉ đồng vốn cho Vietcombank 

Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham quan triển lãm chuyên đề “Nhật báo Quốc hội với Tổng tuyển cử đầu tiên”

Chiều 23-10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB).

Trình bày Báo cáo tóm tắt về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) (thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc nêu sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB. Theo đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Ðảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính - ngân hàng; để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về căn cứ pháp lý, VCB thuộc đối tượng phạm vi được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại quy định tại Ðiều 16 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Khoản 2 Ðiều 12 Nghị định 91/2015/NÐ-CP Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Về thẩm quyền, VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn nhà nước với số tiền 20.695 tỉ đồng. Căn cứ quy định tại Ðiều 17 Luật số 69/2014/QH13, với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.

Về phương án bổ sung vốn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc cho biết tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu riêng lẻ của VCB tại ngày 31-12-2023 là 11,05%, hợp nhất là 11,39%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Ðiều 138 Luật Các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vẫn đang là mức thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Ðông Nam Á. Với vai trò định hướng là chủ lực, chủ đạo về quy mô thị phần, khả năng điều tiết thị trường, VCB hướng tới mục tiêu đáp ứng tỷ lệ an toàn tối thiểu theo Basel III đến năm 2026 là 13,5%. Theo đó, VCB xác định vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024 - 2026 là 118.166 tỉ đồng cho đến 125.435 tỉ đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc nhấn mạnh việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, phát hành trái phiếu, tăng vốn và đầu tư bổ sung vốn từ ngân sách Nhà nước là không khả thi. Do vậy, Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung vốn vào VCB từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia cổ đông Nhà nước từ lợi nhuận còn lại của lũy kế đến năm 2011 và lợi nhuận còn lại của năm 2021 là 20.695 tỉ đồng; vốn điều lệ tăng thêm là 27.666 tỉ đồng. Vốn điều lệ của VCB sau khi được tăng vốn sẽ là 83.557 tỉ đồng (vẫn chưa đạt mức tối thiểu).

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số của VCB và từ đó tạo nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc khẳng định việc được tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp VCB phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, cấp tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, phấn đấu nâng tầm vị thế của các ngân hàng Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Căn cứ các nội dung nêu trên và Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại VCB với số tiền 20.695.100.980.000 đồng (hơn 20.695 tỉ đồng) từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban này nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do như đã nêu trong Tờ trình và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Ðảng, Nghị quyết của Quốc hội. VCB là một trong các ngân hàng thương mại có quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, uy tín, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ða số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại VCB trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước.

Về hình thức văn bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV); nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết như đã nêu tại Tờ trình.

► Sáng 23-10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham quan Triển lãm chuyên đề “Nhật báo Quốc hội với Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946)”. Triển lãm do Văn phòng Quốc hội tổ chức hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026) và phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu Quốc hội tham quan triển lãm. Ảnh: TTXVN

Cùng tham dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ðỗ Văn Chiến; lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Tại triển lãm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã nghe giới thiệu về lịch sử ra đời của tờ Nhật báo Quốc hội; tham quan 15 số của Nhật báo Quốc hội.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 6-1-1946, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự đoàn kết, đấu tranh anh dũng, hy sinh của toàn thể nhân dân Việt Nam và đóng góp không nhỏ của báo chí cách mạng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, trong đó có Nhật báo Quốc hội.

Nhật báo Quốc hội là tờ báo mang dấu ấn đặc biệt chỉ phát hành trong thời gian ngắn (từ 17/12/1945-6/1/1946) do Ban phụ trách Tổng tuyển cử ở Bắc bộ xuất bản với nội dung chủ yếu là đưa tin rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I; hướng dẫn, cổ vũ quần chúng tham gia ứng cử và bầu cử; đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng đối lập nhằm phá hoại cuộc bầu cử. Mặc dù chỉ phát hành 15 số và hoạt động trong 21 ngày nhưng Nhật báo Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền cho cuộc Tổng tuyển cử.

PHAN PHƯƠNG (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết