Cùng với sự phong phú của cá đồng và nhiều loại thủy sản đánh bắt được trong mùa lũ ở ÐBSCL, nhu cầu tiêu thụ rau màu cũng tăng, tạo thuận lợi cho nông dân trồng rau màu trong mùa nước nổi. Nắm bắt xu hướng và nhu cầu của thị trường, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã phát triển nhiều mô hình trồng rau màu trong mùa lũ, qua đó giúp bà con tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Lộc (bên trái) ở huyện Thới Lai đưa sản phẩm của mình đến bán cho một vựa thu mua rau củ tại huyện.
Tận dụng lợi thế có đê bao ngăn lũ tốt và có hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động nước tưới tiêu, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tích cực phát triển các mô hình trồng rau màu trong mùa lũ. Bên cạnh trồng rau trên các bờ rẫy và những khu vực có bờ liếp cao, nông dân tại nhiều nơi cũng mạnh dạn đưa nhiều loại rau màu xuống trồng trên chân ruộng lúa như mướp hương, bầu, bí, ớt, cà, khổ qua, các loại đậu, dưa, bắp, khoai lang... Nhiều loại rau ăn quả trồng ở Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương mà còn được nhiều tiểu thường và đầu mối kinh doanh thu mua đưa đi tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Ðông Nam Bộ.
Anh Nguyễn Văn Lộc ở ấp Thới Tân B, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Vụ sản xuất thu đông hằng năm cũng là thời điểm nhiều địa phương vùng ÐBSCL bị ảnh hưởng bởi lũ và triều cường, nhiều nông dân thường giảm diện tích trồng rau màu, nhất là ở những nơi chưa có hệ thống đê bao đảm bảo ngăn lũ. Riêng khu vực của tôi có hệ thống đê bao vững chắc và tôi cũng chủ động gia cố thêm bờ bao quanh vùng sản xuất của mình nên đã mạnh dạn trồng nhiều loại rau màu mà không lo bị ảnh hưởng bởi lũ. Hiện tôi có 10 công đất trồng các loại rau ăn quả như bầu, khổ qua, mướp hương, các loại đậu… Nhờ trồng các loại rau màu này mà tôi đã có thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với trước đây trồng lúa". Cũng theo anh Lộc, thời gian qua tuy giá một số loại rau ăn quả có giảm thấp nhưng nhờ trồng đa dạng nhiều loại rau màu nên nguồn thu nhìn chung vẫn đảm bảo tốt, nhất là khi một số loại rau ăn quả vẫn duy trì được mức giá cao. Năng suất các loại rau ăn quả được anh trồng cũng đạt cao nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và được chăm sóc tốt, cũng như tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện nay, tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã hình thành được các vùng trồng rau màu tập trung, với nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau củ, các loại nấm (nấm rơm, nấm bào ngư) và cả các loại cây công nghiệp ngắn ngày giúp mang lại hiệu quả cao. Ðơn cử như các vùng trồng rau ăn lá tại quận Bình Thủy, Ô Môn và Thới Lai; vùng chuyên canh trồng rau muống ở Ô Môn; trồng hẹ, ớt và bắp ở Thốt Nốt, trồng mướp hương ở Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh; trồng đậu nành rau ở Thới Lai và Thốt Nốt… Không chỉ trồng đa dạng các loại rau màu trên cạn, nông dân tại nhiều quận, huyện còn phát triển các mô hình trồng rau màu thủy canh. Cụ thể như trồng các loại rau sống dưới nước như rau nhút, rau ngổ, rau kèo nèo (cù nèo), bông súng, trồng sen lấy ngó, lấy gương... Nhiều mô hình trồng rau màu thủy canh cũng đã khẳng định hiệu quả, giúp nông dân có điều kiện gia tăng sản xuất và nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền ở ấp Thới Phong B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: "Gia đình tôi có 6 công đất mới lập vườn. Bên cạnh trồng các loại rau ăn lá trên các bờ liếp, tôi còn tận dụng các ao mương trồng bông súng để kiếm thêm thu nhập vì thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này thường tăng cao trong mùa lũ. Hiện mỗi ngày tôi có thể thu hoạch hơn 30kg bông súng. Thời gian qua, dù giá bông súng được thương lái mua tại vườn chỉ ở mức 2.500-5.000 đồng/kg nhưng loại cây này khá nhẹ công chăm sóc và ít tốn chi phí tiền phân bón, đồng thời tôi cũng tranh thủ đem bông súng ra chợ bán lẻ để được giá cao hơn nên cũng có thêm nguồn thu đáng kể".
Theo anh Nguyễn Thành Ðạo ở ấp Vĩnh Mỹ, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, gia đình anh có 6 công đất lúa, trước đây canh tác lúa chỉ có thể kiếm lợi nhuận khoảng 5-7 triệu đồng/công trở lại do đất nằm ở khu vực khá trũng thấp, canh tác lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ phát triển mô hình trồng sen lấy ngó mà gia đình anh đã có thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước đây trồng lúa. Thời gian qua, ngó sen được bán với giá lên đến hơn 20.000 đồng/kg, qua đó mỗi công đất trồng sen có thể giúp anh kiếm lời 10-20 triệu đồng/công/năm.
Ðể hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương đã quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển các loại rau màu theo nhiều mô hình khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới như màng phủ, nhà lưới, bón phân hữu cơ và xây dựng, phát triển các mô hình luân canh, chuyên canh và vùng trồng rau theo hướng an toàn, hiệu quả. Hướng dẫn thực hiện các hồ sơ thủ tục và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất rau an toàn, cũng như hỗ trợ kết nối với các nhà tiêu thụ để tạo thuận lợi về đầu ra cho nông sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến ngày 9-10-2024, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 13.977ha, trong đó đã thu hoạch 11.933ha, còn diện tích đang gieo trồng 2.044ha. Sản lượng ước đạt 136.038 tấn.