24/10/2024 - 08:22

Anh, Ðức ký hiệp ước quốc phòng lịch sử 

Trong nỗ lực củng cố “trụ cột châu Âu” tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anh và Đức đã chính thức ký thỏa thuận quốc phòng cho phép tăng cường hợp tác phát triển thiết bị quân sự cũng như mở rộng tập trận ở sườn phía Đông của liên minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Pistorius (phải) và người đồng cấp Anh Healey.

Thỏa thuận lịch sử trên có tên Hiệp định Trinity House, được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Anh John Healey trong buổi lễ diễn ra tại tòa nhà Trinity House ở thủ đô Luân Đôn ngày 23-10. Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa 2 quốc gia có chi tiêu quân sự nhiều nhất châu Âu, vì mục tiêu thắt chặt quan hệ quốc phòng và an ninh giữa các bên chủ chốt trong khu vực. Động thái này cũng diễn ra sau hơn 2 năm bùng phát xung đột Nga - Ukraine và ở thời điểm còn chưa đầy 2 tuần cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tiến hành. Hồi tháng 2, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã khiến các đồng minh phương Tây lo ngại khi tuyên bố sẽ để mặc hành động của Nga với các nước NATO không góp đủ ngân sách.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Healey cho biết Hiệp định Trinity House đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ với Berlin và là bước tăng cường đáng kể cho an ninh châu Âu. “Thỏa thuận đảm bảo mức độ hợp tác mới chưa từng có giữa Anh với lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp Đức, giúp bảo vệ các giá trị chung và mang lại lợi ích an ninh cùng thịnh vượng” - ông Healey nêu rõ. Về phần mình, Bộ trưởng Pistorius cho biết việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine chứng minh châu Âu không được coi nhẹ vấn đề an ninh. Thông qua hiệp định mới, người đứng đầu ngành quốc phòng Đức hy vọng các dự án trên không, trên bộ, trên biển và không gian mạng giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các bên liên quan, qua đó thu hẹp khoảng cách năng lực trong khu vực và củng cố trụ cột châu Âu trong NATO.

Theo nội dung thỏa thuận, Đức sẽ duy trì hoạt động định kỳ của đội trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh Lossiemouth ở Moray, vùng Đông Bắc Scotland. Để ứng phó mối đe dọa tiềm tàng từ hoạt động trên biển của Nga, nhiều khả năng đội máy bay tuần tra trinh sát hàng hải của Đức được trang bị ngư lôi do Anh cung cấp, hỗ trợ nhiệm vụ theo dõi tàu Nga và bảo vệ các tuyến cáp ngầm quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương. Hai bên còn dự kiến phát triển thiết bị không người lái trên bộ và trên không mới hỗ trợ chiến đấu cơ Typhoon. Đặc biệt, các đồng minh sẽ xem xét phát triển vũ khí tấn công tầm xa vượt trội hơn các hệ thống hiện tại, kể cả tên lửa Storm Shadow tầm bắn tối đa 250 km mà quân đội Anh đang sở hữu hay tên lửa hành trình Taurus tầm bắn 500 km của Đức.

Ngoài ra, một phần khác của thỏa thuận cho phép tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall mở nhà máy sản xuất nòng pháo tại Anh. Đây là cơ sở đầu tiên trong lĩnh vực này được mở lại ở Anh sau một thập kỷ, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027 và có thể tạo ra 400 việc làm. Các điều khoản còn tạo điều kiện để Anh và Đức phối hợp nhiều hơn thông qua các cuộc tập trận quân sự tăng cường sức mạnh phòng thủ chung ở biên giới phía Đông của NATO. Thỏa thuận cũng giúp Ukraine cải thiện khả năng tấn công khi cho phép trực thăng Sea King mà Đức đang viện trợ cho Kiev được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại. Anh cũng thúc đẩy các nỗ lực do Đức và Ba Lan dẫn đầu nhằm cung cấp xe bọc thép cho Ukraine, trong khi Đức sẽ hỗ trợ Anh và Latvia cung cấp máy bay không người lái.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương giữa Anh và Đức phản ánh thay đổi của Luân Đôn trong quan hệ với các bên chủ chốt ở khu vực sau thời gian căng thẳng nghiêm trọng liên quan việc tách khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ký kết với Đức, Anh hiện muốn đàm phán thỏa thuận an ninh mới với liên minh 27 nước. Nhưng trước mắt, giới quan sát đánh giá Hiệp định Trinity House là trụ cột đầu tiên cho thỏa thuận sâu rộng hơn giữa tam giác lực lượng vũ trang có năng lực nhất của châu Âu là Anh, Đức và Pháp. Theo đó, Anh đã ký Hiệp ước Lancaster House với Pháp hồi năm 2010 trong khi Đức và Pháp nhất trí ký Hiệp ước Aachen năm 2019.

MAI QUYÊN (Theo DW, Independent)

 

Chia sẻ bài viết